Thứ Hai, 5 tháng 12, 2011

NHỮNG NGÀY THÁNG CŨ


           Những ngày tháng nổi trôi trên đất Sài Gòn của những ngày tháng tư đen, những mong chờ tuyệt vọng, với bào thai gần ngày sinh và nách bên mình đứa con gái lên ba...cuộc sống như từng phút giây bế tắc, mọi người xáo xác tìm chỗ dung thân, chạy đi hay ở lại...những câu hỏi và lời giải đáp không theo ý mọi người, đáp số còn tùy thuộc vào sự rủi may, ngày tháng vẫn tiếp nối...

           Đã qua rồi những ngày lửa đạn, chuyến xe đò miền Trung đưa mấy mẹ con tôi trở về ngôi nhà cũ trong lo sợ hoang mang...hụt hẩng và cạn kiệt.

            Ngôi trường Sư Phạm rợp bóng cờ xanh đỏ, những ngày sau năm 75 là những ngày mà những lá cờ tung bay khắp phố thị, khắp hang cùng ngõ hẻm, những màu đỏ của 'sự chiến thắng tung bay, những búa liềm hung hản như đe dọa...mọi người xáo xác trong cuộc sống đổi thay, ai cũng muốn "bần cùng hóa con người mình " để thích hợp với trào lưu của xã hội mới, tôi cùng đ1m bạn bè xáo xác như đàn gà con mất mẹ...Chúng tôi chưa tự đào bới kiếm được thức ăn cho mình và những người thân, những đứa con thơ đang chờ mẹ mớm cho những miếng mồi dưỡng nuôi cơ thể.

           Sau nhiều ngày chạy vạy và luồn lách, ghi tên, ngóng chờ và thấp thỏm...Làm thế nào để có một công việc làm , vì với tôi bấy giờ trách nhiệm trên hai vai thật nặng nề...một mình phải cưu mang hai con thơ, một đứa lên ba và một bé mới sinh vừa tròn một tháng tuổi...và còn phải bới xách cho chồng đang ngóng chờ trong tuyệt vọng.

         Hai mươi bốn tuổi đời,  với một người con gái cũng không là quá trẻ, nhưng với một người đàn bà có hai con là cả một trọng trách khá nặng nề, trong khi hàng tháng lại phải chạy lo "thăm nuôi" chồng tôi đang bị giam giữ tại trại 3 thuộc Củng Sơn, Vĩnh Thạnh, một vùng núi dọc theo sông Côn, rừng sâu nước độc.Một bài toán khó, một g1nh nặng oằn vai...nếu không nhờ gia đình tôi, mẹ cha tôi giang tay gánh vát...Có lẽ tôi không thể vượt qua truông đời khổ nạn này.

        Lần cuối cùng nhìn thấy anh thân tàn ma dại, bệnh tật, bủng beo giữa hàng vệ binh loắt choắt, tự nhiên bao giận hờn, ân oán, thù ghét nhau của những ngày tháng cũ tiêu tan ...tôi nhủ lòng sẽ đem hết sức mình ra lo lắng , thăm nom anh trong suốt những ngày tháng anh bị đắm chìm trong khổ nạn.

       Chiều hôm rời trại giam anh , trở về thành phố Quy Nhơn, tôi đã quyết tâm làm tất cả để lo cho con và bới xách cho chồng...Sáng hôm sau tôi đã sinh ra đứa con gái thứ hai trong sự đau đớn tậncùng của xác thân...Ngoài đường phố vẳng lại tiếng  hoan hô của đoàn người "Biểu dương lực lượng" trong ngày 19 tháng năm, ngày sinh của  bác Hồ, và đứa con gái bé thương tội nghiệp của tôi, sinh ra trong cảnh tận cùng khổ nạn của mẹ cha lại vinh dự sinh cùng ngày  sinh với lãnh tụ Hồ Chí Minh. người mà tất cả mọi người đang xưng tụng không tiếc lời...Những ngày tháng đắm chìm trong nỗi lo và niềm đau không kể xiết....


       Tôi đã trở lại ngôi trường xưa để " tu nghiệp ", hay nói đúng hơn là học cấp tốc cách giảng dạy của 'xã hội mới..".Xã hội chủ nghĩa"...mong ước có một việc làm nuôi sống mẹ con tôi, cho tôi hoàn thành ước nguyện đời tôi :"hoàn thành giấc mơ làm cô giáo".

       Những bạn bè quanh tôi vào chung một lớp, cũng chỉ là những khuôn mặt thân quen cũng đã từng gặp gỡ nhau trên đường đi mà hàng ngày khi còn đi học tôi vẫn từng quen biết, sau vài năm từ giã mái trường bước chân vào trường đại học, các bạn bè tôi vào Saigon, lên Đà lạt, vào Sư Phạm....Bây giờ cùng trở lại quê nhà, tụ hội về đây,  họ cũng là những khuôn mặt quen biết cũ, quanh quẩn ở các trường Cường Đễ, Nữ Trung học, Nhân Thảo, Bồ Đề, Kỷ Thuật, Lasan và bạn bè Trinh Vương của tôi ngày cũ.

     Địa điểm chúng tôi ngồi với nhau ba tháng lại là một góc của trường Trinh Vương, nơi mà ngày xưa tôi đã ngồi ở đây hơn sáu năm trường, từ lớp sáu đến lớp 11, hàng ngày chúng tôi được học chính trị để nâng cao trình độ hiểu biết về Đảng về Bác...đồng thời cũng học cách giảng dạy mới của một "giáo viên nhân dân", những lời giảng dạy của các cán bộ từ rừng sâu trở về, dạy bảo chúng tôi nhiễng điều nên làm để giữ lấy cuộc yên thân, như những lời sấm truyền mà chúng tôi phải ghi nhớ và truyền lại cho đám học trò nhếch nhác thiếu, ăn thiếu mặc, những đứa bé ấy là đám học trò của tôi sau này khi tôi lên bục giảng.

      Trong các tiết thao giảng của bạn bè qua cách mới của ty giáo dục là phải đi đúng các bước lên lớp theo trình tự đã dọn sẵn trong giáo án...một từ ngữ mà khi còn trong trường Sư phạm tôi chưa nghe...nhưng các bạn bè cùng lớp với tôi cũng tiếp thu rất nhanh, thậm chí có nhiều người khi nói ra toàn những tiếng đảo ngược lại với  những  ngôn từ mà từ trướcđến giờ sống trong chế độ miền Nam tự do , chúng tôi chưa hề nghe qua...

      Khẩn trương, tiếp thu, hoành tráng, tạm ứng... vân ...vân và v..v... Những từ ngữ không lạ lẫm gì trong ngôn từ nhưng luôn bị lập đi lập lại nhiều lần nên nghe hơi khó nghe vì chưa quen...lâu dần chúng tôi cũng nghe xuôi tai và thậm chí các bạn tôi trong cái lớp học cấp tốc ngày ấy dùng xuôi rót như đã từng dùng qua nhiều lần, chứng tỏ con người ta cũng rất dễ hội nhập với cái mới dễ dàng lắm.

       Những giờ nghỉ giải lao, tôi thường ra ngoài cửa lớp, phóng tầm nhìn về quang cảnh của ngôi trường cũ thân thương của tôi mà gần hôn bốn năm tôi không còn đến đó, chỉ qua bốn mùa Phượng nở mà đã biến đứa con gái ngây thơ ngày hai buổi cắp sách đến trường, nay đã làm mẹ của hai con người ta, chỉ mới hơn bốn năm tứ ngày tôi  rời xa mái trường Trinh vương ...

       Lớp tôi vẫn thường ngồi là trên lầu một, gần cổng chính đi vào, hàng ngày ngồi trong lớp học, chúng tôi có thể thả tầm mắt ra cổng trường, có thể nhìn xe chạy hay một bóng người nào đi ngang qua, có thể nhìn thấy những người buôn bán quà vặt trước cổng chuẩn bị hàng quán tiến gần đến cổng , chờ bán cho đám họcsinh sau khi hồi chuông đổ, nhìn thấy họ lố nhố bên kia cánh cổng sắt , là chúng tôi biết là sắp tới giờ ra chơi, hay giờ tan học.

        Dãy nhà hai bên cổng đi vào mà tôi đang ngồi học bấy giờ, ngày trước là chỗ của các lớp tiểu học, dãy nhà đối diện là khuôn viên của ký túc xá, còn khoảng giữa hai hàng thông , từ cổng chính đi vào là khuôn viên chúng tôi đứng xếp hàng chào cờ mỗi sáng thứ hai và hạ cờ vào chiều ngày thứ bảy.

        Hai hàng ghế đá dọc theo hai hàng thông nhỏ là chỗ mà giờ ra chơi các bạn tôi hay chia thành từng nhóm, ngồi tán gẩu trong giờ ra chơi hay trước lúc vào lớp học...

       Ở đó chúng tôi quan sát các thầy cô giáo vào ra trước giờ lên lớp...Con gái là tổ hợp của sự kháo chuyện...thầy giáo nào là giáo sư dạy giờ, thầy cô nào tốt nghiệp Đại học, thầy nào thích cô kia, vợ thầy nào, cô nào con nhà thế lực không bằng cấp mà cũng được vào dạy, cô nào ăn diện, cô nào đơn giản, thầy nào thích đứa  học trò nào trong khi đã có vợ con v. v...và v.v...

       Trong cái thế giới nhỏ bé và tưởng như chúng tôi ngây thơ khờ khạo , nhưng thực ra , những thiếu nữ nhu mì ấy cũng chuyên chở cả những câu chuyện thổi phồng và chuyền miệng nhau trong tích tắc...

       Đặc biệt trong mỗi niên khóa , nhà trường cũng thường tổ chức những cuộc thăm viếng các đơn vị quân đội và đồng minh đóng xung quanh tỉnh lỵ, những dịp ấy, thường các soeurs cũng hay lựa chọn những khuôn mặt sáng sủa, những học sinh con nhà giàu có trong thành phố, con của các chủ hiệu buôn hay con cái các người có địa vị trong xã hôi, những phụ huynh hay đến thăm viếng, quà cáp cho nhà trường, vì rằng chỉ những nhân vật ấy, con cái họ mới có đủ quần áo đẹp làm mát mặt cho hiệu đoàn, riêng những học sinh nghèo như chúng tôi thì không bao giờ được hưởng cái vinh dự ấy...

       Đó cũng chỉ là chuyện thường tình ở tất cả mọi nơi chứ cũng không hẳn gì ở trường tôi  mới có hiện trạng này.ngày ấy chúng tôi hay bấm nhau "bình luận" về những hiện trạng này cũng thường xảy ra trong học đường mà lại do một số "đàn bà" điều hành, cho dù họ là những nhà tu hành...nhưng cũng không tránh được những thường tình thiên hạ ấy, sau này ra ngoài xã hội, mắt nhìn nhan nhản những điếu đóm, gởi gắm của mọi người cho nhau...tôi cũng không cho những việc ngày xưa là trọng nữa.

          Tôi còn nhớ như in những ngày nhà trường tổ chức mừng lễ bổn mạng của trường , cứ vào ngày 8 tháng 12 là nhà trường tổ chức hội chợ triễn lãm, đây cũng là dịp cho những cô gái đẹp đẽ mỹ miều của trường, đã được đặt để sẵn, những cô gái hàng ngày xinh xắn trong tà áo dài trắng và không  phấn son khi đến lớp thì ngày ấy được trưng diện như những nàng tiên, áo màu khoe sắc, phấn son lượt là đứng trong các gian hàng trò chơi như một hội chợ thực thụ của những người chuyên nghiệp, đây quả là công trạng lớn nhất của thầy Vũ Linh châu. là cánh tay phải của trường, thầy đã biết lợi dụng các học sinh xinh đẹp của trường ra kiếm tiền đem lợi nhuận về cho trường...Công trạng thầy quá lớn cho trường tôi, và cũng ghi một dấu ấn trong mỗi người dân Qui Nhơn, nhất là cánh mày râu, năm nào cũng vào nơi này để ngắm nhìn những bông hoa đẹp, tuy không có cuộc thi tuyển hoa hậu trong trường , nhưng qua giáo sư hướng dẫn thì bộ mặt tiêu biểu của trường là những bông hoa được tuyển chọn cho mọi người vào ra chiêm ngắm.

