Thứ Ba, 26 tháng 4, 2011

TẤM ÁO CHO MẸ

        Những buổi sáng Chủ Nhật ở đây luôn là thói quen trong tôi, được một mình ngồi sau tay lái chạy vòng theo những lối đi quen thuộc và cuối cùng tôi cũng ghé vào Viện người già của thành phố, ở đó có tám người Việt Nam tuổi ngoài bảy  mươi, sống âm thầm ở đó...

        Và trong mỗi con người ấy đều nặng mang một tâm sự u buồn và thật tội nghiệp mà tôi đã tìm hiểu qua chuyện kể và những câu chuyện của họ chính là sự khắc khoải trong tôi và luôn là sự đến và đi của tôi khi xong công việc của mình. Tuần nào không đến đó lòng tôi chợt nặng chĩu những buồn lo   nhưng khi mỗi lần đến và trở về lòng lại chua chát ưu phiền .

       Những con người của họ chính là tương lai mà tôi soi thấy được cho tương lai của mình....Những bước chân chậm rãi như muốn kéo dài thời gian, những tiếng nói chậm rãi , những mắt nhìn hiền từ, những bàn tay khô ráp, lạnh căm khi tình cờ nắm lấy bàn tay ai đó...bấu chặt như không muốn rời xa, ở họ tôi nhận ra rằng: Sự bất hạnh của cuộc đời chính là không tìm cho mình một bàn tay ấm để nương tựa nhau lúc tuổi già, một tấm chân tình có được ở chốn nhân gian và những cậy nhau lúc chiều tà, nào ai biết được cuộc đời sẽ đẩy đưa con người đến một nơi chốn mà ngày trước chưa bao giờ ta tưởng là sẽ đến.

      Thói quen đã trở thành bất biến trong tôi khi đối diện một người nào khi gặp gỡ, nắm chặt bàn tay ai đó, nhận biết và suy gẫm cảm xúc khi nắm chặt bàn tay họ: Có những bàn tay thật ấm áp, mềm mại và những ngón tay mềm mại ấm nồng như muốn sẻ chia cái ấm áp từ trái tim  hồng thắm cho tha nhân. Có những bàn tay khô khốc cứng chắc và vô cùng lạnh lẽo cho dù đang trong buổi trưa nắng chứa chan. Và cũng có những bàn tay vô cảm khi đưa ra cho người đối diện thật hững hờ và rút vội khi chạm vào người đối diện....Và có những bàn tay như muốn nắm chặt vào bất cứ ai cũng muốn không rời...Đó là bàn tay của những người già đơn độc lạc lõng bị bỏ quên giữa chốn nhân gian.

      Sau mỗi lần vào thăm họ tôi đều nhận từ họ những nụ cười rất vội, thoáng vui mừng rồi tan biến thật nhanh...Những cái bắt tay hờ hững , cũng có cái bắt tay như muốn níu giữ thật lâu không rời....Những bàn tay mang một nỗi niềm riêng.
 
      Bàn tay mà luôn muốn níu giữ không rời khi mỗi lần đối diện và viếng thăm của tôi chính là của một bà già tuổi ngoài bảy  mươi, bàn tay của bà Năm, một bà già Việt Nam mà tình cờ tôi quen biết .Một người Mẹ đâi diện cho những người Mẹ Việt Nam lạc lõng, người Mẹ đại diện cho sự khốn cùng của một kiếp nhân sinh.
      Một buổi sáng chủ nhật cách đây cũng rất lâu, một người bạn rủ tôi đi thăm một người bà con đang ở trong một viện người già trong khu vực tôi đang ở....Lần đầu tiên tôi biết thế nào là nơi chốn dung thân của những người già cơ nhỡ tại xứ sở văn minh nhất hành tinh mà muôn người mơ ước đặt chân đến..

      Năm dãy nhà trệt cũ kỹ,  chìm khuất sau mấy hàng cây xanh , hàng ngày tôi vẫn đi qua, thỉnh thoảng tôi vẫn thấy thấp thoang vài bóng người ủ rũ bên ghế đá, nhưng tôi cứ nghĩ đó chỉ là những Housing của các căn hộ gia đình nghèo, chứ không biết đó là nơi nuôi dưỡng những người già thuộc dạng " dân nghèo ".Họ gồm đủ sắc dân, đủ màu da, Trắng , đen, vàng , nâu. Họ dùng chung một ngôn ngữ là tiếng Anh và chỉ một số rất ít cụ già người Việt là không biết phải dùng thứ ngôn ngữ ấy nên chỉ ra dấu và bập bẹ hai chữ "YES...NO"
    
     Tôi đã từng nhìn thấy những viện dưỡng lão xây rất bề thế và vững chắc, những dãy nhà đỏ màu gạch mới , kiên cố với những ghế đá thẳng hàng và những luống hoa đủ màu. Ở đó dành cho những người có tiêu chuẩn cao qua nhiều năm đóng góp hay phải trả thêm tiền.
     Ở đây, chỉ là mấy dãy nhà thấp tè cũ kỹ.,những chiếc giường bé nhỏ tồi tàn, gồm một phòng chứa 4 người như những bệnh viện xuống cấp...Dãy nhà ăn và phòng tiếp khách riêng ở một dãy phía ngoài, vách tường sơn màu vàng cũ kỹ và ố bẩn cùng những mùi hơi khai nồng vì có những cụ già không tự mình điều khiển sự bài tiết ra ngoài theo ý muốn còn vương vãi qua các phòng.
    
       Sau này tôi mới hiểu rõ về tiêu chuẩn của các "Viện dưỡng lão" ở đây, cũng phải có những tiêu chuẩn rặt ròi và những phục vụ theo giá cả nhất định và không phải ai cũng vào được những nơi sang trọng ấy, không phải ai già cũng vào được những nơi được phục vụ tốt và ngồi trên những ghế đá đẹp đẽ kia và ai cũng có thể hàng ngày được ngắm nhìn những bông hoa tươi thắm được cắt tỉa chăm bón mỗi ngày...

      Tất cả đều có cái giá của nó...Những người Mỹ ở trên xứ sở của họ, công việc làm của họ năm sáu chục năm đóng góp, những đồng tiền trừ Thuế và những tiêu chuẩn của họ cả cuộc đời họ đã tích trữ ở đó ,
khi tuổi già họ đủ tiêu chuẩn để vào những chỗ của họ và họ cũng đã chuẩn bị kỹ càng cho tương lai lúc về già họ sẽ vào ở đó..vì thế ở những nơi tồi tàn xuống cấp vẫn còn hiện hữu trên khắp thế giới giữa cái "nghèo":và chữ "khó " luôn đi đôi với nhau.

      .Họ vui vẻ bên nhau trong những phục vụ nhất định phải có của họ, những quyền lợi mà họ đã chuẩn bị trước cho tuổi già, họ hồn nhiên và tìm đến nhau bình an và cũng có chút cam chịu nhưng rất bình thường bên nhau trong thế giới của họ.Thế giới của những mái đầu bạc có chuẩn bị kỹ càng, nhưng niềm vui nỗi buồn trong cuộc đời cũng chính là sự may mắn hay bất hạnh của mỗi cuộc đời.

      Chỉ tội nghiệp cho những người Việt Nam khi đến xứ sở này...mọi phong tục tập quán chưa quen, nhưng những đứa con của họ...Những người trẻ cũng làm việc, cũng hấp thụ những nền văn minh tiến bộ theo mọi người, tư tưởng tuy cũng còn đôi chút Á Đông nhưng cuộc sống mỗi ngày và hoàn cảnh đã đưa họ đến chỗ chẳng đặng đừng phải giải quyết như vậy với các bậc làm cha mẹ.Vì thế có những cụ già sang đây rồi phải quay về mảnh đất quê hương của mình khi ở đó không còn con cái, nhưng bên những người cùng màu da, cùng tiếng nói, ăn món ăn Việt thân thương vẫn còn chút ấm nồng của tuổi già.

     Tôi quen biết bà Năm trong một lần đến thăm một người bà con của bạn tôi. Khi bàn tay tôi nắm bàn tay bà, bàn tay bà khô cứng như đá tản, những ngón tay khô khốc cứ nắm lấy tay tôi và không muốn buông ra.Nhìn trên má luôn có những giọt nước long lanh và ánh mắt khổ đau như van nài một mắt nhìn của người đối diện.

     Tôi vô cùng xúc động và ngồi xuống bên bà, những âm thanh thì thào vì hàm răng bà chỉ còn mấy cái, hơi thở gấp rút vì nỗi mừng vui có người ngồi nghe kể chuyện của riêng mình, cặp mắt bà hõm sâu và luôn có những giọt nước...không biết đó là những giọt lệ hay là những giọt nước mắt sống luôn chảy trên má bà dưới đôi mắt hõm sâu.lần đầu gặp bà về tôi bị ám ảnh vì đôi mắt sầu đau tội nghiệp ấy và bỗng nghe lòng rưng rưng mỗi sáng mỗi chiều khi đi về qua lối có dãy nhà ngang trong đó có tám người Việt đang u sầu mỏi mắt chờ mong....
  
     Rồi cứ thế mỗi lần tôi ghé thăm, mua giúp bà vài vật dụng cần thiết hay đem biếu bà  vài món ăn mua ở chợ Việt nam, nhưng chưa lần nào tôi gặp đứa con trai yêu quí của bà....
      Những người già khác thì thỉnh thoảng có con cháu vào thăm hay đưa về nhà chơi vào các ngày lễ, Chỉ riêng bà thì không bao giờ có cái hạnh phúc ấy dù chỉ một lần từ khi bà vào đây, cũng hơn sáu bảy năm.
  
    Lần nào vào thăm bà tôi cũng được bà lôi từ chiếc gối trên chiếc giường sắt nhỏ của bà một gói ny lon gói kỹ một bộ quần áo còn mới như chưa hề mặc qua lần nào và tấm danh thiếp ghi số phone và chức vụ của con trai bà , niềm hảnh diện và hạnh phúc của bà ở đó, trong gói đồ mà bà thường nâng niu và khoe với mọi người còn có tấm ảnh của vợ chồng bà và một cậu bé lên ba chụp chung nhau trong một hiệu ảnh ở Việt nam của một ngày thật xa, nền ảnh trắng đen đã ố vàng và mất góc tuy đã được bọc kỹ càng với nhiều lớp giấy hoa như một báu vật của riêng bà.

     Được biết qua lời bà kể lại, vợ chồng bà ngày xưa sống ở một làng chài Việt nam, mỗi ngày chồng bà đi đánh cá "Giã cào", tôi cũng không rõ đánh cá giã cào là sao nhưng nghe bà kể :sau mỗi lần đi về bà đem ra chợ nhỏ ven biển bán cho những người nghèo và họ mua về cho heo ăn hay lựa một ít kho ăn, thì tôi đoán chắc chỉ là những ghe nhỏ ven biển.của những người dân nghèo của các làng chài miền Trung.
    Đời sống cũng bình yên nhưng cũng thiếu thốn, hai vợ chồng có được một cậu con trai, năm ấy Nam vừa ngoài 30 tuổi và cũng đã có vợ, Vợ Nam làm thợ may, còn nam thì làm thợ đóng thuyền, những chiếc thuyền nhỏ hình thúng cho những người dân biển.

    Một đêm Nam về thúc hối cha mẹ đi theo ghe lớn ra khơi vì Nam móc nối được một chuyến vượt biên không tốn kém.. Vì quá nghèo và chỉ có một đứa con trai duy nhất nên vợ chồng bà cũng liều  phải theo con,.cả gia đình theo nhóm người lênh đênh trên biển Đông với bao hãi hùng và đoạn cuối là chồng bà chết trong trại tị nạn và vợ Nam cũng bỏ xác trên đảo vì một lần sinh nở.

      Hai mẹ con bà định cư trên một thành phố xa lạ  thuộc hướng bắc Mỹ lạnh giá, được trợ cấp, thời gian đầu,  Nam cũng theo học một ngành nghề và vào làm việc cho chính phủ mà người Mỹ đỡ đầu đã hướng dẫn cho Nam, còn bà Năm vì già yếu và  không biết tiếng nói nên chỉ giúp việc cho một gia đình người Hoa và bà luôn đau yếu nên chỉ mấy năm sau là bà xin được trợ cấp của chính phủ và khi Nam lấy vợ Mỹ thì đưa Mẹ vào một viện dưỡng lão thuộc một thành phố tương đối ấm áp và với tiêu chuẩn ít ỏi họ cũng nhận cho bà vào đây.một thành phố xa lạ với nhiều người da đen thuộc thành phố Atlanta tiểu bang Georgia.

     Những năm đầu thì người con cũng vào thăm Mẹ mỗi năm một lần, trước khi đưa mẹ vào chốn này , Nam đã mua cho Mẹ một bộ quần áo từ một cửa hiệu của Mỹ, món quà cuối cùng cho Mẹ và tấm danh thiếp nửa tên Mỹ nửa Việt Nam.nguồn gốc bộ quần áo mà bà gìn giữ như một báu vật, bộ quần áo đầu tiên mà con mua cho mẹ lúc chia tay.

    Hàng ngày bà lão cứ mỏi mắt ngóng chờ con và bà đã cắn răng chịu đựng những ngày tháng âm thầm bên những người xa lạ, vì viện dưỡng lão này cho những người nghèo nên cũng tồi tàn và phục vụ kém với những bữa ăn xa lạ, những món ăn mà mỗi lần bưng chiếc khay lên là nước mắt bà chan hòa, những món ăn mà ngày xưa chưa bao giờ bà nghĩ là trong cuộc đời bà sẽ phải ăn qua, bà thèm thuồng những con cá nhỏ nhoi kho mặn, những vắt cơm trắng chấm muối mè, những lọn rau lang , rau muống   mướt  xanh..những bữa cơm rau dưa bên bếp nhà của làng chài bên sông nước.

.  Những lần tôi đem vào cho bà một vài thứ khi rỗi việc ghé thăm, nhìn bà nhai móm mém và cặp mắt luôn hướng ra cửa như ngóng chờ, như mong đợi.những giọt nước vẫn chảy âm thầm trên má hóp, tay run.,..
   Những giọt nước mắt bà âm thầm xúc vương vãi và những xót thương trong tôi tràn ngập lúc ra về.

     Rồi  lại bao ngày ...  bà vẫn âm thầm ngóng đợi  bóng dáng của người con, cặp mắt vẫn âm thầm chảy dài những giọt nước mắt thảm sầu, bàn tay vẫn khô cứng không muốn buông khi mỗi lần có người cầm tới, đôi tay run rẩy vẫn ôm chắc bộ quần áo của đứa con xa...Ôi tấm lòng và sự khắc khoải của những con người còn lạc lõng giữa cõi đời này trong cảnh bi thương mà tôi từng nhìn thấy trên đất nước Thiên đàng này.
   
     Cứ mỗi lần nghĩ về bà và bộ quần áo mà bà mãi nâng niu qua bao tháng năm, lòng tôi lại chùng xuống và nghĩ rằng có một ngày bộ quần áo sẽ theo bà về  nơi chốn bình yên và bóng đứa con xa biết có còn về kịp để mua thêm cho bà tấm áo nào khi tiễn Mẹ,  hay chỉ một bộ quần áo khi tiễn Mẹ vào nhà an dưỡng chính là tấm áo cuối cùng mà họ đã có với nhau.tấm áo của tình thương cho Mẹ hay cũng chỉ là một thủ tục phải có của bậc làm con, thật oái oăm và cũng thật thảm cho những người  già trong chỗ ngồi  không phải của họ. Chỗ ngồi của họ là bờ rạ, chốn quê xưa và tấm lòng của những đứa con hiếu thảo mang đậm chất Việt Nam với những bữa ăn dưa muối và manh áo rách vai chằng đụp nhưng ấm tình .
   
                   Ôi Tấm Áo cho Mẹ và tấm lòng của những đứa con xa ...


    Atlanta April 26th 11

             Nguyên Hạ_Lê Nguyễn



     


     

Không có nhận xét nào: