Thứ Ba, 14 tháng 3, 2017


Bến sông xưa

        Người lái đò và con thuyền nhỏ trên bến sông vẫn là hình ảnh thật buồn, khắc

. ghi một nỗi khắc khoải trong lòng lữ khách sang sông một nỗi nhớ
bãng lãng.
       Những ngày thật xa vẫn còn khắc ghi trong tôi những mãng  nhớ mờ nhạt ….
       Tuổi thơ  tôi với những buổi chiều về, khi khói lam chiều bãng lãng từ những mái nhà ,
chị em tôi  vẫn thường ngồi trên bậc tam cấp trước nhà ngọai khi hoàng
hôn xuống, lòng xốn xang ngóng đợi bóng mẹ hiền .
 
       Mẹ tôi đó người đàn bà chân quê cần cù nhẫn nại, dầu dãi sớm
chiều, bương ba chợ trên ruộng dưới, lặn lội thân cò nuôi đàn con dại,
      Cứ mỗi chiều ngồi chờ bóng mẹ là lòng chúng tôi lại buồn thê thiết khi chưa
thấy dáng người….bóng mẹ hiện ra từ đầu ngõ, vỡ òa một niềm vui trong mấy chị em tôi.

         Mỗi buổi chiều về chuyến đò ngang trễ tràng với lòng chờ mong
khắc khoải , điệp khúc ấy vẫn lập đi lập lại trong suốt tuổi thơ tôi.

         Cuộc đời mẹ tôi gắn liền với chuyến đò
ngang cho kịp buổi chợ, sớm tối đi về thân dầu dãi nắng mưa.

      Những lần đi về trên vai quang gánh, chuyến đò ngang cuối cùng
vẫn giống như mọi ngày  đưa đón mẹ tôi không bỏ sót buổi chợ nào.
     Chiếc đò ngang bé nhỏ đi kèm với nỗi mong chờ mỏi mắt suốt tuổi
thơ tôi và đi sâu vào tiềm thức từ những ngày còn thơ bé.
  
      Niềm vui thật bé mọn của tôi ngày đó là được nhìn thấy mẹ và chút quà bánh mang
về dẫu chỉ là mấy viên kẹo bột, vài thứ hoa quả rẻ tiền hay những món
hàng còn sót lại mang về vì một ngày bán buôn ế ẩm.

       Hàng ngày sau buổi học tôi vẫn thường tập xếp những chiếc
thuyền con bằng giấy học trò, những ngày đầu  chưa xếp được những
chiếc thuyền có cánh buồm ở giữa, chỉ đơn thuần là chiếc thuyền nhỏ
như chiếc thuyền chở chuyến đò ngang của ông Bảy chèo đò , mỗi ngày
đưa mẹ tôi sang sông họp chợ, tôi cứ xếp hoài mà không thấy chán vì
hình dung ra trên chiếc thuyền ấy có bóng dáng của mẹ tôi.

      Con đò đã đưa niềm vui đến với tôi mỗi ngày khi chờ mẹ về chợ,
cho đến trò chơi thả thuyền giấy vào thau nước của những buổi trưa hè,
hay theo dòng nước mưa thả những chiếc thuyền theo con nước ngâp.
     Con thuyền bé và hình ảnh thân thương tội nghiệp của mẹ đã đi vào
tiềm thức của  đứa trẻ nhà quê thiếu vắng những ôm ấp nuông chiều
bên mẹ bên cha.
     Ngày ấy chúng tôi nào có được những món đồ chơi như lũ trẻ ngày
nay, chiếc thuyền giấy gấp tay , cánh diều tự mình làm thả bay trong
buổi chiều lộng gió. niềm vui đến thật gần và bỗng thật xa…
*
     Chiến tranh đã mấp mé đến dần bên bờ ruộng , ao sâu vào những
đêm trăng mờ…những lo toan ngút cháy.
      Những gia đình lìa xa làng
mạc, chạy đổ về thành phố để kiếm sống và mưu cầu sự an toàn, làng mạc
cũ và những chuyến đò ngang không còn nữa.

      Ông Bảy chèo đò ngày nào đưa mẹ tôi qua sông đã ra đi sau một
cơn bạo bệnh, chiếc đò cũ mục nằm úp trên bờ sông vắng đã nhiều ngày
tháng không người kế nghiệp, những bãi cát trắng tinh bồi dần theo năm
tháng, bến sông xưa bên bồi lấn chìm bên lở.

       Những người dân làng tôi sang sông chỉ băng ngang tránh vũng
nước ướt chân, có lẽ chẳng còn ai nhớ đến ông lão chèo đò ngày
nào…
       Hình như cũng chỉ mình tôi, đứa bé thơ đùa vui trên cát, ngóng trông
mẹ về trong quãng vắng bến cát xưa.

       Hình ảnh người lái đò vẫn in mãi trong tôi  về một con người trằm
mặc, ngẩng nhìn thế gian mỗi ngày ghi vào tâm thức mỗi ngày…

        Rồi đến  một ngày kia ,,,Mẹ tôi dắt díu chúng tôi  lặng lẽ lìa xa bến sông,
theo làn sóng người nông thôn vào thành thị kiếm sống, chúng tôi giã từ làng mạc,
 mở ra trang sách mới ...

*



        Người lái đò và những chiếc thuyền giấy của tuổi ấu thơ đã hằn
sâu vào cuộc đời tôi, những trò chơi mà tôi yêu thích, không tốn kém
nhưng vẫn cho tôi những niềm vui ngày ấy, với những chiếc thuyền giấy
bé nhỏ mỏng manh, thả trên vũng nước đọng của một trận mưa rào ngày
ấy, niềm vui vỡ òa theo năm tháng.lung linh có bóng mẹ chao nghiêng.

       Những ngày lớn hơn, khi đã lìa xa bờ nương cũ, bãi cát xưa của
ngôi làng quê mà tôi đã trải dài những năm tháng tuổi thơ lặng thầm ở
đó…
         Bấy giờ …tôi cũng  thường ngồi trên bãi biển, thả tầm mắt
giong theo những cánh buồm xa, những chiếc tàu lập lòe ánh đèn xanh đỏ
từ xa, những con thuyền giong ra biển lớn, chuyên chở bao cuộc đời vào
chốn phong ba hay đến chốn bình yên…
     Tất cả chỉ còn trong nỗi nhớ, mộng về chốn thôn quê có bãi cát
trắng cho tôi trải dài những năm tháng tuổi thơ thầm lặng và giờ đây
là những bãi cát dài và những ánh đèn lập lỏe xanh đỏ cùng nhũng ngọn
gió từ xa thổi về ve vuốt bàn tay tôi, thổi đùa làn tóc bay theo cơn
gió chướng, thổi tung những ước mơ của tuổi mới lớn muốn bay cao, bay
mãi giữa bầu trời…

     Cho đến một ngày nào bến cát xưa đã đưa tiễn đứa bé nhà quê bay
ra khơi vượt qua biển lớn, cũng bằng những chiếc thuyền bé con ngày
xưa được gấp khi mới tập xếp lần đầu. ...chiếc thuyền nan chở bao niềm
kỳ vọng đưa mộng ước bay xa...những chiếc thuyền đưa những người dân
quê tôi ra biển lớn, rồi cũng có chiếc bị lấp vùi giữa biển lớn, có chiếc mang
nỗi niềm vui cho từng gia đình ở lại.

*
      Bây giờ ngồi cầm những tờ giấy tập xếp lại những chiếc thuyền bé
xinh như của ngày xưa, tay mân mê vuốt cho từng nếp gắp hằn sâu thẳng
nếp, muốn tìm thả vào chậu nước cho chúng trôi lững lờ mà mộng tưởng
chuyện ngày xưa…năm tháng đã xa mờ, thời gian có chờ đợi ai đâu mà
lòng mơ hoài niềm nhớ nhung khắc khoải.

      Tôi muốn tìm về lại bến sông xưa, ông lái đò đã không bao giờ
còn trên bến vắng, những khách sang sông trong đó có mẹ tôi, giờ cũng
đã không còn.
    Những đứa bé thơ ngày nào trên bến sông ngóng mẹ, giờ đã bương
bả tận trời xa, cảnh vật bây giờ sao bỗng thật xa, chỉ còn lại trong
tôi những nhớ nhung hoài niệm,

Bến sông xưa trong tôi còn giữ lại

Chiếc thuyền con trên bãi cát thật xa

Bờ cát trắng sông xưa còn đâu nữa

Thuyền úp trên sông con nước xuôi giòng

Ông lái cũ đã không còn thấy nữa

Người chẳng còn trở lại bến sông xưa

Đứa trẻ ngày xưa nô đùa bãi cát

Bạc mái đầu…lơ lửng giấc chiêm bao
++
Bỗng có một ngày…  ai …quay trở lại

Bến sông xưa….hoang vắng  biết ai chờ

        Tháng Ba 2017

     Nguyên Hạ-Lê Nguyễn

Không có nhận xét nào: