Thứ Bảy, 16 tháng 10, 2010

CÁI NÚT ÁO CỦA ANH TÔI

Tuổi thơ anh là những tháng ngày dài mong chờ mỏi mắt, hình ảnh tội nghiệp của hai đứa bé lên bốn, lên năm..
        .Mỗi buổi chiều về khi cơm nước xong hai anh em tôi thường ra ngồi trên bậc tam cấp trước nhà Ngoại...chờ mong chiếc xe buýt đỏ chạy từ hướng Qui nhơn lên chợ Gò Chàm.dõi tìm, mòn mỏi...những chiếc xe vẫn qua nhanh chỉ còn lại sau lưng làn bụi mù chao đảo....
       Bà Ngoại tôi, anh kêu là Nội, anh là con của người anh lớn nhất của Mẹ tôi. chúng tôi xấp xỉ tuổi nhau, lớn lên cạnh nhau từ những ngày còn để chỏm, không biết tại sao ba má anh lại để mình anh ở lại chốn thôn quê này, thật lâu, thời gian như lãng quên anh... còn tôi ở với Ngoại vì Mẹ tôi bận trăm công nghìn việc với cuộc mưu sinh nên gởi tôi nhà Ngoại cho tôi học hết lớp vỡ lòng tại đây...
      Trên anh còn có một người anh nhưng anh chỉ về đây vào dịp nghỉ hè rồi lại về Qui nhơn. chỉ còn anh ở lại  
      ..Ngày đó Mợ tôi đã có nhiều lần sinh đẻ nhưng không nuôi được vì tất cả lặng lẽ ra đi khi tuổi còn rất nhỏ...những căn bệnh của các bé thơ chỉ mỗi một thứ thuốc chữa bá bệnh là  gói "căn cưa tán" màu vàng cam, có in hình ông Phật mập trên nhãn hiệu cầu chứng, trị tất cả mọi thứ bệnh cho trẻ nhỏ từ cảm sốt, ỉa chảy, ban đỏ, ban đen...vì thế sự sống còn của con trẻ còn do ở phần số, những gói thuốc trị bá bệnh này không phải là thần dược níu kéo hết những sinh mạng của con người....tội nghiệp cho những đứa bé tuổi thơ tôi, đã chập choạng góp mặt với đời quá ngắn.
      Anh lớn của anh ra đời trong sự cầu xin bao nơi linh thiêng chùa chiền, am tự, vì là đứa con cầu tự nên lúc nào cũng được cận kề bên mẹ, bên cha, còn anh...Có lẽ vì là vật dư thừa sau khi cậu mợ tôi đã có người anh trai và nghe đâu anh bị khắc tuổi với cha mẹ nên phải gởi đi xa...
    Chúng tôi sống những ngày mong đợi mỏi mắt dài hơi đợi chờ hình bóng thân thương của cha mẹ mỗi ngày.. hàng tuần rồi kéo dài cả tháng. rồi lại từng năm, chúng tôi lầm lũi những ngày dài bên nếp vườn bờ đất.
  _ Thằng Quài mầm và con khóc dai, là tên gọi thường ngày của hai chúng tôi.
   Ngôn từ của chúng ta không bao giờ thiếu hụt, những bông hoa, trăng, thanh, câu hát, những chữ nghĩa mĩ miều, không  phải những người dân quê tôi ngày ấy không biết đọc , nhưng khi chọn tên cho con thì chọn những chữ thật khó nghe, tục tĩu và có khi là tượng hình hay vô nghĩa, tên tôi cũng có nhưng vì tôi hay khóc dai nên bà và các cậu dì tôi gọi là "con khóc dai". còn anh tôi lại thường bị gọi là "Thằng Quài mầm", nghe đâu ngày trước trong làng có người mang tên này, ông ta làm người chạy việc cho làng, anh tôi có vài điểm giống ông ta .nên cứ gọi anh là vậy...
    Đôi lúc anh vẫn thường hỏi tôi sao anh lại mang tên này...biết nói sao và biết tại làm sao ??/
  _ -Tại sao ba má anh không đưa anh về sống chung cả nhà với nhau lại bỏ anh một mình ở nhà Nội???
 Tại sao và tại sao ?....?...   Bọn trẻ chúng tôi nào hiểu hết những suy nghĩ của người lớn, những kiêng khem, những tư tưởng xưa cũ đã đưa tâm hồn của những đứa trẻ thơ, in đậm một vết hằn buồn đau hết một kiếp đời mai sau...mà ai nào hay biết, anh lớn lên trong nỗi ấm ức chưa một lần lật mở.
      sau này tôi có nghe một người bạn kể lại rằng : cha mẹ anh cũng mang tư tưởng hệt như các bậc cha mẹ ngày xưa ấy, anh cứ bị gán cho là "một nông dân ta thứ thiệt, mai sau anh cũng chỉ cầm cuốc cầm cày...
      ý tưởng này vận vào cuộc đời anh, cả anh và anh họ tôi cùng bị giấc mơ sâu trong tâm khảm, sự bất lực của nỗi buồn do những phán quyết của những người lớn làm thiêu rụi ý chí của một nhân sinh...
     Thế hệ cha ông chúng ta đã vô tình dùa đẩy chúng ta vào con đường hụt hẩng của một kiếp đời mà ai nào hay biết...và bây giờ trong thời đại của chúng ta, anh và bạn tôi đã là những người cha tốt, trách nhiệm và mẫu mực cho những đứa bé thơ, vật quí mà thượng đế gởi trao tay cho người làm cha làm mẹ.
      Hàng ngày hai anh em tôi lăn lộn trên vườn cây nhà ngoại, những trái chín, trái xanh trên mấy cây ổi, cây khế, cây xoài, cậy keo, cây trứng cá...chúng tôi thăm hỏi chúng tận tình và có khi cạn kiệt, những quả chín mất dằn, quả xanh chợt ươm roi là biến dạng, sau buổi học hai đứa bé lầm lũi ngoài vườn, kiếm tìm , lục lọi, bụng đói, bụng no, ngày dài, ngày ngắn gì cũng chỉ có vậy.
      Cuộc sống không quà bánh nơi thôn dã, không bóng dáng mẹ cha....hai đứa bé đã sẻ chia nhau bao trái xanh , trái đắng....
     Trời chiều nơi thôn quê, yên ắng và sụt sùi, những giọt ngắn, giọt dài, những tiếng nấc kéo dài trong giấc ngủ...hai anh em chúng tôi ôm nhau nằm co trên nền gạch hoa trước dãy bàn thờ , vào mùa đông giá, hai đứa bé giành nhau chiếc mền rách bươm tội nghiệp, cái tuổi lên bốn lên năm, chúng tôi đã sống xa mẹ xa cha, thời gian dài của tuổi thơ tôi, tuổi thơ anh nhấn chìm trong sự chờ mong, thơ thẩn bên bờ rào góc ngõ, đêm ngủ không bàn tay mẹ kéo cho chiếc mền đạp tung chăn chiếu... đôi chân vẫn lạnh căm.
     Những chiếc áo anh em tôi mặc hàng ngày không người khâu vá, máng một góc rào, bung nút, sút vai...bàn tay chúng tôi bé xíu, bé xiu, chỉ đủ bắt con chuồn kim cắn rốn, làm sao chúng tôi có thể tự lo liệu cho thân mình...khi áo rách nút rơi.
     Hình ảnh hai đứa bé , ngóng chờ người thân bên bực tam cấp, đứa con gái tóc tai rối nùi đầy trứng chí bên cạnh đứa con trai hai má đầy mũi xanh khô cứng hai vai áo, nút áo hở hang khoe thịt khoe da, những hột nút tình tang trước bụng không đủ che chắn hai chiếc bụng ỏng gân xanh nổi cộm..thiếu trước hụt sau.
    .Những lần Mẹ tôi về thăm, thường tắm gội cho anh em tôi, giặt giũ cho chúng tôi những manh áo bốc mùi  vì mưa nắng và nước mắt, nước mũi mỗi ngày...sáng hôm sau người lại dậy thật sớm ra đi kiếm tìm lặn lội...cuộc mưu sinh không cho cha mẹ chúng tôi cận kề khâu vá cho chúng tôi những vết rách hở toang
     - Ngày mai ba má  tao dzìa đưa tao đi ăn giỗ nhà Ngoại tao ở Hàng rang...
     _ Anh đi nhớ đem bánh ít dzìa cho tui nhen.
 sáng hôm ấy chúng tôi được dì tôi cho ăn sáng kỹ càng hơn mọi bữa, cứ mỗi lần có cậu Mợ hay mẹ tôi về đem thức ăn hay cơm gạo thì cử chỉ dì tôi đon đả, nâng niu hai đứa bé hơn, chia cho mỗi đứa một cái bánh tráng mì và đĩa nước cá kho, chiếc mâm đồng trên mặt đất giữa nhà , hai anh em tôi vừa ăn vừa hít hà vì hơi cay của ớt hiểm,  tiếng hít mũi sồn sột, tiếng thở dập dồn vì mũi thấm hơi cay.
     Chưa ngoài năm tuổi anh em tôi đã nếm vị cay của ớt mỗi ngày cho môi đỏ mắt cay , cho ảo giác rằng mình cũng nếm phủ phê vị cay của thức ăn có đủ...chúng tôi thèm ăn tất cả mọi thứ gì có trên cõi đời này, nhưng  món quà hậu hĩ nhất cũng chỉ là mấy viên kẹo bột mấy tán đường đen...anh em tôi thường ăn rất nhín, ăn từng chút một cho chất ngọt thấm vào từng chân răng, sảng khoái và phủ phê.
      Hai anh em tôi chân sáo trên lối mòn dưới chân cầu  Cụt, chiếc cầu con cụt ngủn dẫn xuống mấy đám ruộng, chân thấp bước cao...líu quíu, vội vàng trong niềm vui rạn vỡ, chân đá chân xiêu  khi thấy chiếc xe buýt đỏ đang dừng trước nhà Ngoại, cậu mợ tôi, anh lớn và hai người em gái của hai anh...lần đầu tiên tôi nhìn thấy chiếc áo đầm thêu hoa xanh đỏ...quần áo tinh tươm của người thành phố, chân ai cũng có mang giày, mang guốc rặt ròi...nhìn lại hai anh em tôi, áo dơ, tóc bết, lỗ tai đầy cáu bẩn, vai áo khô cứng mũi vàng , mũi xanh..
       .Dì tôi đi tìm cho anh chiếc áo, dưới chân giường đầy bụi phủ thời gian, chiếc áo trắng cũ chỉ còn chỏng chơ một hột nút sắp rơi ra , còn tất cả đã lùi vào quá khứ...mọi người tìm mấy chiếc kim băng gài tạm cho ruột khỏi phơi da...Tôi và anh cùng ghi vào tăm khảm bé thơ hình ảnh anh và chếc áo với hột nút chỏng chơ...
     
