Chủ Nhật, 4 tháng 4, 2010

ĐỨNG LỚP

   
 ( viết tặng các hoc trò cũ của tôi)


    Tôi được phân công về giảng dạy tại trường phổ thông trung học Đống Đa Qui nhơn ở miệt khu 6, ngôi trường nằm bên trong con đường Nguyễn Thái học , ngày trước mỗi khi có dịp vào đây là chỉ ăn phở Công Binh hay đến chơi nhà vài đứa bạn ở miệt khu 6 và điểm đến cuối cùng vẫn là quán phở ấy ....

    Buổi sáng thức dậy sớm cầm coi lại quyết định của Ty giáo dục, chọn cho mình chiếc áo nào thích hợp khi lần đầu tiên đến nhận công tác đây...Nếu như trước năm 75, nếu là cái mốc thời gian tính từ trước ngày 30 tháng tư năm 75 thì dễ rồi...
.
    Tôi chỉ cần chọn cái áo dài nào đẹp nhất mà tôi thích, trang điểm kỹ càng, ngắm vuốt sao cho coi được mắt là xong...
     Nhưng bây giờ đây mọi cái đều thay da đổi thịt, thành phố Qui nhơn sau ngày chính quyền cách mạng về tiếp quản, mọi cái đều mới mẻ, mọi người len lén nhìn nhau để mà sống, sống sao đây ??mặc dù gia đình tôi cũng thuộc loại " có lý lịch rõ ràng", vì thế chị em tôi mới được bổ nhiệm trước và có chỗ tốt trong thành phố, sau khi đã dự khóa đào tạo ngắn ngày của Ty giáo dục qua mấy lần chọn lại cái sơ yếu lý lịch của mỗi người và do chính tận tay cha tôi đem nộp cho hai chị em tôi.

     Không biết họ sắp xếp làm sao mà tôi được vào lớp 2A Tự Nhiên và em gái tôi vào lớp Xã hội .
Lớp đào tạo ngắn ngày của chúng tôi gồm 50 giáo sinh đều đã có Tú tài 2, đã và đang theo học ở các trường sư phạm của chế độ cũ, hay đã theo học các nơi khác với một hai chứng chỉ đại học... chúng tôi gặp nhau ở đây để  ổn  định lại cuộc sống và ai cũng mong có việc làm ổn định vì chưa ai biết cuộc sống sẽ đi về đâu và tương lai mỗi người sẽ sao đây ???

      Lúc ấy cha tôi đã trở về gặp lại vợ con sau hơn 21 năm xa cách...trong mừng vui của cả gia đình và bà con họ hàng và nhất là của Mẹ tôi, cha tôi xuất hiện như một cứu tinh cho mọi người trong họ tộc nhà tôi, vì trong cuộc đổi đời ấy ...chưa ai biết là cuộc sống sẽ ra sao ? phải làm gì cho đúng với cách mạng và lập trường tư tưởng mỗi người phải xác định và sao cho đúng sai .

     Khi trở về miền Nam, cha tôi đã không thông báo cho mấy mẹ con tôi biết ngày giờ nào người sẽ về..chỉ biết qua một người cùng làng thông báo là cha tôi vẫn còn sống và sẽ trở về gặp lại gia đình tôi một ngày gần đây.
     Chúng tôi nhận biết qua Mẹ tôi nỗi vui mừng hiện ra trong ánh mắt và trong câu chuyện mỗi đêm người hay nhắc nhớ ...và gia đình tôi hoan hỉ đón người cha mà bấy lâu tôi vẽ ra trong trí nhớ mù mờ và qua lời tả lại của Mẹ..

      .Cha tôi đó một con người bằng da bằng thịt, hiền hòa, nói năng có nghĩa, có tình.
       Mẹ tôi đã tần tảo sớm hôm nuôi cho người ba đứa con thơ, ngày người rời cảng Qui nhơn theo đoàn người Tập kết ra Bắc, Mẹ tôi dắt hai đứa bé gái ra đưa tiễn , một đứa lên năm và một đứa lên ba đó là tôi và một bào thai ba tháng tuổi ...bây giờ ba đứa bé đã là những thiếu nữ,và tôi đã có hai con.

    Chiếc xe đạp Phượng Hoàng, món quà và cũng là gia tài duy nhất mà cha tôi mang về cùng với ba cây bút máy hiệu Kim Tinh, cha tôi đã trao tặng ba chị em tôi và một bản lý lịch tốt..

     .Vì thế chị em tôi mới được chọn vào lớp đào tạo nhanh nhất và được phân bổ cho khắp các huyện lị của tỉnh Nghĩa Bình ngày ấy...

     Thời gian  này gia đình tôi như một ngày hội lớn, những bà con xa gần tìm về thăm hỏi, những bạn bè từ miền Bắc về nam, những xóm giềng đến chào hỏi và hỏi về những cách phải làm sao cho phù hợp với xã hội mới bây giờ .cả về cách sống và cả về ăn mặc...cùng những lặng thầm khép kín, lắm lét nhìn nhau.

      Cuối cùng tôi cũng quyết định là chọn cho mình chiếc áo dài màu tím than còn lại trong tủ áo của tôi.
Đúng bảy giờ sáng, tôi leo lên chiếc xe đạp Phượng hoàng  của cha tôi , mấy lần suýt ngã vì sự vướng víu của hai tà áo dài và chưa quen với chiếc xe hơi cao, cha tôi tình nguyện ở nhà coi dùm đứa con gái mới bốn tháng tuổi của tôi để tôi đi nhận nhiệm sở mới .

       Ngôi trường Trung học Đống đa là điểm đến, hai dãy lớp học gồm 10 phòng học và một dãy ngang 4 phòng nằm trên khu đất cao, cái cảm giác phập phồng y như ngày đầu tiên tôi đến trường trung học, nhưng còn hồi hộp hơn vì chút nữa đây tôi phải đối diện với con người có thẩm quyền và đại diện cho cách mạng mà tôi sẽ gặp và làm việc mỗi ngày, tôi nhìn xuống thân mình lần nữa với tà áo dài ngày cũ mà thấp thoáng trong hành lang của mấy dãy lớp học không thấy ai giống như tôi cả .

      Tôi biết trong số những người đang đứng lớp phần lớn cũng là những người mà tôi quen biết cũ và cũng có một số ít từ miền Bắc, hay từ các vùng khác chuyển về công tác ở đây, họ thoáng nhìn tôi từ đầu đến chân , hơi ngại ngùng rồi vội vàng quay gót, mấy chị đàn bà áo ngắn , quần đen ,chân mang dép nhựa xanh đỏ, kể cả mấy chị giáo viên miền nam mà tôi hơi quen mặt cũng phục sức như vậy .

       Một vài thầy giáo mà tôi nhìn rất quen, cũng đã lớn lên cùng thời với tôi, nhưng sao hôm nay nhìn họ cũng giống hệt những người cán bộ nơi rừng sâu mới về...áo sơ mi cháo lòng, quần kaki không thẳng nếp, đặc biệt nhất là ai cũng có đôi dép râu, loại dép chế  từ các lốp xe nhà binh có quai hậu, màu đen và vững chãi trên chân của mỗi người ...lúc ấy những cái lốp xe cũ vứt đi bỗng chốc trở thành xa xỉ là cái "Mốt: của các ông ngày ấy. ra đường là phải có dép râu, có thêm cái nón cối thì lại càng cao cấp hơn trong xã hội lúc bấy giờ .

       Tôi ngồi chờ ở văn phòng, sau khi xong tiết dạy, các thầy cô về văn phòng ngồi uống nước và tán chuyện với nhau , ai cũng chỉ liếc nhìn tôi và không ai dám mở lời vì có lẽ nhìn  dáng vẻ bề ngoài "không giống ai " của tôi lúc bấy giờ, tôi đoán có lẽ ai trong họ cũng đang nghĩ rằng : thời buổi này mà còn mặc áo dài...giáo viên mà không biết thức thời...Sự ghẻ lạnh và xa cách từ trong ánh mắt, tôi chỉ biết nén lòng chờ và cũng không có ý định về thay áo ngắn vì tôi cũng có cái dù phải che được cái cán ...

        Một ngưới đàn ông ngoài 40, mặt lưỡi cày, hai má hơi bành ra khi mỗi lần ngưng câu chuyện, giọng Nghệ Tĩnh rất khó nghe , tên ông là  Kấn Hịch, Tên phát âm nghe như của một người dân tộc,  Sau này khi ở đây lâu ,chúng tôi đều nhận thấy ông là một người rất tốt, và nhóm giáo viên miền Nam cũng không bị đì như một số các trường khác mà tôi được biết qua lời kể lại của các bạn khác..ngay từ đầu  tôi cũng nhận thấy ở ông sự thông cảm và không nghe ông bảo tôi phải thay đổi y phục khi dến trường trong thời gian tới...

        Sau khi rà soát lại thời gian biểu của trường , ông bảo tôi sẽ phụ trách môn Anh văn cho 4 lớp 6  và hai lớp 8 đang không có người phụ trách, được đào tạo ra dạy Khoa học tự nhiên, nay về trường được cho dạy ngoại ngữ, nhưng tôi không dám xin xỏ gì thêm chỉ lo chép thời khóa biểu và chào từ giã ra về để chuẩn bị ngày mai lên lớp .

        Ngày đầu tiên tôi lên bục giảng cũng rất là cảm động , những đứa học trò nhỏ rất dễ thương, chúng cũng nhìn tôi với tà áo dài không giống ai ngày ấy , nhưng thảy đều thích thú và ngưỡng mộ, một đám con gái chạy đến chỗ tôi ngồi lúc ra chơi : tụi em thích cô mặc áo dài khi đứng lớp, mấy bà cô Bắc kỳ , cứ chỏng mông vào tụi em, kỳ quá  ...Ôi những thiên thần bé nhỏ của một đời tôi.

        Hàng ngày tôi tự tìm hiểu và tự soạn cho mình một giáo án riêng cho mình, những chữ nghĩa mà tôi đã có được bây giờ tôi đem trang trải cho đám học trò nhỏ, các em đa số là con của những nhà lao động trong miệt khu 6 , đời sống mọi người ai cũng khó nghèo, hàng tháng gáo viên như chúng tôi ngày ấy tất cả đều hưởng mức lương chung là 39 đồng và 6 hào bạc Bắc với 18 cân gạo có pha độn năm sáu cân mì sợi, mỗi đầu tháng có người phụ trách về công đoàn lo việc mua bán và phân chia hợp lý , chúng tôi chỉ đem theo cái bao cát để lãnh nhận số gạo và những nhu yếu phẩm như lon sữa, vài lạng đường, vài cây kim , ống chỉ, và năm lạng thịt heo, còn những nhu yếu phẫm khác như vải vóc, mùng mền thì công đoàn sẽ phân theo công trạng và chức vụ..

         Trong số giáo viên trong trường chỉ có thầy Thuận , thầy Hoa,thầy Long, cô Phương , chị Ân và chị Thanh Hương là đồng trang lứa với tôi và là mới nhất nên cho đến khi nào chúng tôi mới được nhận những món quí giá này vì thế nếu không sử dụng  lại những quần áo cũ còn lại của ngày  cũ làm sao chúng tôi có cái để che thân và trước mặt các học trò nhỏ tôi không muốn chúng nhìn tôi với một hình ảnh không đẹp về người thầy của chúng .

        Tất cả đều được phân chia theo tiêu chuẩn mỗi người trong chế độ Xã hội chủ nghĩa lúc bấy giờ ...

        Vào những ngày họp hội đồng của ngày thứ năm trong tuần, sau khi phân công cho các em làm lao động , toàn bộ giáo viên họp chung để kiểm điểm   nhau về cách sống, cách dạy của nhau ...cũng bị các chị em phê bình góp ý và nhắc nhở phải thay đổi cách ăn mặc sao cho phù hợp với thời đại bây giờ , nhưng cũng không ai bảo thẳng tôi là không được mặc áo dài , vì thế tôi vẫn điềm nhiên lên bục giảng vời tà áo dài và chỉ mỗi mình tôi thôi .
    Sau này có chị Bạch Nhạn, chị Thanh Hương  cô Ân là ba  người cùng tổ ngoại ngữ với nhau và chúng tôi bàn với nhau là cứ có gì mặc vậy, họ nhìn riết rồi quen mắt và lâu dần các chị em giáo viên miền bắc về cũng bắt chước chúng tôi làm công việc ấy cho đến ngày tôi rời xa trường cũ ...

   .Thỉnh thoảng chị em tôi có hỏi cha tôi về cuộc sống này rồi sẽ ra sao đây, lần nào người cũng giải thích rõ ràng và nói y chang những lời mà khi họp ở trường hay học bổ túc chính trị các lãnh đạo vẫn nói " Các đồng chí phải vững tâm giữ vững lập trường và ý chí cách mạng triệt để,  chỉ cần chờ đợi , sau khi kế hoạch năm năm lần thứ nhất,Sau Đại hội Đảng,  tất cả mọi người trong xã hội sẽ hưởng tiêu chuẩn bằng nhau ...mỗi sáng ai cũng được ăn bánh mì, sữa thì cứ cách một cột đèn sẽ có đặt một thùng, uống tự do...v. v...và v.v...

      Cha tôi cũng nói đúng y những câu nói đó nên chúng tôi cũng an tâm, lúc đó vì ăn uống thiếu thốn nên tôi bị mất sữa sớm, mỗi ngày phải cho con uống nước cháo, nhưng tôi cũng thầm nói với hai con nhỏ 

      _ các con ơi, ráng chờ năm năm nữa thôi...lúc đó con biết đi , biết chạy rồi , hai chị em con sẽ tự đến mấy cột đèn lấy sữa uống, trước khi đi học, mẹ không còn phải lo nữa rồi ...

      Những ngày trên bục giảng là những ngày cơ cực, những che dấu nhau, bươi móc nhau về mặt lập trường tư tưởng chưa đả thông, kiểm điểm và kiểm thảo, những rình rập khôn nguôi, đưa những tấm gương sáng cho đám trẻ thơ soi hoài mà chưa rạng.

    Thường sau khi các em lao động vào ngày thứ năm, nhà trường chia sân chơi ra từng phần cho các lớp để trồng mì cải thiện đời sống cho cô trò, tôi thường cùng các em đạp xe ra Ghềnh ráng, vào các rẫy để kiếm hom mì, những cây mì đã đào lấy hết củ, các em chặt lấy thân  mì ra thành khúc cỡ hai gang tay , cắm xuống đất và cây mì sẽ có nhiều lá xanh rì cả sân trường, nhưng sân chơi của các em thì không còn  nữa, màu xanh của lá mì cũng làm xanh mát tầm nhìn thấy trò tôi một chặng tháng năm dài.

    Nhưng khi thu hoạch thì chỉ toàn là thân cứng chứ không có củ vì đất lẫn đá vì chúng tôi chưa có kinh nghiệm về trồng trọt nên lần nào cũng thất bại, khi báo cáo lãnh đạo và công đoàn, tổ chúng tôi phải ghi thêm mấy con số không ở đàng  sau đơn vị  số lượng thu hoạch được và được biết lãnh đạo cũng ghi thêm vài con số nữa khi gởi về ty hay về bộ ...số lượng cây mì xanh mướt quê hương tôi, nên tôi cũng không thích nó lắm vì nó có mặt trong từng bữa cơm ghé độn với toàn mì là mì .
      Bây giờ tôi lại làm lại công việc ngày xưa mẹ tôi đã làm :

                  Cơm ghé độn mẹ nhường con phần trắng
                   Bát cơm tươi chờ đợi đến bao giờ? ? ?

