Thứ Bảy, 6 tháng 10, 2012

Hội Ngộ


        Lớp chúng tôi toàn là con gái, hằng ngày các thầy cô đối diện với một đám học trò tóc dài như chúng tôi… Thoáng nhìn thì cũng rất dễ thương, hiền hậu, nhưng bên trong cũng không kém phần tinh nghịch, quậy phá; và cũng không thiếu chi những phiền toái mà ông trời đã dành cho chúng tôi.
     Trung học Trinh Vương, nơi  đã đón chào bước chân  tôi , từ ngày tôi bước chân vào ngưỡng cửa của trường Trung học,
   Ngôi trường được xây dựng từ rất lâu đời, thuộc giòng tu Mến Thánh Giá, tọa lạc trên đường Gia long. Trường này có tiếng rất nghiêm, các Soeur thuộc trường này rất chặt chẽ, kiểm soát chúng tôi rất tận tình. Các thầy cô giảng dạy tại đây đã được nhà trường tuyển chọn kỹ càng, đa số là các thầy cô đã từng giảng dạy lâu đời các các trường như Cường để, Nữ Trung học.
 Những môn học phụ, thường do các Soeur và thỉnh thoảng mới có vài thầy giáo trẻ đến giảng dạy… Chúng tôi đã được các Soeur dặn dò trước về cách xưng hô với các thầy cô giáo. Tất cả đều phải gọi bằng Thầy và xưng bằng Con… ở vào thập niên sáu mươi, cách xưng hô này thì cũng không lấy gì làm lạ lắm đối với chúng tôi, vì lúc bấy giờ chúng tôi rất tôn trọng các bậc làm Nhà giáo.
 Nhưng bản năng sinh tồn của mỗi con người phát triển một cách rất tự nhiên. Con người đến một lứa tuổi nào đó… sẽ biết Thương Yêu, sẽ biết Mơ Mộng… Những tình cảm bộc phát một cách tự nhiên và cũng rất Thánh Thiện nhưng nếu ta không cho đó là Lãng Mạn là trái đạo đức.
   Ngày đó… trong lớp tôi, các bạn thường hay bắt chước nhau, hễ đứa này có một quai nón màu tím, tức thì vài hôm sau sẽ có mấy đứa khác cũng sẽ làm giống như vậy. Ngày mai có đứa mang guốc Trắng là cũng lập tức có một số bạn khác làm theo.
   Ngày ấy tôi có một đứa bạn, ngồi chung bàn và ở gần nhà tôi. Hằng ngày chúng tôi hay chờ nhau đi học, hay kể cho nhau nghe những suy nghĩ riêng tư… Ngày ấy bạn tôi yêu thích một thầy giáo dạy môn Sử địa của lớp tôi. Tất cả chúng tôi đều hiểu ngầm tình cảm này của bạn tôi nhưng hầu như người thầy giáo này không hề hay biết gì cả. Tôi đã từng biết bạn tôi đã biết Yêu từ năm đệ lục. Lúc ấy, chúng tôi rất vô tư, trong giờ chơi chúng tôi vén áo dài nhảy cò cò với nhau, chia nhau những ồi cốc, me chua...
 Thì bạn tôi chỉ ngồi trên băng đá mộng mơ… mắt dõi tìm hình bóng của người mà chị yêu thích, chúng tôi ngầm hiểu như vậy; đôi lúc chị cũng gây một vài sự chú ý cho thầy nhưng có lẽ người thầy giáo này vẫn vô tình. Cho đến một ngày kia… được tin vị này kết hôn với một cô giáo dạy trường khác. Bạn tôi buồn khổ đến mấy tháng. Đôi lúc nghe chị tâm sự, tôi cũng thấy tội nghiệp chị vô cùng… Học hết năm đệ tứ, chị ở nhà và đi lấy chồng… Mỗi lần gặp vị giáo sự này tôi cứ nghĩ rằng : Không hiểu tại sao chị lại có thể yêu một người vừa mập, vừa lùn, đầu lại hói, nhưng vì bận tâm tới bạn tôi, tôi bỗng không thích vị giáo sư này… và bỗng thấy ông ta có nhiều điểm không dễ ưa, nhưng sao bạn tôi lại có thể yêu thích ông ta một cách sâu sắc đến vậy? Hay có lẽ vì hằng ngày chúng tôi gặp gỡ toàn một lũ con gái với nhau nên với người khác phái dễ bị thu hút một cách không điều kiện như vậy.
            Thời gian trôi nhanh, bạn tôi đi lấy chồng… Chồng chị là một giáo viên dạy tiểu học, chị theo chồng về quê. Rồi tôi không còn gặp lại chị nữa… có lẽ chị cũng quên đi mối tình vô vọng của tuổi học trò ngày xưa cũ. đến năm lên đệ nhị, chúng tôi đứa nào cũng bắt đầu có những suy nghĩ riêng tư và ít khi tỏ bày cùng nhau, có lẽ chúng tôi đã bước vào tuổi mộng mơ… Cho đến một ngày, như mọi ngày, chúng tôi đến lớp, hồi lâu không thấy vị giáo sư già đang giảng dạy môn Giảng Văn của lớp chúng tôi. Tiếng ồn ào của lũ học trò gái bỗng im bặt. Soeur cố vấn lớp chúng tôi đem đến giới thiệu với chúng tôi một vị giáo sư trẻ thế cho vị thầy cũ một thời gian
 . Chúng tôi đứng dậy chào thầy với những cặp mắt mở to hiếu kỳ. được biết người là một giáo sư mới ra trường, tốt nghiệp đại học Sư phạm Huế và hiện đang giảng dạy chính tại một ngôi trường Quận Lỵ và thầy sẽ phụ trách môn Việt văn của lớp chúng tôi. một thời gian ngắn. 
 Bao nhiêu cặp mắt hướng về thầy với tất cả hiếu kỳ về vị giáo sư trẻ này. Một hiện tượng lạ từ trước đến giờ chưa từng xảy ra trong ngôi trường này… vì các Soeur rất ư là kén chọn các thầy giáo dạy cho chúng tôi. Các thầy giáo thường quá trung niên hay là hai vợ chồng cùng giảng dạy… đây hẳn là một “ngoại lệ” vì vị này trông rất ư là “phong độ” dưới mắt nhìn của bọn con gái chúng tôi. Vì thế bọn chúng tôi cứ trố mắt nhìn thầy với vài thì thầm to nhỏ và vài tiếng cười khúc khích. Thầy vẫn im lặng và bắt đầu bài học mới cho chúng tôi. Cặp mắt sâu trốn dưới làn kính trắng và không liếc nhìn một ai… Mái tóc bồng bềnh trên vầng trán cao, mũi thầy to và cao nằm chững chạc trên chiếc miệng hơi rộng, mỗi khi nói hai khóe miệng hằn sâu hai bên chiếc má hơi hóp. Da thầy hơi đen, dáng người rất cao nên đầu như lúc nào cũng hơi chúi về phía trước.
   Chưa bao giờ tôi quan sát một người khác phái kỹ càng như vậy. Có lẽ đây là lần đầu tiên… trong giờ ra chơi các bạn tôi kháo nhau về người thầy giáo mới này rất nhiều. Mặc dù không được giới thiệu về gia cảnh, nhưng cả bọn chúng tôi đều cùng quan điểm là thầy vẫn còn độc thân, lý do là “thầy còn rất trẻ”. Hằng ngày các bạn tôi,  có đứa còn chăm chút thêm mái tóc, sửa lại dáng đi, giọng nói tiếng cười mỗi lần được gọi lên đọc bài. Riêng tôi vẫn im lặng với suy nghĩ của riêng mình, và không hề tham gia vào những câu chuyện về thầy.
     Sau khi thầy giáo cũ hết bệnh, chúng tôi không còn thấy thầy xuất hiện nữa. bọn con gái chúng tôi cũng mau quên,và không đứa nào nhắc đến thầy nữa...
     Nhân một ngày được nghỉ lễ, tôi về quê ngoại, trên chuyến ô tô buýt châu thành đi từ Bình Định xuống Qui nhơn, tình cờ tôi lên xe và ngồi chung ghế với thầy, tôi cũng chỉ định chào thầy cho phải phép mà thôi vì biết là thầy dạy nhiều lớp học trò sao nhớ được tôi là ai ...
      Nhưng thầy đã cho tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác là thầy biết tên tôi và cả nhà của tôi ở  chỗ nào...Tôi chỉ thắc mắc trong lòng mà không dám hỏi lại vì đâu mà thầy biết rõ về tôi trong khi thầy chỉ dạy ở lớp tôi có vài tuần...mà ở đó cả một bầy con gái, làm sao thầy nhớ được???

Không còn nhớ vào lúc nào  thầy đến nhà tôi...chỉ thấy lâu lâu lại thấy thầy lại ghé thăm, nói chuyện với chị tôi, Mẹ tôi lại làm cơm đãi thầy.
Đôi khi giảng cho tôi bài toán khó, có khi biếu mẹ tôi chút quà khi có dịp đi xa về, thời gian đó tôi như chắp cánh trong tư tưởng và có lúc mơ mộng ở một ngày mai ...có thầy và tôi trong cuộc đời...
   Vào dịp hè năm tôi thi Tú tài !, một hôm thây đến thăm nhà tôi và báo là niên khóa tới thầy đổi về quê thầy dạy học luôn ở đó ...
    Tôi hụt hẩng , hầu như trong cuộc đời này không còn có ý nghĩa gì và biết rằng  :  tôi đã mất người mà tôi thần tượng nhất trong cuộc đời này
     Thời gian cứ trôi nhanh trong sự nhớ tiếc khôn nguôi, tôi đậu tú tai2 ,rồi đi lấy chồng xa ...Tôi không còn biết người đã về đâu và có còn nhớ đến tôi không ???…
            Ba mươi năm sau. Mẹ tôi ốm nặng vào nằm tại một bệnh viện, chúng tôi từ khắp nơi về nuôi mẹ. Suốt thời gian mẹ tôi nằm chờ lên ca mổ, hằng ngày chị em chúng tôi thay phiên, túc trực bên cạnh mẹ tôi, chỉ những lúc bác sĩ vào thăm bệnh nhân, chúng tôi đến căn nhà nhỏ được thuê trước bệnh viện để nghỉ ngơi, với tất cả những tiện nghi tối thiểu, những khi nhàn hạ, tôi thường ra đứng trước hành lang bệnh viện theo dõi, quan sát, những sinh hoạt hằng ngày của người dân từ khắp đất nước về đây chữa bệnh nan y.
 Bỗng một buổi sáng, tình cờ tôi nhân ra một nhân dáng rất ư là quen thuộc, tôi lục tìm trong ký ức, hình ảnh này rất thân quen với riêng tôi.
  Dáng người cao cao, mái tóc lòa xòa trên vầng trán cao… mộng ảo… mặc dù bấy giờ, mái tóc đen ngày nào nay đã biến thành màu trắng, lấm tấm những ưu phiền rối rắm… có phải là người không ?
   Tôi ngắm nhìn theo dõi người ấy suốt mấy ngày. Có lúc tôi cứ tự dối lòng rằng: đó chính là Cha, hay là Anh của người ta… thần tượng của tôi một thời áo trắng… nay sao lại quá đỗi đau thương…
 Hằng ngày người ấy săn sóc cho người đàn bà bị bệnh ung thư gan đến thời kỳ cuối cùng, đang nằm trên giường bệnh. 
 Buổi sáng đi lấy cháo bố thí của nhà chùa, trưa xuống sân nấu cơm nước cho người bệnh.
Khi không có người chồng bên cạnh, tôi len lén đến bên cạnh giường của bà ta .
Nhìn thấy một thân người chỉ còn da bọc xương, đầu tóc không còn, thân tàn ma dại. Cặp mắt nhắm nghiền không buồn mở ra mỗi khi có người đến gần – đó là vợ của thầy tôi. Từ hành lang bệnh viện tôi kiếm tìm “người” trong số những người đi nuôi bệnh.
Hằng ngày, khi hết giờ thăm bệnh, người đến một góc sân… chuẩn bị những vật dụng đem theo: vài bó củi cháy dở dang, ba viên gạch chụm lại thành một chiếc lò tạm bợ, một manh chiếu cũ nát, chiếc mền nhà binh cáu bẩn, vài nồi niêu, mấy cái chén đất  ố vàng… tất cả được cất dấu tạm bợ trong một chiếc bao lát rách tươm, tội nghiệp…
  Ngày nào tôi cũng thấy người mặc chiếc quần xanh nhàu nát vì sương gió, cùng chiếc áo sơ mi nhàu nát bởi thời gian. Chiếc điếu cày bên cạnh ,  làm bầu bạn với những cơn ho dai dẳng ...
Tôi nhẩm tính, với tuổi đời lúc bấy giờ của thầy tôi, cũng chỉ chừng cỡ sáu mươi.
  Thời gian sao quá tàn nhẫn với thầy, nhân dáng của “người” lúc đó nếu bảo tôi đoán chừng với một người xa lạ, có lẽ tôi sẽ bảo rằng cũng xấp xỉ tám mươi.
 Một buổi sáng, tôi được biết bác sĩ cho vợ Thầy một toa thuốc phải dùng hóa chất, rất nhiều tiền mới mua được. Qua kinh nghiệm nuôi bệnh tại đây, tôi biết là cũng rất nhiều tiền...
  Tôi vội vàng theo bước chân người… Người bán thuốc nhẩm tính một số tiền rất lớn, đơn vị được tính bằng bạc triệu, những đồng  tiền to lớn , tôi không biết là bao nhiêu, nhưng chắc là to lắm so với đời sống của người dân nghèo .
   . Người ra khỏi hiệu  thuốc và cũng không hề hay biết đang có tôi theo dấu chân thầy. Tôi nhờ người bán hàng tính cho tôi toa thuốc của ông già vừa không mua, . Tôi đem toa thuốc vào phòng đưa chuyền cho bệnh nhân của giường số 6 lầu II. Vài ngày sau, do sự thăm hỏi của người, cô y tá  phòng cho biết chính tôi là người hảo tâm đó.... nên thầy đến để nói lời cảm tạ.
 Tôi mời thầy vào một quán nước bên đường… mặt đối mặt, tôi cố tình kêu ly nước dừa tươi, kỷ niệm duy nhất mà ngày xưa tôi có được cùng thầy thuở nào trong quán nước.
… Lần cuối cùng tôi gặp thầy tại  Qui Nhơn hơn ba mươi năm trước, khi thầy  chuẩn bị rời thành phố, tình cờ gặp thầy nơi góc phố. Thầy mời tôi vào một quán nước trên bãi biển Qui Nhơn, Thầy  kêu hai ly nước dừa tươi.
      Tôi đòi thêm nước đá, thầy bảo tôi rằng “ Con gái muốn giữ mãi hàm răng đẹp đừng nên dùng nước đá” và để chiều ý thích của thầy lần đó tôi không hề dùng nước đá, và chưa bao giờ tôi được uống ly nước dừa xiêm nào ngọt liệm như ly nước ngày đó … lần ấy tôi nhìn thầy, đôi mắt thầy long lanh nhìn tôi sau làn kính trắng lâu hơn những lần nơi sân trường hay trong những lần thầy giúp tôi giải  bài toán khó .
  . Trước khi từ biệt thầy chỉ nhẹ nhàng nắm chặt hai bàn tay rồi chúc tôi thành công trên đường đời. Chỉ có thế… và cũng chỉ có thế mà thôi. Cái nắm tay đã cho tôi những nghĩ suy nát ngấu tâm can… thêm hương vị cho những ngày thần tiên mộng tưởng…
   Giờ đây tôi cũng gọi hai ly nước dừa xiêm không bỏ đá. Tôi không biết thầy đã nhận ra tôi chưa? Tôi gợi nhớ bằng câu nó xa vời mộng mị… “Em đã uống quá nhiều nước đá nên giờ đây em không còn hàm răng đẹp nữa rồi”. Cặp mắt già nua của thầy chớp rất nhiều lần,
  Thầy tôi vẫn cúi mặt và thoáng nhìn tôi qua làn kính trắng. Tôi nào muốn khóc trước mặt thầy vì sợ khơi lên nỗi sầu hận và lòng tự ái của người đàn ông.
  Nhưng không biết tự bao giờ vị giác tôi bị chất mặn làm tê cứng, tôi nuốt  vội những giọt nước mắt ân tình, kéo nhau về làm khổ tâm hồn tôi, cho tôi không nói được lời nào cùng thầy trongphút  giây hội ngộ...
   Bằng tiếng nói khàn đục, xa xăm...Tiếng Huế ngọt ngào của ngày xưa huyễn mộng, người kể cho tôi nghe cuộc đời của một nhà giáo trong cuộc đổi đời tai ác : Sau khi rời thành phố Biển trở về quê nhà nơi xứ Thần kinh mộng ảo...thầy được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng ở một trường Trung học quận lị ...Khi cách mạng về ,Thầy không được bổ nhiệm vì Thầy có chức vụ là Hiệu trưởng...Cái chất xám đã được lấm mùi của chế độ cũ quá nhiều, cần phải cho về quê làm ruộng .
    Sau vài lần vượt thoát không thành công, thầy về làng quê cha đất tổ và kết hôn với một thiếu nữ chốn làng quê mà họ hàng giới thiệu, và hai người đã không có con, bây giờ vợ thầy đang mang bệnh nan y ...
    Tôi cứ len lén nhìn cụ già trước mặt với những âm thanh khàn đục vọng lại của một thời quá vãng ...
     Ôi, thời gian và sự đói nghèo...thật quá ư là tàn nhẫn ...Ngày xưa khi đọc bài thơ Tình Già của Phan khôi ...Phút giây hội ngộ của hai con người ấy : lãng mạn và tình tứ biết chừng nào...Sau hai mươi bốn năm gặp lại , cả hai mái đầu đều bạc...nhưng họ còn nhìn nhau với hai con mắt còn có đuôi....nhưng tôi cũng cho là đã tàn nhẫn cho hai nhân vật ấy...
     Giờ đây : Sau 30 năm xa cách...Tôi gặp lại thần tượng của tôi trong một thời áo trắng ...
Tuổi thời gian, sự đói nghèo, cho con người ta một nỗi kinh hoàng ...
     Chiều hôm ấy chị em tôi đưa Mẹ tôi lên tàu về Qui nhơn, trước khi chiếc Ta Xi đến sân bệnh viện, tôi gởi biếu người một ít tiền và không dám nói lời nào giã biệt...và không hề cho biết tôi đang làm gì và ở đâu.
      Chiếc xe đưa gia đình tôi rời sân bệnh viện, tôi nhìn thấy dáng thầy xiêu đổ, tần ngần đứng đó , có lẽ mắt thầy sẽ long lanh giọt lệ sầu ...
      Suốt thời gian ngồi trên con tàu lạnh ...lòng tôi chĩu nặng những ưu phiền ...Thà đừng gặp lại nhau trong cảnh này ,cho trong tôi luôn có hình ảnh đẹp về nhau...cho tôi không thành :tội nhân thiên cổ .
      Ngọn gió đêm thổi vào cửa sổ...không đủ lau khô những giọt nước mắt trên má tôi ...
       
                 Nguyên Hạ - Lê Nguyễn
                 Atlanta, Mùa Thu 2003

1 nhận xét:

nguyenphucl nói...

Thuờng thì những cuộc hội ngộ luôn mang đến niềm vui,nhưng sao cuộc hội ngộ này chỉ mang đến buồn thảm &đau lòng quá vậy Lê !