Thứ Năm, 25 tháng 3, 2010

ÔNG GIÁO CHÍN


            Nhà ngoại tôi, nằm trên Quốc Lộ số I; cạnh cầu Tân An, thuộc thôn Huỳnh Kim, xã Nhơn Hòa quận An Nhơn Bình Định. Nếu đi từ hướng Qui Nhơn lên chợ Gò Chàm, đi qua khỏi Tháp Bánh ít hơn nửa cây số, gặp xóm Gò Bắn là sắp đến nhà ngoại tôi, ba căn nhà ngói nằm liền nhau, bên kia là dòng sông Tân an .
            Sau một thời gian rong chơi, đã đến thời điểm chúng tôi phải cắp sách đến trường. Mẹ tôi bàn tính với cậu mợ tôi: phải chuẩn bị cho chúng tôi đi học  lúc đó tôi và hai anh họ tôi cùng xấp xỉ tuổi nhau nên đi đâu cũng đi cùng .
               . Được biết ý định này tôi rất buồn vì sắp phải lìa xa những ngày thần tiên trên Biển Cát. Chúng tôi được gởi về nhà Ngoại tôi để theo học lớp vỡ lòng chuẩn bị cho chúng tôi vào trường công, niên khóa sắp tới.
                 Ba anh em chúng tôi, sẽ theo học lớp vỡ lòng ở trường Ông Giáo Chín.
            Ngôi nhà gạch đổ nát của Ngoại tôi, nay lại có thêm ba đứa trẻ nghịch phá leo trèo. Ngôi nhà cũ kỹ đổ nát; dấu tích của sự đập phá, loang lỗ. Theo lời kể lại ngày trước, ông cố Ngoại tôi là người bản xứ đầu tiên đứng ra hợp tác với người Pháp để kinh doanh về ngành dệt vải. Ngôi nhà này trước kia là một xưởng dệt vải ở vào thời Pháp thuộc. không ai ở miền này mà không biết đến Ông Thông Nhẫn .
              Đến thời Việt Minh nắm chính quyền, họ cho đập phá để tránh bom đạn hai bên. Vì thế chỉ còn chừa lại một gian, dùng làm nơi thờ phượng, một dãy nhà ngang làm chỗ nghỉ ngơi và một nhà kho nay làm chuồng gà.
            Ba anh em chúng tôi đột nhiên mất đi những ngày tháng chơi đùa tự do nơi vùng Biển cát, giã từ những thân quen về sống nơi buồn bã này để đi học. Mặc dù đã được mẹ tôi hứa hẹn: mỗi tuần sẽ về thăm chúng tôi với những quà bánh mà chúng tôi ưa thích,
            Mẹ tôi còn sắm cho mấy bộ quần áo mới. Nhưng vì là lần đầu tiên xa nhà, xa mẹ…
Từ nay hằng đêm tôi không còn cái cảnh nằm ôm lưng mẹ, nghe mẹ tôi kể chuyện, tay mân mê vú mẹ...cho đến khi thiếp dần dần vào giấc ngủ thần tiên.
             Nước mắt tôi lại tiếp tục chảy dài....khi mỗi lần ai nhắc đến tên mẹ .
 Những ngày mới đến, mỗi sáng mỗi chiều, tôi cứ ra ngồi ở bậc tam cấp trước nhà ngoại mắt dõi nhìn những chiếc xe lam, những chuyến xe ô tô buýt đỏ chạy về hướng thị xã Qui Nhơn… tự nhiên nước mắt không biết từ đâu kéo về cho tôi kéo dài những cơn tức tưởi. Khóc mãi mà không thấy ai dỗ dành, tôi thường chui vào các xó cửa, khóc thầm một mình và thiếp đi lúc nào không hay biết. Đến bữa ăn, không thấy tôi, mọi người đi tìm kiếm, hễ vào các xó cửa là ngay chóc…
            Hằng đêm ba chúng tôi ôm nhau ngủ trên nền gạch trước dãy nhà thờ. Đến bữa ăn dì  Mai tôi, người con gái Út , thứ 14 của ngoại tôi, lúc đó dì khoảng 16 tuổi.
            Dì  phát cho mỗi đứa một tô cơm đã được chan nước cá kho, một khứa cá ngừ kho mặn hay nửa quả trứng vịt luộc, với tiêu chuẩn bằng nhau.
              Thời gian này, chỉ cần có ai vô tình nhắc đên mẹ tôi là tức thì tôi bật khóc rất ư là thảm thiết và rất dai dằng vì thế tôi còn có thêm biệt danh là “con khóc dai”. Hai anh tôi tuy cũng rất ưu phiền nhưng còn dũng cảm hơn tôi, thường chạy kiếm những trái ổi, trái khế, kiếm được đem đến cho tôi đỡ tủi thân vì còn được thấy có người quan tâm đến tôi.
                 Hằng ngày các anh tôi chuyền khắp các cây ổi,cây khế quanh vườn, nhặt nhạnh nhũng cây trái còn sót lại, còn nhiệm vụ của tôi là đứng dưới gốc cây đón lấy những phẩm vật thiên nhiên ban cho chúng tôi, lúc nào gói muôi ớt đỏ thắm cũng được tôi thủ sẵn trong túi áo. Đó chính là những món ăn mà chúng tôi có được trong thời gian này.
                   Đến thời điểm chúng tôi phải đến trường, ngoại tôi coi được một ngày tương đối tốt…
            Sáng sớm dì tôi gọi chúng tôi dậy sớm hơn mọi ngày; bảo chúng tôi đi rửa mặt. Dì thắt cho tôi hai cái bím tóc nhỏ xíu và thay cho tôi bộ áo có in hoa đỏ; dì phát cho chúng tôi mỗi đứa một cái bánh tráng dày để trên chiếc mâm đồng có sẵn một dĩa nước cá kho.
             Ba anh em tôi ngồi chồm hổm trên nền gạch, chờ bánh dẻo, tôi dùng tay xé ra từng miếng nhỏ, đặt trên đùi gối cuộn tròn, chấm vào đĩa nước cá kho. Trong lúc ăn chúng tôi cứ lén nhìn vào phần bánh của đứa kia, xem chừng phần của đứa nào mau hết trước.
              Dì tôi đi trước,   ba chúng tôi lẽo đẽo theo sau… lòng tôi buồn man mác.
 Đi qua chiếc cầu nhỏ, băng qua khoảng mười đám ruộng thì gặp một đường rày xe lửa,chúng tôi leo lên cái dốc cao để qua  bên kia đường rày, thêm vài chục thửa ruộng nữa... (những thửa ruộng quê tôi chỉ to bằng 5, 6 chiếc chiếu trải liền nhau, không giống với những mảnh ruộng của miền Nam mà sau này tôi đã được nhìn thấy)
            Trước mắt chúng tôi lố nhố một đám người đang tắm gội và giặt giũ, bên một mương nước màu vàng đục. Đó là Mương Ông Giáo Chín. Đứng chỗ mương nước chúng tôi có thể nhìn thấy một ngôi nhà gạch, mái lợp tranh, quét vôi trắng, viền chân tường màu xanh,
           Một đám con nít hơn vài chục đứa đang chơi đùa rộn rã. Dì tôi đưa chúng tôi vào gian đầu của ngôi nhà, giữa nhà kê một dãy bàn thờ, cái dọc cái ngang liền nhau, trước dãy bàn thờ kê một cái bàn phủ khăn nylon in hình hoa quả xanh đỏ, bên cánh trái bàn thờ có một phản gỗ, đen mun, bóng loáng.
             Đây là nơi làm việc hằng ngày của thầy Giáo Chín, Thủ tục nhập môn của chúng tôi cũng chỉ ngắn gọn: Dì tôi chỉ cần nói rõ ý định Xin  giúp chúng tôi học lớp vỡ lòng trước khi vào trường công. Thầy xoa đầu chúng tôi một cách ân cần .
             Sau khi đã biết tên thường gọi của từng đứa. Tiễn dì tôi ra về, rồi đưa chúng tôi đi qua dãy nhà ngang, một cánh cửa bằng ván ép sơn đen ngăn lớp học với căn buồng này.
             
              Một quang cảnh hỗn loạn hiện ra trước mắt tôi, một đám con nít lố nhố, xấp xỉ tuổi tôi, trai có, gái có… chúng đang ê a… với tập vở nhăn nheo trước mặt… Tiếng hít mũi sồn sột, tiếng xì xèo to nhỏ… tạo thành một âm thanh hỗn loạn.
              Sau khi tìm chỗ ngồi cho chúng tôi, thầy nhịp cây thước trên cánh cửa liên hồi, nhắc bọn trẻ giữ yên lặng.
              Bàn học chúng tôi gồm hai tấm phản bằng gỗ xấu, loang lổ mực tím, mực xanh, mấy chiếc bảng gỗ đóng tạm bợ làm ghế ngồi cho lũ nhỏ học trò. Ngày đầu tiên thầy ghi cho chúng tôi mỗi đứa năm chữ đầu tiên của 24 chữ cái. Bỗng thầy hô to:
              _ RA CHƠI.
               Bọn học trò túa ra sân như đàn ong vỡ tổ. Tôi ngồi nhìn mấy đứa con gái chơi nhảy dây, đánh thẻ… Hai anh tôi thì nhập cuộc nhanh hơn, họ theo đám con trai len lỏi vào các ngôi mả đá ong cạnh vườn nhà thầy tôi, tìm kiếm những trái hoang… Chim chim, dú dẻ và những trái sim, các  loại trái mọc len vào các lùm cây hoang dại trên khắp các làng quê… trái chim chim có hình dài ,từng chùm dính lại như bàn chân của một con chim, khi chín có màu đỏ,còn trái dú dẻ thì có màu vàng  như trái chuối chín và cũng từng chùm vài ba quả liền nhau, còn trái Sim thì màu tím sẫm và cả ba bên trong cũng nhiều hột lắm ...
                Đó chính  là món quà không tốn kém của các trẻ em nơi thôn dã. chúng tôi phải tự cải thiện đời sống không quà bánh mỗi ngày, đối với những đứa trẻ cùng trang lứa tôi ngày ấy ,  thật là tội nghiệp… vì thế chúng tôi rất thèm ăn, và thèm tất cả mọi thứ… (còn tiếp)
           Những ngày kế tiếp chúng tôi đã quen dần với lớp học và những khuôn mặt xung quanh. Đang mơ màng trước mấy chữ mới chưa thuộc bỗng nghe tiếng hô to của một trò cuối lớp:
     _ “Thằng Cu Ỉa Thả Bom!”
          Cá đám con nít túa ra sân, đứa nào tay cũng bịt mũi chạy tứ tán.
 Một thằng bé còn lại nơi cuối lớp với nước da xanh tái, cặp mắt sâu hoắm, nó đang bẽn lẽn đứng nép vào cạnh bàn, nó chỉ mặc vỏn vẹn chiếc áo cánh nâu phủ gối, dưới chân nó đang có một đống lá chuối khô đầy nước vàng hôi thối.
           Sau này tôi được biết nó có tên thằng “Cu ỉa”. Vì nó bị tiêu chảy nhiều ngày và không được chữa trị đúng mức nên thành mãn tính, thỉnh thoảng nó hay cho ra ngoài một cách tự nhiên -
              vì thế nên nó không cần phải mặc quần khi đi học. Khi sự cố xảy ra sẽ có một đứa lập tức chạy về báo tin cho người nhà nó, mẹ nó đến thu dọn tàn cuộc, thay lại lớp lá chuối khô khác, bỏ thêm mớ tro lên nền nhà.
           Những lần như thế, chúng tôi lại được dịp chơi đùa thỏa thích, bọn trẻ túa ra mương nước tập bơi, tắm gội.đám con gái lại chơi nhảy dây, u mọi....
            Thầy tôi không hề than phiền, thầy chậm rãi đến nằm sấp trên phản gỗ chấm bài, hay viết hộ những thư từ, hay thảo dùm những đơn từ thưa kiện của những người trong thôn xóm đến nhờ thầy giúp,
            Thầy tôi rất vui vẻ, nụ cười hiền lành luôn nở trên môi. Thỉnh thoảng cũng có người đến biếu thầy con gà mái tơ, vài nải chuối hay một vài thứ hoa quả có được trong vườn nhà.
            Thầy thường đặt hết lên bàn thờ, thắp nhang nghi ngút. Ngược lại với thầy, đó là BÀ THẦY: chúng tôi gọi là bà thầy vì là vợ của thầy, bà rất ít cười, khuôn mặt bà ốm nhóc, choắt cheo, hai con mắt bé tí, nằm hai bên chiếc mũi ngắn, hầu như chỉ thấy hai cái lỗ sâu hoắm, miệng bà nhọn không có môi chỉ độc những răng, đưa cả ra ngoài, đại khái là bà không được đẹp, tính tình bà lại không hiền hòa như thầy tôi, bà luôn chỉ trích lũ học trò, đôi lúc còn mắng mỏ cả thầy tôi trước đám học trò nhỏ.
              Sau này tôi mới hiểu và thông cảm cho nỗi bực tức của bà. Chỉ vì thầy tôi ra công dạy học mà không thấy thu về đồng học phí nào từ đám học trò.
             Lúc bấy giờ làng tôi còn nghèo lắm, cuộc sống chỉ trông cậy vào số ruộng vườn rất ư là khiêm tốn. Mỗi ngày chạy cho đủ hai bữa ăn là quí lắm rồi, thậm chí một chén gạo, người dân làng tôi phải ghé độn năm ba chén mì, lang. Một chén mắm, trộn thêm vài chén muối hột để ăn dần.
             Việc học hành cũng chỉ là thứ yếu. Nếu thầy tôi đòi tiền học phí thì có lẽ họ sẽ dắt con về cho nó đi chăn bò, chăn vịt…
              Bản chất thầy tôi rất nhân từ lại yêu nghề dạy học nên đã làm đúng câu: “Thi công, bất cần báo”. Vì thế mọi sinh hoạt trong gia đình chỉ nhờ vào một tay bà thầy gánh vác. Cứ giáp năm ngày đến phiên chợ Gò Chàm, bà đội trên đầu một mạng vải Ta, từ lúc trời còn tối mịt, đi bộ hơn 6, 7 cây số để kịp phiên chợ. Đến xế chiều mới chở về bằng xe ngựa, nếu ngày hôm đó bán được hàng và ngược lại.
               Đó cũng chính là nguồn gốc của sự chì chiết… hằng ngày của người đàn bà gian khổ.
               Thỉnh thoảng mẹ tôi về thăm tôi, với những quà bánh như đã hứa, ngủ lại với tôi một đêm. Mẹ tôi giặt giũ cho chúng tôi, tắm, gội, kì cọ cho từng đứa, nấu những món ăn ngon.
               Thời gian này thật là diễm tuyệt và ngắn ngủi đối với tôi. Đêm đến mẹ kể cho tôi nghe biết bao nhiêu chuyện trong thời gian tôi vắng nhà.
                Bao giờ tôi cũng hỏi mẹ về cha tôi… và tại sao cha tôi lâu trở về với chúng tôi như thế đó. Không sao giải thích cho tôi hiểu… mẹ tôi bảo rằng cha tôi cũng gần giống như Thầy Giáo Chín. Cha tôi ngày xưa cũng dạy học trò trong thôn xóm, ở quê Nội tôi, cha tôi cũng giúp mọi người thưa kiện, cha tôi cũng cao cao, cũng đeo kính trắng. Cha tôi còn biết viết chữ Hán, cha tôi còn biết đọc chữ Tây, cha tôi còn viết chữ Quốc ngữ đẹp nhất làng.
                 Tôi thầm nhủ có lẽ cha tôi còn hơn hẳn cả thầy giáo Chín. Tư tưởng này tôi luôn dấu kín vì luôn là niềm hãnh diện trong tôi, mỗi khi nhìn thầy và tưởng tượng về cha tôi… tôi luôn mỉm cười…
                 Hằng ngày tôi ngồi cạnh đứa con trai của thầy, nó là đứa con “cầu tự” vì sau nhiều lần sinh đẻ không nuôi được, vợ chồng thầy đi cầu xin khắp các chùa chiền… sau đó sinh được thằng Tũn
                 Nó rất được nuông chiều, đứa con gái nhỏ ngồi cạnh tôi bên cánh trái là con Bẹp, nó nhỏ hơn anh nó vài tuổi, nó không như anh nó.
                 Thường trong giờ học, thằng Tũn thường chạy vào sau cối xay lúa để sờ vú mẹ nó và khi ngồi vào bàn học nó hay đút ngón tay cái vào mồm mút chùn chụt.
                  Nó thường đem đồ ăn vào lớp để ăn một mình trước sự thèm thuồng  của chúng tôi. Những buổi xế chiều nó thường ngủ dậy trễ, sau khi mẹ nó dỗ dành và phải cho nó nhiều thức ăn vặt nó mới chịu ngồi vào bàn học.
                  Thường mẹ nó quấn tròn vào chiếc đũa một cục mật đã được thắng dẽo, cuộn tròn trên đầu đũa, nó điềm nhiên ngồi chậm rãi mút từng chút, một cách chậm chập và rất ư là thỏa mãn. Khi ăn nó không hề dám nhìn vào ai, có lẽ vì sợ chúng tôi xin xỏ.
                   Hằng ngày cứ phải chứng kiến cảnh nó ăn uống, càng ngày tôi lại càng thù ghét nó. Vì cứ mỗi lần nhìn nó chăm chỉ ăn uống, vị giác tôi tự nhiên hoạt động một cách rất ư là mãnh liệt, tôi cố quay đi chỗ khác và không thèm nhìn nó nhưng cổ tôi vẫn cứ ầm thầm hoạt động một cách vô tư. Tôi cố chăm chú nhìn vào tập vở nhưng cổ họng tôi vẫn cứ nuốt vội từng cơn, cái cảm giác đè nén sự thèm ăn của một đứa bé thật là tội nghiệp (sau này đối với các con tôi, trong vấn đề quà bánh tôi rất chu đáo để tránh cho chúng cảm giác khó chịu này của tôi ngày xưa.
                   Ngồi đối diện tôi là thằng Cu đen, nó lớn hơn tôi vài tuổi, nhà nó ở dưới chân cầu Nhỏ, nó cũng có hoàn cảnh giống như tôi, nó cũng không có cha. Mẹ  nó lại là bạn thân của mẹ tôi.
                   Ngày mẹ tôi rời làng về Qui Nhơn sinh sống cũng có rủ mẹ nó cùng đi nhưng mẹ nó từ chối vì khi cha nó rời xa quê nhà, cha nó để lại cho mẹ con nó một căn nhà mái lá, vài công ruộng và một con trâu cái. Hằng ngày mẹ nó làm ruộng, nuôi heo, gà, nó đi học một buổi, chiều nó giúp mẹ nó thả trâu ra đồng, Hai anh nó cũng đã đi học ở trường quận.
                     Cuộc sống gia đình nó tương đối ổn định. Có lẽ nó đã được theo học từ lâu nên nó học giỏi nhất lớp, nó khỏe mạnh và chững chạc hơn mấy đứa khác, da nó đen bóng, cặp mắt lúc nào cũng mở to khi nhìn và kẻ khác (có lẽ vì da nó đen bóng nên mọi người gọi nó là cu Đen).
            Ngày tôi bắt đầu làm toán, thầy viết cho tôi mấy bài cộng trù, tôi đang lục tìm mấy que cà rem trong túi áo để đếm 1+1=?, thằng cu Đen đá vào chân tôi và giơ liền 2 ngón tay, và rất nhiều lần như thế nó đã giúp tôi giải nhanh đáp số hơn mấy đứa khác và tôi luôn được điểm cao. Hằng ngày nó còn cung cấp nhiều món ăn kiếm từ trong vườn nhà nó, đặc biệt nó rất kín đáo, thường nó gói vài trái me để trong miếng lá chuối khô, củ khoai nướng sẵn gói trong miếng giấy nhật trình, chờ lúc không ai để ý nó đẩy nhẹ trước mặt tôi, lập tức tôi cho vào túi áo và từ từ ăn dần.
            Cũng giống như tôi, nó cũng rất ghét thằng Tũn, khi tập viết thằng Tũn hay dùng bàn tay trái đậy hũ mực Con Gà của nó lại, có lẽ vì sợ chúng tôi chấm trộm. Thừa lúc thằng Tũn sơ ý, tức thì thằng cu Đen kéo nhẹ cuốn tập, làm đổ hũ mực thằng Tũn, vết mực loang đầy những điểm 9, điểm 10 của nó, thế là cậu quý tử chạy xuống mách mẹ nó. Bà thầy giận dữ chạy đến chỗ chúng tôi, không tiếc lời nhiếc móc
         _   Đứa nào, đứa nào ???tao bắt được, tao cho bay quì xơ mít ba ngày cho biết ... Hình phạt nặng nhất của Thầy tôi là bắt đứa có tội quì trên tấm xơ mít khô và quì ngoài nắng,
            .Chúng tôi thảy đều im lặng trong  khoái chí. Thằng cu Đen vẫn thản nhiên và thường nó rất ít nói. Một lần tôi học về ngang qua chỗ nó thả trâu, nhìn thấy con trâu con đang bú mẹ, tôi thích lắm, ngây ngô hỏi nó:
          _ Con đực hay con cái? Nó trả lời cộc lốc
          _ “Con nghé”,
          _ Sao có con nghé hả ??
          _ Mẹ nó đẻ ”. Thường nó trả lời cộc lốc và rất ít lời nhưng tôi vẫn cho rằng nó là một người tốt bụng…
            Ngày tháng cũng trôi nhanh, anh em chúng tôi đã học hết vần xuôi và vần ngược. Hằng ngay tôi đã biết đọc vanh vách cuốn Quốc Âm Giáo Khoa  Thư bậc đồng ấu, tôi đang bắt đầu viết những bài tập làm văn. hai anh tôi  thì rất ham chơi, chúng tôi tìm bắt những con chuồn chuồn to bự để chúng cắn vào rốn chúng tôi.
          Sau gần một năm theo học ở đây, hai anh tôi đã biết bơi sấp, bơi ngữa, bơi chó… Riêng tôi, mặc dù đã cho chuồn chuồn cắn rốn nhiều lần, nhưng tôi cũng chỉ mới dám xăn quần lội xuống mương mỗi lần hai anh tôi tập bơi.
           Những lần đi học về hai anh tôi thường cùng bọn trẻ bờ lông nhông ...xuống mương tập bơi, tôi cũng chỉ ngồi trên bờ giữ mớ quần áo và mấy cuốn tập nhàu nát,
          Nhưng lần nào cho chuồn chuồn cắn rốn tôi cũng hăng hái tình nguyện cho chúng cắn thỏa thích với hy vọng ngày trở về vùng biển mặn của tôi… tôi cũng sẽ biết bơi…
            Vào một ngày cuối mùa hạ, mẹ tôi về thăm chúng tôi với hai con gà mái to và một ít quà bánh cùng chút tiền lệ phí để nhờ thầy làm giúp chúng tôi mấy tờ giấy khai sinh để chuẩn bị vào trường công.
             Từ trước đến nay, ba chị em chúng tôi vẫn được kêu là: Gái chị… gái em và gái út, bây giờ làm giấy khai sinh để đi học mẹ tôi cũng chưa hề nghĩ đến phải đặt tên cho chúng tôi thế nào?
             Thường thầy tôi hay đặt tên dùm cho mọi người. Đến phiên chị em tôi, thầy đang nhìn ra đường ngẫm nghĩ?
             Chợt nhìn thấy bên cạnh cửa sổ  nhà thầy, đang có một cây đào lộn hột( loại trái chát có hột mọc ở đít trái) ở miền Nam người ta thường gọi là trái Điều, thầy bèn viết vào giấy của chị tôi là Thị Đào và mặc nhiên tôi sẽ là Thị Lê. Thầy vô cùng vừa ý vì đã chọn cho chúng tôi hai loại quả quý và thầy cũng cho em gái tôi một loại trái quý nữa là: Thị Hồng.
             Ngày nay mỗi lần dùng đến cái “First Name” của tôi, tôi lại thầm cám ơn thầy giáo Chín.
             Tôi còn nhớ trong vườn nhà thầy cũng có cây Xoài, cây Mít, cây Lựu, cây Cam nhưng sao bỗng nhiên thầy lại chọn cho tôi cái tên nghe cũng rất êm tai. (Trong hãng tôi, cũng rất đông người Việt, thường tên chúng tôi người Mỹ họ kêu không quen nên thường đọc theo cách đọc của họ. Có một chi kia tên là Lưu, người Mỹ họ thường gọi chị là “Lu” dần dà họ thêm cho chị một cái “Lu” nữa, nay chết tên là “Lu Lu”.
              Cũng giống như chị, họ gọi tôi là “Li” có lẽ vì tên tôi quá đơn điệu nên họ cũng thêm cho tôi một cái “Li” nữa. Bây giờ tôi đã hoàn toàn trở thành “Li Li” nghe cũng rất Tây.
              Mỗi lần nghe họ gọi tên tôi trên máy rền vang khắp hãng, tôi lại thầm cám ơn thầy giáo Chín).
             Ngày mai chính là ngày mẹ tôi sẽ về đón chúng tôi về Qui nhơn. Tôi dậy sớm hơn mọi bữa, chạy ra lu nước rửa mặt. Bỗng tôi nhìn thấy chiếc lồng chim nhỏ, đan  bằng tre, bên trong có con sáo mỏ vàng, đang nhảy nhót bên trong.
               Chính con sáo mà hằng ngày vẫn tung tăng bên lưng trâu với thằng cu Đen. Tôi biết nó rất quý con sáo này, sao bỗng dưng hôm nay lại đem tặng tôi?
               Buổi chiều anh em chúng tôi thu xếp để trở về thị xã, trở về ngôi nhà thân yêu của tôi sau một thời gian dài xa vắng… lòng tôi buồn vui lẫn lộn. 
               Tôi tìm gặp nó để nói lời từ biệt...
      _ Mày dzìa dưới trước đi, má tao nói mai mốt nhà tao cũng xuống  Qui nhơn, hai anh tao đã xuống học ở trường Cường Đễ...
       _ Nhớ xuống nghen, không có mày không ai binh tao, mấy đứa ở dưới hay ăn hiếp tao lắm..
       _ Biết rầu ...
                 Ngồi  trên xe ô tô buýt đỏ,  tôi cố nhoài mình ra ngoài khi xe chạy trên chiếc cầu nhỏ. Thoáng thấy bóng thằng cu Đen đang ngồi trên lưng trâu, cặp mắt nó mở to nhìn theo chiếc xe. Tôi đưa bàn tay nhỏ xíu vẫy nó, hàng cây hai bên đường chạy giật lùi lại đằng sau trong bụi mờ. Tôi còn hình dung được bàn tay nhỏ đen thui của nó vẫy lại tôi thay lời giã biệt.
                . Thỉnh thoảng tôi có về thăm quê ngoại, mẹ tôi mua sẵn cân trà, gói mứt. Chúng tôi thường ghé thăm thầy, mỗi lần như thế tôi chợt thấy mắt thầy long lanh sau làn kính dày...    
            Ngày thầy tôi qua đời chúng tôi được tin chậm. Chiếc bàn trống phủ tấm khăn bàn in bông xanh đỏ nay đặt bài vị của thầy… Thằng Tũn được hoãn dịch vì lý do sức khỏe, kế nghiệp thầy dạy học trò trong thôn xóm, Con Bẹp, cũng đã lấy chồng xa...Chúng tôi không còn có dịp về lại ngôi trường cũ ngày nào nhưng trong tâm khảm chúng tôi vẫn nhớ hoài những ngày thần tiên ấy..
             Trong đám học trò nhỏ của thầy Giáo Chín ngày ấy...Chỉ có tôi là yêu mến và kính trọng thầy nhất vì thế sau này tôi cũng được làm thầy...
           Và trong số các học trò ngày ấy,tất cả đều cũng đã đạt được những thành tích đáng nể, ngày nay nếu còn Thầy, chắc thầy cũng sẽ mỉm cười mãn nguyện.... 

                      Nguyên Hạ
                                                Atlanta Mùa Hạ 2003

2 nhận xét:

Nặc danh nói...

Mình giới thiệu vói các con xem bài ÔNG GIÁO CHÍN, đứa nào cũng nói cô gái nhỏ trong đó có DUYÊN với cu ĐEN , rồi không biết có NỢ với nhau không ?
NGUOISAIGON .

Nặc danh nói...

Chuyện NỢ HAY dUYÊN,giờ chắc phải hỏi qua ý kiến ông "Sáu tấm"...thời gian nào ???con nước ngược quay về???hay là : hẹn nẫu kiếp sau nhen...cám ơn người sa2igon.