         Thậm chí có những năm thầy còn bày ra trò chơi bán vé vào "Động tiên" , vào đó là cả một thiên đường,  mọi người chỉ cần bỏ ra chút tiền là  biết cảnh tiên bồng  ra sao???những đứa học sinh ngây thơ được lựa chọn để cho mọi người bỏ tiền ra vào ngắm cho thỏa mắt, đó cũng là một cách quảng cáo cho học sinh Trinh Vương.

        Thầy rất sáng kiến và có bộ óc thật tinh vi khi biết tạo nên khung cảnh ở cõi tiên, những làn khói mỏng, những tiếng nhạc du dương và một bầy tiên nhí, môi son má phấn, giữa là một tiên cô xinh đẹp trong khúc hát nghê thường, không ai vào nơi "Đông Tiên"của trường Trinh Vương mà không chép miệng ngợi khen sáng kiến của thầy tôi.Nhưng cũng có nhiều đấng nam nhi đã buông ra những lời "kém đẹp" mà nếu phân tích rõ ràng thì cũng thật đau lòng cho đám học trò ngây thơ vô tội .

         Nơi tôi đang đứng để nhớ về những kỷ niệm của ngày xưa cũ chính là nơi ngày xưa nhà trường đã lấy sáng kiến của thầy , biến những đứa bé ngây thơ và những cô học trò xinh đẹp của trường tôi thành những lợi nhuận không nhỏ cho trường...Mặc dù trường tôi là trường tư, tất cả mọi học sinh đến trường đều có đóng học phí trước ngày 5 tây mỗi  tháng...

        , Và giờ đây trường tôi sau biến cố 75, chỉ còn dày đặt những đôi dép râu giẫm đạp lên bao công khó của các soeurs giòng Mến Thánh Giá và trong đó cũng có nhiều đóng góp của thầy Châu, nay đã trở thành tro bụi, còn chăng là trong tâm tư những đứa học trò như tôi và các bạn tôi hay ngồi trên ghế đá sân trường lạm bàn chuyện bể dâu....những dây phơi quần áo, nhem nhuốc , giăng mắc trên các cửa lớp của chúng tôi che khuất mấy cụm hoa giấy tím hồng đang lặng thầm bên những bờ tường cũ.

      Không biết vì nguyên nhân nào mà sau những ngày tháng tư đen, các ngôi trường khác được trở lại làm trường học mà trường tôi mãi sau này ...rất lâu mới biến thành trường Sư Phạm, hay một nơi đào tạo gì đó, mỗi lần trở về thăm quê nhà đi qua ngôi trường cũ...không bao giờ tôi khỏi xót xa, tiếc nhớ những ngày quá vãng.

         Hoàn tất ba tháng miệt mài bên những trang giáo án lạ lẫm, chỉ cần nhai kỹ và thuộc bài là có thể lên bục giảng một cách ngon lành, và đừng nói thêm lời nào trong ký ức là chúng tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của người "giáo viên nhân dân".công việc giảng dạy cũng không gì làm khó, vì thế ngày xưa trường tôi cũng hay thu vào những nhân vật có những bằng cấp tối thiểu cũng mang danh là "giáo sư', giảng dạy chúng tôi tứ A Đến Z...sự giảng dạy cũng giống trò ảo thuật, khéo miệng, khéo tay cũng bằng xong, chả là chúng tôi cũng chỉ học có ba tháng mà sau khi về trường chúng tôi cũng giảng cho học sinh những bài đạo đức, lạ lẫm mà vẫn  ngon ơ , các học sinh vẫn im lặng lắng nghe đó sao.

         Chúng tôi được phân công về các trường trong tỉnh lị, tôi vì có hai con nhỏ nên được phân về trường Đống Đa trong thị xã, miệt khu 6 , học trò tôi là những đứa bé con nhà nghèo, con dân lao động, 10% là con các cán bộ miền Bắc chuyển về...chiêm nghiệm những nỗi buồn trong tâm tưởng về những mơ ước có một ngày được như các bạn "con nhà giàu, các tiểu thơ ngày trước"..

          Ngày ấy những đứa học trò nghèo, xấu xí , mãi mơ ước .được các bậc thầy cô để ý đến thân phận chúng, thật là xa xỉ đối với những đứa trẻ kém cỏi như tôi và các bạn thân của tôi ngày ấy...có đứa bạn tôi chỉ ao ước được một lần cầm chiếc vòng hoa choàng lên vai các anh chiến sĩ....việc mà các cô học sinh nổi trội trong trường  từng làm, mà bạn tôi cho là một ước mơ...không biết bây giờ đứa bạn nghèo thân thương của tôi đã trôi giạt tận nơi đâu???

         Rút lấy những ước mơ của những đứa trẻ nhà nghèo bị quên lãng, khi đứng trên bục giảng: Tôi đã không làm giống các thầy cô giáo ngày xưa của tôi, chỉ chú trọng đến những học sinh con nhà giàu, các tiểu thư nổi trội...

        Tôi đã làm ngược lại với đám học trò nhếch nhác của tôi , những ngày mà cả cô trò cùng đói meo khi đến lớp...cô trò tôi chia nhau dĩa bánh bèo như chia nhau cao lương mỹ vị, cái củ sắn bổ đôi, ngon ngọt có nhau, thương lắm những đứa bé đói nghèo cơ cực đã có lần gọi tôi là "cô giáo".

        Bây giờ sau hơn ba thập kỷ đã đi qua, khi trở lại quê nhà, gặp lại những trò xưa tôi không thấy hổ thẹn mà chỉ thấy chan chứa những mến thương của tình nghĩa thầy trò "Sư sinh nghĩa trọng", thật đúng nghĩa và tôi luôn ngửng cao đầu nhìn các em mà không mảy may hổ thẹn, ôi những trò cũ thân thương của tôi ngày ấy.


        Hồi tưởng lại những kỷ niệm đã qua dưới mái trường mà tôi và các bạn bè tôi đã chia nhau từng mẫu bánh mì trét bơ vàng ,bơ cam của bà soeur già nơi can tin , những ly chè đậu đen , đậu xanh, đậu đỏ, những dĩa bánh bèo nuốt vội...và những bước chân cuống quít khi có kẻ theo sau khi những lần tan học, tất cả những kỷ niệm hồng đã cất giữ vào ngăn kéo của cuộc đời  tôi.

        Kỷ niệm nào cũng đẹp, gợi nhớ cũng thân thương, giờ đây...thời gian và tuổi tác không cho phép chúng ta "sân si" những chuyện cũ khó quên...Tất cả cũng chỉ còn là kỷ niệm, những ngày tháng cũ xa mờ chỉ còn là hoài niệm.... gặp lại nhau, tất cả vẫn thân thương và tay bắt mặt mừng...

         Hãy dành cho nhau những lời cầu khi mỗi  lần nhớ về nhau.

         Nhân ngày Bổn mạng của trường Trinh Vương, hãy gởi tặng nhau những kinh cầu cho bè bạn và cho những người thân yêu đã chung nhau dưới mái Trinh Vương.

        Hãy gặp nhau trong lời cầu nguyện như ngày xưa chúng ta vẫn thường làm trong nhà nguyện của trường Trinh Vương ngày cũ.

       Hãy nhớ về nhau trong lời nguyện đầu mỗi ngày trước khi vào tiết học:

    " Lạy chúa, xin cho chúng con biết chăm chỉ học hành, rèn luyện tư cách, trau dồi đức hạnh...
      Để chúng con có đủ khả năng giúp ích cho bản thân, gia đình và tổ quốc ."
                 AMEN


      Atlanta  Dec. 6th 11

           Nguyên hạ-Lê Nguyễn

    

Không có nhận xét nào: