Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2011

XÓM GÒ BẮN



     Tiếng bước chân của những người đi cắt mướn gọi nhau trong không gian tĩnh lặng của làng quê tĩnh mịch vào một buổi sáng tinh khôi còn ngậm mùi sương sớm.

    Cứ quãng gần 4 giờ sáng là toán người cắt mướn từ xóm trong tụ tập trước đình làng Gò Bắn để chờ nhau lên đường đi đến một địa điểm mới, có khi là họ cắt đổi công, có khi rủ nhau đi đến một vùng ruộng tốt lúa đã bắt đầu chín rộ của miệt trên .

    _Ngồi đây chờ chị Phú đi cho vui, để chị đi một mình tội nghiệp.

    _Chị Phú ơi mau lên

    _Chờ em bới miếng cơm xong ra ngay

    _Mau lên đường còn xa.

***

     Trong khuôn viên một bãi đá nổi lên dọc theo con sông uốn khúc của thôn Huỳnh Kim có một bãi đá nổi lên không biết tự bao đời, những vuông đá tản nhô lên khỏi mặt đất , có chỗ phẳng lì, nhưng không gieo trồng được, hàng ngày đám trẻ chăn trâu thường lùa trâu ra tắm mát ở mé sông và chúng rủ nhau nằm phơi mình trên những vuông đá phẳng và leo trèo hái trái ở mấy cạy keo, chỉ giống cây này là có thể trường tồn bên những hốc đá từ bao đời, cung cấp những trái  keo chín hồng, bên trong có ruột màu trắng cũng hơi có vị ngọt, là món quà không tốn kém cho lũ trẻ chăn trâu trong làng.

    Nơi những đứa trẻ chăn trâu đang nằm phơi mình mỗi lần lùa trâu qua đó chính là bãi bắn ngày xưa và một thời người dân trong làng ai cũng khiếp sợ khi mỗi lần đi qua vào chạng vạng tối hay những đêm tối trời .

    Theo lời kể của các bô  lão trong làng thì nơi đây ngày xưa chỉ  là một bãi đá bồi của một chân núi đá, giáp với mặt lộ số I ngày nay, trước thời Pháp thuộc, nơi này còn hoang hóa chỉ lèo tèo vài ngôi nhà nhỏ đơn sơ và xa xa mới có một vài nhà, những người dân nghèo sống bằng ruộng nương và đánh bắt tôm cá trên sông độ nhật.

     Một ngày kia quân Pháp và bọn Việt gian đem đến chín người đàn ông Việt, tất cả đều bịt mắt, thân thể ốm o, chỉ còn da bọc xương, họ phơi nắng chín con người thảm thương ấy trong thời gian kêu gọi tất cả dân làng từ các xóm trong ngoài ...từ người già tới con nít đến đẻ nhận mặt và chứng kiến cảnh hành quyết chín mạng người này.Một cảnh tượng kinh hãi như chỉ xảy ra trong truyền thuyết nhưng lại là sự thật theo lời của các bô lão trong làng.

    Sau khi đọc bản án và những tội danh của họ, tất cả là những nghĩa quân đứng lên chống phá lại người Pháp..

     .Sau đó cho mọi người nhận mặt , nhưng tuyệt nhiên không có một ai trong làng dám nhận là người thân của họ, mặc dù trước ngực áo mỗi người đều có ghi tên tuổi và gốc gác họ thuộc dân của địa phương.vì sợ chúng trả thù cho gia đình ở lại nên tất cả đều biết gốc gác mà vẫn cứ cắn răng  làm mặt lạ.

     Sau những đợt súng nổ kinh hoàng của đám vệ binh và phát đạn ân huệ của một tên Việt Gian trong làng mà tất cả mọi người dân làng đều biết rõ, nhưng tất cả đều cúi  mặt, nuốt tủi hận và kinh hoàng trong trận thảm sát tập thể này...Một nỗi kinh hoàng của tất cả người dân làng thời bấy giờ.

    Sau khi bọn chúng lên xe kéo nhau đi, những vũng máu từ chín con người vừa bị đốn gục trên bờ đá lạnh chảy vương dài trên sân đá như một giòng suối máu...khô cứng trong uất hận

    Những người thân từ trong đám người bị giết đến đưa xác về nhà chôn cất trong hãi hùng đau thương...

   Nhưng sau ba ngày vẫn còn lại ba thân xác không ai đến nhận, người dân làng đắp chiếu cho ba con người không biết nơi đâu mà chết thảm nơi chốn này, sau đó dân làng   chôn thành hàng cạnh nơi hành quyết  và có ghi rõ tên tuổi của người nằm dưới mộ.

    Thời gian sau vùng bãi đá này không ai còn dám đi qua vào buổi chiều tà và được đặt tên là "Gò bắn",
thỉnh thoảng cũng có vài vụ xử bắn tương tự nhưng ít hơn và những xác người được thân nhân mang đi, chỉ còn lại ba nấm mộ vô chủ nằm yên nơi bãi bắn muôn đời cùng đất đá và những cây keo phủ che trên ba nấm mộ vô chủ.


***

   Sau năm 1954, chính quyền miền Nam về tiếp quản, con lộ đất đỏ được biến thành quốc lộ số I, những người dân tứ tán bắt đầu về lập nghiệp, những ruộng đất cũ bị bỏ hoang nay các chủ ruộng về canh tác .

   Một ngày kia có hai gia đình từ miệt trên tìm đến ba ngôi mộ vô chủ và nhận là chồng và cha của mình, còn lại một cái thì chưa có người nhận. họ than khóc thảm thương và phục tang như người nằm dưới mộ mới mất.
   Và chị Phú là người vợ của người nằm dưới mộ đưa ra tất cả bằng chứng chính chị là vợ anh Phú người đã nằm dưới mộ cùng cha chị là người bị bắt theo anh.

    Sau khi xin với chính quyền địa phương gia đình này muốn xin cất nhà tại nơi ấy để lo nhang khói cho chồng và cho cha đang nằm ở nơi này.

   Cảm thương hoàn cảnh và tấm lòng của chị Phú , dân làng cùng nhau cất cho mẹ con chị Phú một mái nhà để chị và đứa con lên tám tuổi và người mẹ già có nơi sinh sống và nhang khói cho chồng cho cha trên vùng đất đầy máu người và chết chóc ấy.

   Thời gian sau có vài hộ gia đình ở xóm trong cũng xin ra chỗ mẹ con chị Phú để cất nhà ở vì dù sao chỗ ấy bây giờ nằm trên con lộ chính có xe cộ chạy qua mỗi ngày.

  ***

   Đình làng Gò Bắn cũng được lập do sự đóng góp của dân làng những năm tháng sau đó và là nơi thờ phượng linh thiêng của cả làng và mỗi năm đều có cúng đình bằng heo bò và là nơi hội họp dân làng sau này.

    Mẹ con chị Phú và người mẹ già của chị đã vì tình yêu chồng, thương cha mà đã không nề hà những lời khuyên hay những đe dọa về những bóng ma hàng đêm khóc than khi đêm về và trong tiết trời giá rét...
   
    Những bóng ma và những lời nỉ non than khóc mỗi đêm như cảm tấm lòng của mẹ con chị và được gia đình chị nhang khói mỗi ngày nên bình yên và không thấy quấy phá như xưa khi chưa có gia đình chị.

    Phải chăng do tấm lòng và sự gan dạ của chị đã làm ấm lòng những con người chết oan củ cuộc thảm sát ngày ấy chăng???
    Tấm lòng của chị và sự mạnh mẽ của chị thật hiếm thấy khi mỗi lần người dân làng nhắc đến địa danh "gò Bắn" luôn đi kèm với sự gan dạ và tấm lòng của chị Phú.

    Hàng ngày chị vẫn đi làm thuê làm mướn để giúp mẹ, nuôi con, đến mùa lúa chín chị lại theo đoàn người cắt mướn đi hết đồng trên ruộng dưới đem về những hạt lúa vàng bằng do chính bàn tay và tình yêu thương chồng và nỗi niềm thương nhớ mà không sợ sệt trước những bóng ma trên bãi bắn.

    Bây giờ nơi chốn làng quê bên chân con "cầu cụt", địa danh "Gò Bắn" vẫn trường tồn nhưng là một xóm làng trù phú với những ngôi nhà vững chãi dựa bên vách đá và những con người bình dị và những cuộc sống bình yên với tấm lòng của người dân Bình Định chơn chất.
   
     Và cũng bằng tình yêu và sự dũng cảm chị Phú đã khắc phục được những bóng ma vô hình , trả lại cuộc sống bình yên cho gia đình chị và những người dân hiền hòa cần mẫn.


  Atlanta Oct. 9th  11

         Nguyên Hạ_Lê Nguyễn


       
        .
       

Không có nhận xét nào: