Thứ Ba, 25 tháng 5, 2010

ĂN THỊT CHÓ

- Bữa nay mấy đứa nhở dzìa đông quá, Bảy đâu, con bắt con gà mái, đem vô xóm trong đổi con Cầy dzìa làm một bữa cho tụi nhỏ ăn chơi.
- dzà, má chuẩn bị nước và đồ gia vị sẵn ở nhà nhen
Lũ trẻ chúng tôi nhao nhao như một ngày hội làng, món thịt chó ở tỉnh thành là món nhậu cho các bậc mày râu, nhưng ngày ấy ở quê tôi là một món ăn khoái khẩu cho mọi người, nhất là cho đám trẻ thiếu thốn thịt thà , chả gỏi...thường xuyên của chúng tôi là cả một niềm vui và nhất là được chứng kiến cái hoạt cảnh săn lùng chó và tiếp theo là hành quyết chó...( Câu chuyện dưới đây tôi chỉ kể lại cho các bạn nghe chơi, nó đã xảy ra lâu lắm rồi, thời gian của mấy chục năm về trước, và xảy ra tại Việt Nam, ở tận quê tôi..)
Cậu Bảy tôi đi trước, tay cầm cái bao bố mỏng và sợi dây thừng cũ, tôi lẽo đẽo theo sau, tay ôm con gà mái , chân được buộc bằng sợi dây chuối khô...vài đứa nhỏ khác chạy theo chơi.
Chúng tôi đi sâu vào xóm trong, băng qua đường rây xe lửa...đi đến đâu cũng nghe tiếng chó sủa râm ran, những tiếng sủa từng cơn, kéo dài và đứt khúc vì chúng vừa sủa vừa lùi vào bụi cây, góc sân, cà giựt, như tiếng hậm hực, tức tối và ghét bỏ...những âm thanh này càng lúc càng to dần và rầm rộ...
Chó là giống vật tinh khôn và rất có nghĩa có tình, biết có người sắp vào mua bán đồng loại , anh em, tộc họ nhà chúng, nên bảo nhau chạy trốn, hay tấn công lại đám người này..
.Đi qua mấy nếp nhà sâu bên trong các bờ rào bằng duối, cắt tỉa thẳng nếp, sạch trơn, sân đất dẽ cứng , bờ giậu quanh co...những ngôi nhà mái lá ba gian, đống rơm, bụi chuối, vun cao sạch sẽ...những ngôi nhà ở đây gần giống nhau, sạch sẽ tinh tươm, trước nhà có bờ rào che chắn...Mỗi lần đi qua mỗi căn hộ, cậu tôi hỏi vọng vào :
- Có chó đổi gà không bác ơi...
Đáp trả là tiếng chó sủa vang rền, làm át đi câu trả lời của chủ nhà...đi quanh co một chặp chưa đổi được món hàng, chân mỏi mắt hoa vì sức nặng của chị gà mái...tôi ngồi bệch xuống gần mé ruộng nghỉ chân.
Một đứa bé trai cỡ tuổi tôi, từ xa chạy lại báo tin là nhà anh trai nó cuối lũy tre, có chó muốn đổi gà...Tôi bật dậy như cái lò xo, được bung ra khỏi chỗ...
Ngôi nhà tranh , tường đất, nằm ké bên một ngôi nhà vững chãi hơn, chung vườn, nhưng cách xây thô sơ và tạm bợ...chứng tỏ chủ nhân là đôi vợ chồng mới ra riêng, mọi vật dụng trong nhà còn ít ỏi và trống trơn.
Tiếng chó sủa nhỏ dần và yếu hơn lúc chúng tôi mới đến, chủ nhà muốn đổi một con chó vện lấy con gà để ngày mai hai vợ chồng về nhà vợ ăn giỗ mà chưa có gì đem về cúng kiếng, nhà lại nuôi ba con chó, cũng không có gì cho chúng ăn no đủ nên phải hóa kiếp cho chúng...
Sau một hồi, chờ đợi và hồi hộp vì không biết là chủ nhà và cậu tôi làm cách nào mà con chó vện bạc phước đã nằm gọn trong bao cậu tôi, trao con gà cho chủ nhà, tay chân nhẹ nhỏm, tôi ra sau xin gáo nước, trong tiếng thét gào của hai sinh vật còn lại, chúng giật lùi ra góc vườn, sủa từng cơn thống thiết, ai oán và hận tủi....
Trên đường về, bọn chó trong các xóm nhà lại tiễn đưa chúng tôi bằng những trận sủa dữ dội và phẩn nộ, nhưng cũng không dám tới gần chúng tôi, có lẽ vì ngửi thấy mùi của sợi thòng lọng mà tôi đang cầm trên tay, mềm mại nhưng vô cùng nguy hiểm và độc địa...
Cậu Chín tôi ở nhà đã chuẩn bị xong phần gia vị và đang gom một mớ rơm khô, một nồi nước lớn đang có sẵn trên bếp giữa sân...Tất cả chúng tôi tiến về phía bờ sông Tân An, trên con đường đi hành quyết chú chó vện trong bao, nó đang rít lên mấy tiếng kêu nho nhỏ, rền rĩ và đứt quãng...có lẽ vì biết phần số nó đến đây là cạn kiệt, không còn phương chạy thoát, kinh nghiệm những lần trước vì miệng bao không cột chặt, con vật tung khỏi hiện trường chạy mất tiêu...
Lần này chắt như bắp, cậu tôi dùng sợi dây dù thít lại kín bưng...Chúng tôi ngồi nghỉ chân trên bãi cát, công việc tiếp theo của sát thủ, cậu Chín tôi xử tiếp....Những tiếng rên ư ử , nhỏ dần và tan biến, sau mấy cơn quẫy đạp trong vô vọng, sinh vật trong bao, im dần và thoát kiếp...làm thân chó ở một nhà nghèo quê tôi, cũng không có gì sung sướng, chủ nhân nó còn không đủ cơm ăn, còi cọc và xanh xao , làm sao nó có được bữa no lòng, chúng phải tự cải thiện cho cuộc sống còn bằng những kiếm tìm vật thãi của con người, hay những gì có thể kiếm được, cũng chua lắm, con người còn chưa đủ no lòng, huống chi là vật nuôi...
Ở quê tôi ngày ấy cứ một cặp vợ chồng mới cưới, sau khi ra riêng, dựng nhà bên một góc vườn hay miếng đất bờ cao, cha mẹ chia cho, cái chõng tre, mớ nồi niêu , chén bát và mái gà, con chó con đi kèm, là cả một gia tài bé mọn ...con gà mái đẻ trứng gây bầy đàn, tương lai thành con gà đẻ trứng vàng...con chó con mai mốt thành vật giữ nhà và giải quyết vấn đề vệ sinh cho con trẻ...
Lôi từ bao ra, con vật còn thở thoi thóp, cái miệng há ra, trơ hai hàm răng nhọn, có lẽ nó muốn nhào ra cắn xé mấy con ngưới ỷ đông hiếp yếu, nhưng sức tàn, hơi thở chỉ còn thoi thóp vì bị trấn nước hồi lâu, cái bụng ong óc, lúc nó còn ở nhà nó tôi nhác thấy còn xép ve, không chứa gì bên trong mấy mà giờ căng phồng,
Cậu tôi dùng con dao Phay đã mài bén ngót, đâm vào cổ con vật đang thoi thóp, cặp mắt nó trợn ngược, ai oán ....Tôi không dám nhìn thẳng, nhưng tính tò mò thôi thúc, những giọt máu đỏ tinh khôi, hòa vào tô nước đã được pha chế theo liều lượng cho món tiết canh...máu hòa với nước cho thấy một màu đỏ tươi, sóng sánh và tươi tắn, chút nữa đây món nhậu của mấy ông , mát trời ông Địa với một bát máu cùng công chế biến, làm nên một yến tiệc với mấy lít Bầu đá là thấy cả trăng sao...
Sau khi đã cắt lấy những giọt máu cuối cùng cho vào cái bát riêng để làm món giồi chó, hai cậu tôi, xối nước cạo lông, con vật trắng trẻo, trơn tru, mịn màng như thiếu nữ đang xuân, đến công đoạn Thui cho vàng ruộm lớp da ngoài bằng cách xông khói và nướng trên lớp rơm khô...một công trình mỹ mãn....
Con vật trở nên vàng óng, mượt mà và bốc mùi thơm của thịt da cháy sém, hình ảnh này thấy đã bắt đầu hấp dẫn., đã có vài người ứa nước miếng vì bụng đã cồn cào.
Chúng ta thường thấy bày bán ở chợ Ông Tạ, những con chó vàng ruộm, miệng há to, đuôi ngắn dài, cong vút, máng trên những cái móc sắt xuyên suốt và lủng lẳng, phơi giữa chợ, trên lối đông người, Chợ Ông tạ, nơi tập trung những cửa hàng Thịt chó, người ta đến mua bán như những món ăn bình thường, dân dả,và thân quen.
Nhưng đàng sau là công trình nấu nướng bài bản và tinh xảo, với món này mà không biết chế biến đúng cách , không đầy đủ gia vị là kể như mất đi cái hương vị đặc trưng của nó : Củ sả, củ riềng, tỏi , hành, mẻ, lá mơ và mắm tôm...vài gia vị khác, chế biến thành nhiều món lắm, nhưng phải thật tinh xảo và đúng điệu.
Qua bàn tay chế biến khéo léo của các cậu tôi, những món mà tôi ưa thích nhất là món sườn nướng, những miếng sườn mỏng dính với gia vị thấm đẫm và nướng vàng ruộm trên bếp lửa hồng, với món giồi nhỏ xíu chèn bên trong là đậu phộng rang vàng với tiết và gia vị là lá Thủ Địt, hay còn gọi là lá mơ, những chiếc lá leo kín rào với lớp nhung óng ả, những chiếc lá bình thường bên rào giậu, nay đã lên ngôi ở những bữa nhậu, bên món ăn khoái khẩu mà chúng tôi có được ngày ấy...Chúng tôi được một bữa phủ phê, hai má bóng loáng vì mỡ màng và no đủ...
Sau này khi đã có chồng, mỗi lần tôi mang thai, mẹ tôi vẫn cố tìm cho được một vài món thịt Cầy mà ngày xưa tôi ưa thích, ép tôi ăn trước lúc sanh nở , người cho rằng : Cho đứa nhỏ được thông minh lanh lợi như con Chó, đồng thời đem cho tôi một con chó con vài tháng tuổi, cho tôi làm vật nuôi cho có bạn trong nhà và giúp tôi thu vén vệ sinh cho con trẻ...Sau này kể lại chuyện này cho con tôi, chúng đồng thanh kêu lên mấy tiếng : Eo oi, khiếp quá...
Những cái mà bây giờ kể lại nghe chết khiếp mà đó chính là một triết lý mà tôi chiêm nghiệm cả đời về cách nghĩ mộc mạc của những con người chơn chất quê tôi, đại biểu là Mẹ tôi..
Họ chỉ mong cháu con thông minh chơn chất, có tình có nghĩa như con cầy...và nếu ai cũng có được bản chất này thì xã hội sẽ ra sao nhỉ ???
Những năm sau này, tôi rời xa quê nhà, không còn được thưởng thức những món ăn khoái khẩu ngày xưa, những yến tiệc của một thời tuổi nhỏ...
Thỉnh thoảng tôi về nhà, Anh họ tôi là anh Tuấn, hay rủ cả mấy anh em đi nhậu Thịt Cầy ở cái quán trong một hốc hẻm trong Khu 6, bây giờ chúng tôi, không còn thích ăn món này như xưa, nhưng vì để nhắc lại cho nhau những kỷ niệm của những ngày xưa bé...
Cái quán thật tạm bợ, trong căn nhà nhìn thấy cà trăng sao, chủ quán là một cặp vợ chồng người Bắc, vào nam sinh sống và dùng cách chế biến từ miền Bắc, chính là cái Nôi của món Cầy Tơ, lá mơ và mắm tôm...là những từ họ đưa vào, thực chất quê tôi là đơn giản chỉ là Thịt Chó và Lá Thủ Địt dính liền...
Chế biến ngon lành và điệu nghệ, ông chủ ngồi xắc thịt bên cạnh thưc khách, có khi đang xếp thịt vào đĩa, lại dùng tay gãi tứ tung, mọi ngõ ngách thấm đẫm mùi riềng mẻ, thậm chí hỉ mũi cho đứa bé lên ba chạy vào xin bố miếng dồi đang xắt cho thực khách, hình ảnh làm ấm lòng thực khách phương xa...
Tôi xin ra sau để làm chút việc riêng tư, tiếng tru nho nhỏ, tiếng ậm ừ rên rỉ, tiếng cắn xé nhạt nhòa, tò mò tôi nhìn vào chiếc lồng bằng sắt đang có bốn năm sinh mạng đang chực chờ hóa kiếp...mắt tôi nhìn thấy một con vật, nửa chó nửa sư tử...Bộ lông chèm nhẹp, chỗ mất chỗ còn, bên dưới lớp da đỏ sần mưng mủ, hai cái tai không còn chút lông mà sưng tấy và thấm đẫm máu và nước,..mủ xanh sưng tấy...
Nếu con vật này được nhìn thấy từ xa, chúng ta ai cũng giật mình, hoảng sợ...nó đang nằm đây, chờ dâng hiến xác thân cho những thực khách đang hoan hỉ bên ly bia , chén rượu...những tiếng dzô..dzô, những miếng mồi thơm tho trơn tuột qua từng cổ họng, trong đó có tôi...đang cuộn trào theo dòng chảy cuộc đời.
Tôi nghe vị đắng trào ra từ cổ họng, ruột trên dạ dưới chuyển động ba đào...nước mắt, nước mũi trào ra, mồ hôi tuông ra như tắm...tôi bị trúng gió nặng mất rồi và kêu xe xích lô chạy về nhà trốn mất tiêu...
Mấy ngày sau miệng vẫn còn đắng nghét....Giã từ món ăn khoái khẩu của những ngày tuổi nhỏ, cho đến tận bây giờ, mỗi lần nhớ về cái kỷ niệm của chuyến về thăm quê và cặp mắt nhắm nghiền của con vật trong chiếc lồng sắt., tôi cảm nhận như có cả giọt nước long lanh chảy xuống lớp da sưng tấy.
.Bụng dạ tôi lại cuồn cuộn những mật xanh , mật vàng...khi mỗi lần nghĩ đến.
.Nhưng dù sao cũng thán phục cho bàn tay Phù thủy của vợ chồng người chủ quán, bây giờ cái quán tạm bợ ngày nào đã trở thành một quán nhậu mấy tầng lầu cao, không biết mấy con chó ốm bây giờ vẫn nằm trong lồng sắt hay theo chủ mà được nằm chốn lồng son...

9 nhận xét:

Nặc danh nói...

Chuyện kể quá hay !quá thực, quá sinh động với nếp sống miền quê của thời ấy!
như đổi con chó để lấy con gà về nhà vợ ăn giỗ...
Gia tài 1 cặp vợ chồng quá khiêm tốn vẫn luôn có con chó vì là vật nuôi trông chừng nhà vừa là giúp thu vén vệ sinh cho con trẻ.
Với cách nghĩ mộc mạc của những con nguời dân quê chơn chất,chỉ mong con cháu thông minh, sống có nghĩa có tình như con cầy.....NGUYENPHUCL

Nặc danh nói...

Đọc mà thấy ghê rợn, thêm cái bà bình luận gia bồi thêmL "chó là vật thu vén vệ sinh cho con trẻ ,,,,
Tui chạy té khói khỏi cái xứ VN luôn
Ghê qúa là ghê !!!
Tui

Nặc danh nói...
Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.
Nặc danh nói...

Theo tôi bài viết này lột tả hết mọi cái chơn chất của người dân BD.hay và sâu sắc vô cùng...Có lẽ bạn sinh trưởng trong giai cấp 5 sao nên thấy ghê rợn mà thôi, hay bạn cố tình quên đi cái cội nguồn của mình...nếu bạn o thích thì mu con chuột đi tìm đọc mấy bài sang trọng cho đúng với danh vị của mình...Ngày xưa nhà tôi cũng nuôi chó cho giữ nhà và làm vệ sinh cho vợ tui bớt khổ...Nh. viết hay lắm.

Nặc danh nói...

Cau chuyen chi viet rat tu nhien, dung nhung gi da xay ra o vung que ngheo kho. Nhieu nguoi thich thit cho. Em khong dam an thit cho. Nhung ong cu nha chi da moi em va co Nhan (em ruot anh Nghe) an mot lan, khi do khong biet la thit cho nen cu an ngon lanh. An roi moi nghe noi la thi cho.
Goc nhin cua chi ve nhung sinh hoat dan da that hay.
Chi vui, khoe nhe.
Van Thang.

Unknown nói...
Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.
Nặc danh nói...

song' tren tran gian ,an mieng' thit cho'...Chet' xuong' am phu biet' co' hay khong....Man ro,moi ro, tan` ac' moi' co' the giet cho' la` con vat rat trung thanh` voi' nguoi` chu de an,nen chi an mot mieng' thit cho' la` phai day` xuong' am phu ,

Nặc danh nói...

Ở một đất nước nghèo khó thì cái gì không ăn được...bạn viết rất hay, một cây bút nữ mà dám viết như bạn là đáng nể lắm rồi...bài nào của bạn tôi thấy cũng hay lắm, cám ơn bạn nhé.
Đức Sơn (Florida)

Nguyên Hạ - Lê Nguyễn nói...

Xin cám ơn các bạn đã vào đọc và viết nhận xét, tôi sẽ cố viết kể lại những gì biết được cho các bạn đọc chơi,cám ơn.
Nguyên Hạ-Lê nguyễn