Thứ Năm, 23 tháng 9, 2010

LỠ ĐỘ ĐƯỜNG

-Anh nhớ giữ gìn sức khỏe...nhớ gởi thư về cho em khi nào đến nơi...ở nhà em trông lắm...
_Anh biết rồi, cứ cách một ngày anh sẽ viết cho em một cánh thư, em ở nhà giữ gìn sức khỏe...thôi anh đi...
Đôi trai gái giã từ nhau trong bịn rịn, chiếc xe đò Miền Trung rời bến, bỏ lại đàng sau đám bụi mù...cô gái thẫn thờ đưa tay chùi giọt nước mắt lăn nhanh trên gò má.
    Nghiệp vào quân trường Thủ Đức, sau khi đỗ bằng Trung học, Nghiệp muốn vào binh nghiệp vì thấy cảnh nhà thiếu trước hụt sau, nhà vỏn vẹn chỉ có vài công ruộng, Mẹ anh ngoài việc đồng áng còn phải chạy chợ trên, chợ dưới chạy ăn cho hai anh em Nghiệp cũng cực khổ lắm...Nhìn thấy người khác vào quân trường Thủ Đức ra trường đeo lon Chuẩn úy coi cũng được, nếu may mắn thì được vô làm ở những nơi ít va chạm với chiến trường ....rồi cũng thăng quan tiến chức, nhất là cho Mẹ chàng bớt đi một miệng ăn...
    Xe chạy ra khỏi thành phố, tiếng rao hàng của những người bán hàng rong ở Ngả ba Phú Tài nhắc co Nghiệp hình dung ra hình ảnh Mẹ mình ...hàng ngày phải nắng mưa bên bếp lò nướng những chồng bánh tráng từ lúc trời còn tối mịt, cho tất cả vào cái bao lớn cột kín miệng...ra đi từ lúc trời còn ngậm hơi sương, Mẹ Nghiệp cũng bán rao những chiếc bánh bánh tráng nướng cho các hành khách trên xe đò  qua lại ở một trạm xe dừng chân đón khách...cuộc sống mấy mẹ con vô cùng vất vả...
    Mỗi tuần sau khi học xong bữa học cuối cùng anh đạp xe từ Qui nhơn về nhà anh hơn hai mươi cây số, anh cũng mong con đường thu ngắn để được về nhà giúp Mẹ những công việc nặng nhọc như đem lúa đi xay gạo, dọn dẹp sân trước vườn sau, cất cho Mẹ cái giàn bầu, bí trước nhà ....
   
Sáng thứ hai, anh lại dậy sớm đạp xe trở lại nhà trọ với mấy cân gạo cùng chút quà quê cho Lụa, cô thợ may con gái bà chủ nhà mà anh đang trọ học...
      Nghiệp đã trọ trong nhà Lụa được bốn năm, ngày anh mới đến Lụa chỉ mới ngoài mười lăm tuổi, Lựu không đi học tiếp vì nhà nghèo lại đông em nên phải ở nhà lo giúp Mẹ trông coi hàng quán và phụ lo bếp núc cho Mẹ, nhà Lụa bán tạp hóa và Mẹ nàng có nấu cơm tháng cho mấy cậu học sinh xa nhà đến ở trọ...
     Ngoài thời gian phụ Mẹ trong công việc, Lụa còn được đi học may và lãnh quần áo may cho những người quen biết...dần dà gom được chút tiền được Mẹ ráng mua cho chiếc máy may hiệu SINCO và Lụa dọn một góc trước của căn nhà treo một số vải vóc trên một giây kẽm và mươi cái móc treo vài mẫu áo đã may xong là trở thành một tiệm may nho nhỏ.
      Nghiệp thường giúp Lụa trong công việc như đóng cho nàng cái đinh, mua giúp nàng ống chỉ màu khi đi học về vì Lụa không biết đi xe đạp...ngược lại nàng cũng chăm chút cho Nghiệp miếng ăn, dọn cho Nghiệp chỗ nằm tươm tất hơn, cuối tuần mua sẵn cho Mẹ Nghiệp mớ cá kho sẵn cho Nghiệp đem về cho Mẹ...
     Tình cảm nhẹ nhàng và đằm thắm của anh học trò nghèo và cô thợ may bé nhỏ và đạm bạc trong nghĩa tình mộc mạc..
      Hàng ngày ngồi bên bàn máy với công việc của mình, cô gái mười tám tuổi cũng có những mơ mộng về tương lai của mình...ở đó anh là một thầy giáo làng, còn nàng là cô thợ may...sống đạm bạc bên lũy tre xanh, mỗi ngày cô chăm lo công việc bên bàn máy, còn anh lo việc nhà trường....
      Trong trí của Lụa chỉ dám mơ có vậy đã là hạnh phúc lắm rồi, một hạnh phúc đơn sơ trong tầm tay của hai người..nhiều lần Lụa muốn anh đưa nàng về giới thiệu với Mẹ ở quê anh, nhưng lần nào anh cũng khước từ với nhiều lí do không rõ nét....
     Riêng Nghiệp, anh không có chung suy nghĩ như Lụa, mỗi cuối tuần gò mình trên chiếc xe đạp, đi về trên những lối đi quen thuộc, những bờ cỏ , lối mòn trên con đường đi về, những buổi sáng ra đi từ lúc trời còn tờ mờ sáng, nhìn cảnh Mẹ chạy theo đám xe đò chợt đến chợt đi rao bán những chiếc bánh tráng rẻ tiền, có khi không bán hết đem về nhà mấy mẹ con ăn trừ cơm...anh chán ngán và chua xót cho thân phận, anh luôn không cam lòng với số phận.
      Nghiệp thấy lòng đau như cắt và muốn làm một cái gì ...Với mảnh bằng Trung học lúc bấy giờ thì Nghiệp có thể vào trường Sư phạm như mong ước của Lụa, hoặc anh cũng có thể vào trường Bộ binh Thủ Đức , sau khi mãn khóa anh cũng có thể thăng quan tiến chức ...khởi đầu là cái quai chảo đeo trên vai với cấp bậc chuẩn úy....nhưng sau một năm cũng lên lon Thiếu úy, bông mai đã nở trên vai thì cuộc đời Nghiệp cũng khá hơn ...
    Lan man với bao giấc mơ chập chờn trong suy nghĩ, Nghiệp quên hẳn hình bóng cô thợ may tên Lụa với giọt nước mắt tiễn đưa...những săn sóc mỗi ngày mà Nghiệp nhận từ Lụa nhiều hơn là của anh đáp trả vì những toan tính cho con đường trước mặt của chàng rộng lớn và bay xa hơn tấm chân tình mà cô gái nghèo gởi gấm cho anh...
     Anh đáp trả một cách hững hờ, không nóng bỏng, cuồng nhiệt như những tình cảm bốc cháy của những thanh niên nam nũ khác với những tình cảm đầu đời mà họ cho nhau trong những ngày tháng mộng mơ của tuổi mới lớn...Anh nhắm mắt mơ đến một chân trời mới trên con đường binh nghiệp trước mặt....
     Cuộc đời Nghiệp khởi đầu bằng những lo toan, Nghiệp muốn thoát ra cảnh nghèo, Nghiệp muốn đem sức mình ra giành cho được những gì mà thiên hạ có, anh cũng muốn có...
     Ngày cuối cùng lúc ở trong căn nhà của cha mẹ Lụa, những lời tạm biệt nhau, một đêm dài hai đứa ra ngồi đàng sau bãi cát, Lụa khóc nhiều vì những lo sợ trước lúc chia xa..
   .Nghiệp ít nói và chỉ hứa là sẽ biên thư về cho Lụa, nhưng không hứa hẹn là sẽ về và chúng ta kết thúc chuyện tình hai đứa bằng một đám cưới...
       Nhưng trong vũng tối của trời đêm hôm ấy đồng lõa với những xúc cảm của hai người tuổi trẻ bên nhau...Lụa đã cho Nghiệp tất cả...anh đón nhận mà không chút ngỡ ngàng, không nghĩ suy tính toán...
     Chín tháng quân trường cũng trôi qua thật nhanh, thời  gian này Nghiệp cũng có viết thư về cho Lụa nhưng ngày một ít ỏi hơn, lấy lí do là anh bận với nhiều công việc. khi nào về sẽ nói nhiều hơn....
       Mỗi ngày cô thợ may bé nhỏ vẫn ngóng tin người yêu, chữ cô viết chỉ mấy câu ngắn ngủi cho người yêu vì Lụa chỉ học hết lớp năm, chữ viết bỏ lâu ngày chạy trốn hết dưới ngòi bút của cô gái nghèo , cho dù sự nhớ nhung và tình cảm cô gởi cho người yêu vô cùng dạt dào và mạnh  mẽ...nhưng chữ viết của cô không đủ làm cho người yêu cô xúc cảm trước những cánh thư nhận được....
       Đọc xong là Nghiệp vò nát quăng đi vì sợ bạn bè bên cạnh biết là anh có người yêu viết chữ không ngay...dần dà Nghệp quên đi mất lời hẹn hò lúc chia tay "hai ngày anh sẽ viết cho em một lần thư"...
   - Nghiệp ơi, ngày mai nghỉ , có đi với tôi ra nhà Bác tôi chơi không ??? Ngọc chờ ông đó, nó thích ông lắm, mà ông bác tui cũng khen ông hoài
   - Đi chứ, tôi đâu có ai thân thuộc ở đây, ở lại trại buồn chết.,  tui theo ông, nhớ chờ tôi với., ừ mà Đạo này, ba của Ngọc làm ở bộ Tổng tham mưu lâu chưa ???
    -Tôi không rõ lắm nhưng ông quen biết nhiều, hy vọng ổng có thể giúp mình khi chọn đơn vị. ông đừng nói với ai chuyện này
    Đôi bạn mới quen trong thời gian thụ huấn ở đây, qua bạn, Nghiệp đã quen biết với Ngọc , cô chị họ của bạn Nghiệp, Bác của Đạo là một sĩ quan cấp bậc không cao lắm,  bước lên từ Hạ sĩ quan nhưng ông đã làm việc trong Bộ tổng tham mưu thời gian từ lúc mới di cư vào Nam.
    Ngọc là cô con gái lớn của ông, đảm đang, giúp cha mẹ trông coi một gian hàng bán sỉ ở chợ Lớn, Ngọc nhanh nhẹn trong công việc, tuổi ngoài ba mươi nhưng vì nhỏ con nên trông cũng còn trẻ, mỗi lần Đạo đưa Nghiệp về chơi, Ngọc giao hàng cho Mẹ về tiếp đãi khách theo lời của cha mẹ, Ngọc cũng vui vẻ và đon đả với Nghiệp...Mặc cảm mình ít tuổi hơn , lại là bạn của em Ngọc nên Nghiệp gọi bằng chị...trong ngượng ngập...
     Ngày mãn khóa Nghiệp mời Ngọc đến tham dự...Hôm ấy cả gia đình Ngọc đến dự và Ba Ngọc hứa sẽ giúp Nghiệp về làm với ông tại bộ tổng Tham mưu, phụ tá cho ông, còn Đạo thì chuyển về nơi anh muốn đến...
     Cơ hội đến với  Nghiệp như một giấc mơ, cảnh sống cơ cực nơi thôn dã, làng quê nghèo với bờ ruộng, nắng cháy da người, cảnh cơ cực của Mẹ mỗi ngày...Bây giờ cơ hội thoát ra cảnh khổ mà đã từ lâu Nghiệp muốn chạy trốn, muốn vượt thoát...như một người tù lâu ngày nhận được tin mình mãn hạn tù, như cánh chim bị giam trong lồng nay được mở cửa tung mình ra bầu trời cao rộng...
     Không nghĩ suy, không chần chờ, Nghiệp về trình diện nhiệm sở mới và theo lời mời của ba Ngọc, Nghiệp dọn về nhà ông ở để mỗi ngày đi về với ông cho tiện....và chuyện gì đến  cũng  p hải đến....ngày cưới của Nghiệp và Ngọc sẽ tổ chức vào tháng sau...
      Nghiệp về quê báo tin cho Mẹ vào dự đám cưới của mình, khi chuyến xe  ghé bến , Nghiệp về thẳng nhà báo tin và chuyển những món quà đắt tiền mà Ngọc mua cho chàng đem về biếu Mẹ..
     .Nghiệp cũng không hề nhớ lời hẹn là sẽ trở về với  Lụa, cũng không ghé thăm căn nhà trọ ngày xưa Nghiệp đã vào ra bao tháng năm, những bữa ăn đạm bạc, những tình cảm nồng nàn của cô thợ may nghèo trong căn nhà nhỏ....
     Vô tình Mẹ Nghiệp lại đem những xấp vải đắt tiền mà Nghiệp đem về xuống may ở tiệm của Lụa, Mẹ Nghiệp cũng không hề hay biết tình cảm của con trai bà với cô thợ may...bà chỉ biết ngày trước Nghiệp có ở trọ tại đây, bây giờ cần may áo đi đám cưới bà đem đến chỗ quen biết...
     Nỗi thất vọng kết thành từng chùm, Lụa đã tan nát cõi lòng, bầu trời như rạn vỡ trước mặt, nàng bỏ ăn, bỏ ngủ...công việc mỗi ngày không còn hứng thú gì với Lụa, tan nát cõi lòng, buồn đau vì người tình phụ rẫy...Cơn đau đến dai dẳng và tưởng chừng như không bao giờ hết.
    ..Nhưng tháng ngày rồi cũng phôi pha, Lụa đã không lấy chồng ....mặc dù thời gian sau nàng đã có một hiệu may lớn, nhiều người mai mối nhưng Lụa cũng khước từ,  Lụa cố  tìm vui bên công việc ...Hiệu may của nàng bây giờ đã là một tiệm có uy tín nhất nhì trong thành phố.
     Nỗi buồn bị tình phụ ...chìm sâu vào dĩ vãng....cũng đã có lần Lụa nghe phong phanh do những người quen biết cũ mới hay rằng sau khi đi học tập cải tạo về...trở lại căn nhà của Cha Mẹ vợ, Ngọc và đứa con có với Nghiệp, họ  đã theo gia đình Vượt biên và không có tin tức gì ...Sau khi trở về không còn vợ con, Nghiệp lại trở về quê cũ...sống bên bờ tre , ruộng lúa, làm nghề chạy xe ôm, chở khách bằng chiếc xe Honda cũ kỹ... nơi chốn mà Nghiệp muốn tránh xa vẫn bịn rịn mãi trong cuộc đời anh với  những ngày dài không lối thoát và một hạnh phúc không bao giờ có được...tất cả đã bay xa ....
      Thỉnh thoảng Lụa chợt nhìn thấy bóng người năm cũ từ xa...hình bóng Nghiệp lấp lóa xa mờ và không bao giờ hai người đối mặt mhau dù vẫn biết thời gian này cả hai cùng trong một không gian của một thành phố cũ...con đường trước mặt họ rộng mở , cuộc đời mỗi người đã lật sang trang sách mới, trang sách cũ họ đã từng có với nhau , nhưng cũng chỉ còn mờ nhạt..
     Bối cảnh cuộc đời làm lỡ độ., con đường làng với bờ tre xanh không có dấu chân họ ...chỉ còn trong nhau một vết hằn sâu lắng....

   Dõi        theo       chiếc       bóng           cuối            đường
   Sao       anh ....làm      lỡ        độ       đường    ...duyên     phai.....

     Atlanta   ..đầu Thu    2010
                                        Nguyên hạ- Lê nguyễn

  

4 nhận xét:

Văn Thắng nói...

Một câu chuyện thật cảm động.
Một lối rẽ của chàng trai thật vô tình. Thương cho cô Lụa lỡ làng.
Chuyện đời như thế không hiếm.
Cuối cùng tự an ủi với mình âu cũng là số phận.
Chúc chị vui, khoẻ nha.
Văn Thắng

Tiếng Sơn Ca nói...

Quên lời hẹn ước
Đành lỡ cung đàn
Cơ đồ phía trước
Duyên em lỡ làng!

Nặc danh nói...

Một câu chuyện tình thật buồn!vì chàng trai chưa yêu hết mình...nên đã vô tình phụ bạc... Thương cho cô lụa lỡ làng duyên phận .

NGUYENPHUCL

Nặc danh nói...

Trong cuộc đời...con người vẫn thường hướng mình phải vươn lên...nhưng quên đi tình cảm chân chất của con người...một triết lý mà Nh. đã đặt ra ...bài viết nào của bạn cũng mang tính triết học nhân gian,nhưng nếu chỉ đọc qua loa..thì có người sẽ cho là bạn kể chuyện đời thường, tôi hiểu bân ở điểm sâu sắc này trong bài viết của bạn.
Bến xưa