       Ngày tháng vẫn trôi nhanh, ngày Mẹ tôi kiếm được chỗ làm ở một vùng đất mới, ngày tôi rời nhà ngoại, chắc là anh tôi buồn biết mấy, căn nhà và hai người đàn bà không chút tình cho đứa bé thơ, anh tôi đứng đó trông theo ...anh leo lên ngọn trứng cá nhìn theo...không biết giọt nước nào rơi vội.hơn năm tuổi đầu mà anh đã nhận nỗi bơ vơ...
        Những trái xanh trái chín  nay anh sẽ chia cho ai trong những ngày chỉ còn mình anh nơi chốn ấy...nếu tôi là người ở lại chắc là tôi sẽ lăn ra đường vật vã khóc than...nhưng tuyệt nhiên tôi không thấy anh nhỏ giọt nước mắt nào...dù lúc ấy anh vẫn còn bé lắm'...nhưng những ngày dài một mình nơi chốn ấy, một mình anh ngủ dưới dãy bàn thờ...manh chiếu rách chỉ còn mình anh nhào lộn giữa cơn mê ...  chập chùng .tiếng ngừng xe Buýt đỏ...
       Những dấu ấn hằn sâu của tuổi ấu thơ...theo anh suốt những tháng ngày tiếp nối...sau này anh được về thành phố, nhũng vết hằn của tuổi ấu thơ luôn bịn rịn trong anh...một đôi lần anh gặng hỏi mẹ cha...Tại sao và tại sao ...hỡi những bậc làm cha làm mẹ....Không một đứa trẻ nào trong cuộc đời này muốn rời cha rời mẹ, không đứa bé thơ nào muốn vào trong một gia đình thiếu bóng mẹ, dáng cha...
       Hỡi những nhân sinh đã tạo ra con trẻ, một đứa, hai đứa hay năm mười đứa, đã sinh ra chúng là vật quí của trần gian...trách nhiệm, Chở che, bảo bọc, vuông tròn, những cánh tay bé nhỏ của đứa bé thơ chỉ thả diều, bắt dế, kết hoa, hái quả sau vườn...tuổi thơ chúng nếu ươm tròn tình yêu thương của bậc làm cha mẹ, săn sóc bảo ban, miếng ngọt, miếng bùi...tương lai chúng là ánh sáng ban mai...là trách nhiệm của bậc làm cha mẹ...
      Giờ đây, mỗi lần nhìn các con tôi mua sắm, chăm lo cho con của chúng với ngập tràn quần áo, những đồ chơi và những đồ chơi....những vật dụng cho cuộc đời con trẻ, nhũng phủ phê bao áo đỏ, áo xanh...tôi chợt thương mình và bỗng rất thương anh.Tuổi thơ chúng tôi chưa bao giờ có được món đồ chơi mua từ cửa tiệm, tấm áo che thân...vạt ngắn, vạt dài....
       ..Tấm áo của ngày anh mừng vui đi bên cha mẹ...hột nút nào rơi xuống đời anh để giúp anh vững vàng khi dựng xây sự nghiệp và sau này anh là người mặc đẹp. diện sang...Anh vững vàng trong tình yêu trai gái...những bước chân anh giẫm đạp bóng quá khứ tủi buồn nơi quê Nội thật xa....

      Anh           hãy.          quên            đi        hột          nút      ngày          nào ....
    
       Đã           cột           ràng    ....Tuổi           thơ          anh            bỏ           lại....
  
                  
     ( Viết tặng anh tôi )
                             Atlanta oct.16th10
           
                                                      Nguyên Hạ-lê nguyễn

 

4 nhận xét:

Nặc danh nói...

Bài viết rất sinh động! rất thực với hoàn cảnh thiếu thốn của ngày xưa...Đa số trẻ thơ làng quê ngày xưa là như thế luôn thiếu thốn mọi bề....nghĩ mà thương vô cùng!bạn nhắc lại từng kỷ niệm của 2 anh em nào là: cả ngày leo treo trên cây kiếm trái nào là tiếng hít mũi sồn sột ,tiếng hít hà vì cay,tiếng thở dồn dập vì mũi thấm ớt cay....như 1 bức tranh tuổi thơ thất sinh động...rất hay!

NGUYENPHUCL

Nặc danh nói...

cám ơn loan đã vào đọc, người anh họ trong câu chuyện mình thường kể của những ngày tuổi nhỏ,hai anh em lớn lên bên nhau. và trong cuộc đời vẫn chia nhau những đớn khổ của cuộc đời, kể lại cho các con nghe và đọc cho vui .
NHLN.

Nặc danh nói...

Không ngờ bài viết này đã làm cho anh tôi xúc động mấy lần khi vào đọc...những thiếu sót của cha mẹ với con cái khi chúng còn bé đã hằn sâu trong tâm khảm chúng cho đến suốt đời. Tôi trang trọng những bậc cha mẹ biết quan tâm và có trách nhiệm đối với con cái...Hôm qua tôi gặp một người bạn đã ly dị nhưng anh vẫn lo lắng chu đáo và trách nhiệm với đứa con gái bé bỏng xinh đẹp của anh...nhìn hình ảnh này tui chợt thấy mủi lòng và trang trọng anh hơn, anh là tấm gương mẫu mực mà tôi nhìn thấy ở người đàn ông.
NHLN.

Nặc danh nói...

Đọc bài của NHLN.bao giờ tôi cũng giọt ngắn, giọt dài...bạn có biết lâu nay bạn đã lấy đi bao nhiêu giọt nước mắt của tôi rồi không???bây giờ tôi trở thành "ông già khóc dai"...còn bạn thì lúc nào cũng vui vẻ...Phải chăng vì đọc bài của bạn...sự lãng mạn của bạn đã vận vào cuộc sống của tôi lúc nào mà tôi không hay biết...
Bến xưa