Chủ Nhật, 22 tháng 8, 2010

CHUYỆN NGẮN NGỦN (3)

        GIỖ MẸ
Quanh năm với trăm công nghìn việc, nơi xứ người đôi lúc không nhớ ngày Âm lịch là ngày nào, Thỉnh thoảng gọi về cho chị hỏi đến bao giờ Giỗ Mẹ, bao giờ giỗ cha ...Mỗi lần giỗ cha , giỗ Mẹ, tôi bày mâm cỗ như ngày xưa nơi quê nhà Mẹ đã làm để nhắc các con nhớ đến ông bà , cha mẹ ...
Hôm qua gọi về nhà mới hay ngày mai là ngày giỗ Mẹ, ngày giỗ rơi vào ngày đầu tuần, tất cả đều vắng nhà,tôi đặt bình bông và hoa quả trên bàn thờ Mẹ...lòng ngậm ngùi ...Mẹ ơi, chị ơi...Rồi mai này các con của con có còn nhớ những ngày giỗ nữa không ????
     
      BỨC TRANH VÀ LỜI PHÊ BÌNH
Một ông thầy dạy vẽ có một số học trò đến học vẽ ...Sau mỗi khóa học có một cuộc triễn lãm cho các môn sinh. Ông chọn một học trò giỏi nhất của mình chọn một tác phẩm mà anh ta ưng ý nhất đặt ở lối đi vào và ghi rằng "Ai thấy bức tranh có khuyết điểm nào thì gạch chéo chỗ đó", chiều về bức tranh đầy những gạch chéo phủ kín, người học trò thất vọng ủ ê.
Hôm sau Thầy lại cho bày một bức khác và đặt dụng cụ vẽ bên cạnh :"Ai thấy bức tranh có khuyết điểm hãy dùng dụng cụ vẽ sửa lại điểm sai ", chiều về bức tranh vẫn y nguyên...thầy giải thích với đám môn sinh:
 "Con người thích đánh giá kẻ khác một cách vô trách nhiệm, nhưng khi ta đề nghị họ sửa dùm sai sót thì họ chỉ tránh đi là hơn"
   Cho nên những thứ mà ta cất công làm ra đừng dễ bị người khác ảnh hưởng mà hãy tự đánh giá và cũng đừng đánh giá người khác một cách cẩu thả .

          CÁI CẶP TÁP
Ngày xưa đi học trường làng, tôi áo ước có một cái cặp táp xanh xanh đỏ đỏ như chúng bạn, nhưng nhà nghèo quá, một mình Mẹ chèo chống với mọi thứ làm sao Mẹ có tiền mua cho tôi như chúng bạn, mỗi lần trời mưa nhìn tôi ép mấy cuốn tập trong ngực áo, mắt Mẹ rưng rưng thương cảm...
 Bây giờ các con tôi đi học với đủ thứ phụ tùng , những chiếc cặp không còn là món mà chúng ưa thích như tôi ngày trước, mồi lần vứt bỏ những chiếc cặp của con còn mới nguyên...Tôi lại nghĩ thương Mẹ và nhớ mãi mắt Mẹ rưng rưng khi cơn mưa ập xuống mà tôi chưa về tới nhà ngày ấy....

       NHỘNG RANG
Quê tôi nghèo lắm, có nhà còn trồng dâu nuôi tằm...những xác nhộng sau khi đã nhả tơ, chỉ là một xác khô không béo bổ gì , những gia đình nghèo vẫn đem về chiên vàng , chế biến món ăn cho con trẻ...Tuổi thơ tôi cũng dính liền vào từng bữa cơm sáng tối...
  Lần về thăm nhà sau mấy mươi năm không nhìn thấy món ăn này, cậu tôi từ quê mang ra cho tôi một bát Nhộng rang, chị tôi gia vị ngon hơn ngày xưa, nhưng khi ăn vào tôi nghe vị mặn ứa tràn vị giác, lòng nhớ Mẹ vô cùng và vị mặn của tuổi thơ mình hòa quyện.

     CƠM TRỘN CHẢO
Mỗi lần đi ăn với các con hay cùng bạn bè vào các nhà hàng sang trọng, tôi thường không biết chọn món ăn nào, vì món nào cũng mỡ màng béo ngậy...Có lần tôi hỏi các con tôi " nhà hàng có món cơm trộn chảo không ?''Món ăn mà ngày xưa là một yến tiệc của tuổi thơ tôi...Nhà nghèo lâu lâu mới có bữa cá kho, sau khi vét hết cá ra khỏi trã, Mẹ tôi bỏ vào một chén cơm,. trộn đều và chia cho tôi một phần, chén cơm này sao ngon quá, bây giờ những món ăn trong Menu của các nhà hàng không bao giờ có được, làm sao các con tôi biết được món ăn ngon nhất của tuổi thơ tôi.

3 nhận xét:

Nặc danh nói...

Ai cũng có một tuổi thơ, nghèo nàn hay sung túc...nhưng khi viết họ bôi son trét phấn cho có sắc màu...sao bạn vẫn giữ nguyên những chơn chất ấy...có lẽ đây là những đặc sắc của người cầm bút...dám nói những sự thực của một con người, cảm phục.
Bến xưa

Nặc danh nói...

Bạn nhắc đến món cơm trộn chảo! gợi cho mình nhớ đến ngày xưa mình cũng được mẹ cho ăn món này! sao lúc đó mình ăn ngon dễ sợ! bây giờ thỉnh thoảng nhớ lại mình cũng trộn như thế ! mà sao ăn không ngon tí nào....

Nặc danh nói...

@ Chào chị Nguyên Hạ-Lê Nguyễn!
Bài viết của chị thật chân chất. Đã hiển hiện của thời quá khứ, tuy nghèo khó mà tràn đầy yêu thương.
Chúc hị luôn vui khoẻ nhé.
Chị mở trang viết: tiengthoigian.vnweblogs.com để giao lưu cho vui nhé. Đó là trang blog thứ hai của em đó.

Văn Thắng