      Những lần đưa  các em ra Ghềnh ráng ngồi nhìn biển ,  ngồi trên những cục đá tròn hình trứng, gió biển thổi bốn bề, đó là thời gian  mà chúng tôi yêu thích nhất, kể cho nhau nghe những cuộc sống của từng em, gia dình các em sao đứa nào cũng nghèo quá, sau khi đi học về các em cũng thường phụ giúp cha mẹ công việc gia đình, đi mót củi ở chân núi, giữ em nhỏ, thậm chí có em còn đi bán cà rem ...

       Khuôn mặt em nào cũng ốm yếu xanh xao, những đôi mắt trẻ thơ luôn lận bận những cơm không đủ no, áo quần không lành lặn...

       Và những người đứng lớp như chúng tôi cũng xanh xao theo các em, đôi lúc tôi cũng chán chường và muốn bỏ bục giảng vì những thiếu thốn vật chất mỗi ngày ...

       Những thầy cô giáo như chúng tôi ngày ấy, sau buổi  đứng lớp, chúng tôi phải làm thêm nhiều công việc khác để kiếm thêm chút tiền độ nhật, các chị thường ra đứng ở các đầu chợ , gặp ai cũng hỏi chỉ một câu  :
       _Có gì bán không ? Có vật gì bán không? ? ?

         Những cái có thể bán đượccủa mọi người ngày ấy : là mấy cái áo dài cũ nhưng còn mới, mấy cái muổng nỉa cũ, đôi giày, cái ấm tích cũ v.v...tất cả đều bán được và đều có người mua , có chị dấu trong chiếc giỏ cói vài bao thuốc lá, chạy bỏ cho mấy tủ thuốc là lẻ bên mé đường, con mắt láo liên dấu che những moi móc nhau sau những lần kiểm thảo.
        Còn tôi sau giờ dạy về nhà là tôi đan móc, những bông hoa kết từ những mũi kim đan , đã giúp tôi vượt qua cơn khốn khó của cuộc đời, làm đẹp cho đời và cho các con tôi có bữa ăn và chút áo quần lành lặn.

      Bây giờ sau hơn ba thập kỷ đã đi qua,  ngồi nhớ lại những việc mà ngày xưa tôi đã làm và những ngày còn đứng lớp , tôi đã không làm cái công việc mà tôi cho là không lịch sự và khiếm nhã với các học trò nhỏ của tôi ngày ấy ...
  
      Khi đứng trước các em, tôi vẫn kín đáo và lịch sự trong hai tà áo dài che phủ, trong bài giảng cho các em tôi vẫn đem hết tâm hồn ra giảng dạy với tất cả tấm lòng và khả năng có được.

       Khi lìa xa các em tôi vẫn nhớ như in từng đứa một , khi tình cờ thấy tên một em nào mà tôi nhìn thấy là tôi hình dung ra em đó ngay ...

      Thỉnh thoảng có vài em rời thành phố chuyển đi vùng kinh tế mới hay về một vùng quê xa để kiếm sống khi đến xin học bạ hay giấy chuyển trường, tôi đã không làm khó dễ.
  
      Tôi luôn sửa cho các em một học bạ đẹp và lời nhận xét tốt đẹp , phụ huynh không phải chờ lâu và không nhận một quà cáp nào cả, trong thời điểm đó cũng có những con người khác có làm chuyện đó.

      Đó chỉ là những cái mà khả năng và tấm lòng mà tôi đã để lại cho các em , những đứa học trò nhỏ của tôi ngày ấy.

        Bây giờ các em , những đứa học trò nhỏ ngày nào của tôi ngày ấy đã tung bay ra khắp mọi miền trên đất nước Việt Nam và khắp thế giới, có khi nào chúng ta lại gặp nhau trong tay bắt mặt mừng, ôm chặt nhau trong vòng tay ân tình , thắm đậm tình sâu nghĩa nặng và biết đâu tôi lại đọc được tên của từng đứa một, trong trí nhớ già nua của tôi bây giờ chỉ còn lại những kỷ niệm của những ngày đứng lớp và những khuôn mặt ngây thơ bé dại , mong sao ngày gặp lại các em sau hơn bao thập niên, mình vẫn nhận ra nhau.
  
       Mong sao các em bây giờ là những người đã thành đạt, sáng tạo, giỏi giang và có những cuộc sống đầy đủ và bình yên trong một đất nước đã qua bao nhiêu  lần đại hội...

     Thương nhớ lắm:    Những học trò nhỏ của tôi, đã một thời nhìn tôi trên bục giảng.
                  


                Nguyên Hạ_Lê Nguyễn

4 nhận xét:

Nặc danh nói...

Dúng là ngày ấy , không ai bảo ai , tự nhiên không ai dám mặc áo dài ĐỨNG LỚP...đọc bài này , thây bạn NGUYÊN HẠ dũng cảm thiêt!
Bây giờ sau bao nhiêu năm , cái gì cũng đổi mới , học sinh đến trường đã mặc áo dài , tôi dã thấy khách du lịch đứng ngẩn ngơ nhìn theo những tà áo trắng và chạy theo chup ảnh . Nhưng bây giò , học sinh đã thay chiếc áo dài bằng những bộ váy đầm mà không phải ai mặc cũng đẹp...thôi mình chỉ còn cách tiêc ngẩn ngơ gọi : áo dài ơi ! và NGUYÊN HẠ ơi cứ áo dài đi!

nguoiSAIGON

Nặc danh nói...

Chao chi Nguyen Ha!

Nghi lai cuoc song giao vien thoi ay thuong sao la thuong. Voi em ngay ay duoc phan cong ve truong THCS Nhon Khanh, huyen An Nhon. Cung giao day tieng Anh lop chin. Dong phuc cua em cung theo nep cu, ao so mi trang, quan tay, mang giay nghiem chinh. Em day o do 3 thang, roi em thi vao DHBK Da Nang, co giay bao, bo day, di hoc DH luon. Nhung ngay dau vao truong DH, trang phuc thay, co giao cung chang khac gi truong cua chi day. Em cung cam thay kho chiu khi co giao DH ma khong mac ao dai. Lau roi cung quen. Cuoc song luc do cung vo cung kho khan, com mi don, ao quan loang xoang chang giong ai. The roi cung qua DH. Ve cong tac dau nam 1981 tai Nha may oto 1/5, doi song luc nay cung con kho khan. May ma co chinh sach doi moi nen moi co ngay hom nay. Nghi lai ma giat minh. Thoi thi cung da qua thoi gian kho. Bay gio thi cung duoc cai thien nhieu hon truoc roi.
Vai dong tam su cung chi. Chuc chi luon vui, khoe nhe.
Em Van Thang.

Nặc danh nói...

"cuộc sống đầy đủ và bình yên trong một đất nước đã qua mấy lần đại hội... "
Mấy lần đại hội ... mà sao giờ không còn ai mặc áo dài. Càng đại hội ...thì càng phải biết tôn trọng sự sang trọng đẹp đẽ. Áo dài là biểu tượng cho sự sang trọng và đẹp đẽ. Bỏ áo dài là đi thụt lùi. Bỏ áo dài là đi từ giai cấp qúy tộc sang giai cấp lam lũ bình dân. Áo đầm là bắt chước và vọng ngoại. Chỉ có áo dài mới tạo nên được một giai cấp muốn vươn lên và gìn giữ nét sang trọng qúi tộc của xã hội Việt Nam. Miền Bắc trong thời gian "mấy lần đại hội" ấy đã bỏ chiếc áo dài để thay vào đấy chiếc khăn quàng đỏ. Miền Nam đã giữ được chiếc áo dài cho đến gần đây, sao lại bỏ đồng phục áo dài ... Thật là tiếc
Tôi là người rất yêu chuộng chiếc áo dài Việt Nam. Nên thấy bây giờ phong trào thay áo dài bằng áo đầm đồng phục thì lấy làm tiếc ...
Người Về Năm Xưa

Nguyên Hạ - Lê Nguyễn nói...

Xin cám ơn các bạn đã cho những nhận xét quí báu,bây giờ tôi muốn mặc áo dài lắm nhưng quá ít cơ hội...muốn ngược dòng thời gian về những ngày tháng cũ ...nhưng sao làm được chuyện đó...hở trời ...Nguyên hạ- Lê nguyễn