Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2011

NGỘ CHỮ

    Đang ngủ ngon lành với giấc mơ đẹp mà bấy lâu Du thầm ao ước...Trở về thăm lại ngôi nhà xưa....vào một buổi chiều khi hoàng hôn vừa tắt nắng, mấy chị em đi bộ trên con đê nhỏ giọc theo mé sông hít thở không khí trong lành ...Gió thoảng đưa hơi nước mát dìu dịu...Xa xa vi vu tiếng sáo diều...

  _ Dậy, dậy...mau lên nghe anh nói...gấn 5 giờ sáng rồi đó em. Tiếng gọi của chồng lôi Du về thực tế.
  _  Cho em ngủ chút nữa đi, em còn muốn ngủ nữa, em mệt quá..em muốn ngủ
  _  Em phải biết chuyện này: Em có biết VICTOR HUGO trong hoàn cảnh nào đã viết tác phẩm mà  ông ưng ý nhất không ? L!ANNE!E TERRIBLE, khi ông bị lưu đày sang Luxembourg nhiều lần để lẫn tránh những tai họa sẽ chụp xuống đời ông dưới triều đại của Napoleon đệ Tam.
    Em có biết thời bấy giờ xã hội đầy xáo trộn, khó khăn và đầy đe dọa không ? ?? Sao em không nghe anh nói hử? Tiếng gọi và giọng nói đầy hào hứng của Đức vẫn vẳng bên tai Du đều đều vẫn không sao đánh thức nổi vợ trở về thực tại nghe anh thuyết giảng, anh tiếp tục lay vợ.
  _ Em đâu biết mấy ổng là ai, hôm qua ông Peter da trắng cho em mười đồng tiền " Tip" chung với tiền làm móng mà chị chủ chưa đưa lại cho em...
 _ Chán em quá, anh đang nói chuyện sách vở , thơ văn của các tác giả nổi danh , em lại lôi mấy đồng tiền Tip làm móng chân của em ra nói.
   Cằn nhằn vợ xong Đức bỏ mặc vợ với giấc ngủ dở dang , anh khoác áo choàng ra phòng khách, chế cho mình ly cà
phê nóng và bắt đầu chuyển sang đề tài khác, miệng ngâm nga mấy câu thơ của Đỗ Phủ

         Quốc phá sơn hà tại
         Thành Xuân thảo mộc thâm
         Cảm thời hoa tiện lệ
         Hận biệt điểu kinh tâm

Ôi bài thơ Xuân Vọng hàm chứa biết bao là ý thơ , biết tỏ cùng ai hiểu hết cảnh đẹp của tiết Xuân, anh ra đứng tựa cửa sổ, miệng ngâm nga mấy câu thơ được chuyển thành lời Việt:

        Nước tàn, sông núi còn đây
        Thành Xuân cây cỏ mọc đầy khắp nơi
        Cảm thời hoa cũng lệ rơi
        Chim kia cũng sợ hận người lìa tan

Hết ngâm nga thơ Đổ Phủ, đức lại chuyển sang ngâm thơ Tế Hanh, Xuân Diệu, Trần Tế Xương rồi cả thơ của anh sáng tác...

       Tôi thấy tôi thương những chuyến tàu
       Ngàn đời không đủ kéo đi mau
       Có chi vướng víu trong hơi máy
       Mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau
 (Tế Hanh)
      ........
Tâm hồn Đức bay bổng theo gió cuốn mây bay, đôi lúc như thoát tục và anh có thể ngồi ngâm nga, đọc thơ văn một mình một cách sảng khoái và có vẻ tự mãn đặt mình ngang hàng với những nhà thơ nổi danh mà anh đã đọc qua, đôi lúc anh trộn lẫn thơ người và thơ anh rồi hỏi vợ câu thơ nào là của anh:

      Mây trắng ơi là mây trắng bay
      Sao mi lại cứ lên trời bỏ tôi
      Hay là trần thế chán rồi
      Bỏ tôi ở lại ngẩn ngơ chốn này
.....



   Từ ngày Đức từ bỏ nghề làm móng tay với vợ của những ngày mới đến, hai vợ chồng làm ngày làm đêm, có bữa gần 10 giờ đêm mới về đến nhà. Công việc tuy không vất vả như cái nghề thợ may hàng chợ của vợ chống Đức ngày còn ở quê nhà, nhưng cũng bận rộn mỗi ngày hơn 12 tiếng cho nghề nghiệp mới, hai vợ chồng cũng rất chịu khó trong thời gian mới đến.

    Sau gần hơn tám năm trong nghề, sắm nhà, sắm xe và tất cả mọi tiện nghi có được...Hai vợ chồng bàn nhau cho anh đi học để có bằng cấp và đi làm văn phòng cho nở mày nở mặt với người ta vì dù sao trước đây Đức cũng là một thầy giáo dạy Tiểu học ở Việt nam, hai vợ chồng lấy nhau xong thì anh dọn về ở nhà cha mẹ vợ và nhân một chuyến vượt biên của người bà con thiếu người, vợ chồng anh được cho đi thiếu nợ, qua đến nơi mới trả.sau.
    Sự may mắn đến với vợ chồng Đức sau những lần thanh lọc, vợ chồng anh cũng được định cư ở vùng đất giá bặng này, khi những người Việt còn rất ít ỏi, hai vợ chồng được hướng dẫn theo nghề Nail , là một nghề dễ kiếm tiền nhất thời bấy giờ...vì lúc ấy giá cả còn cao nên cũng mau kiếm được nhiều tiền.
  
     Bây giờ Đức đã học xong mấy năm ở một trường dạy nghề và mở một văn phòng nhỏ bán Bảo hiểm và vé máy bay cho người Việt nam, công việc nhẹ nhàng và thu nhập không đáng kể, và Du lại vẫn tiếp tục công việc cũ nên đời sống của hai vợ chồng và hai đứa con cũng tương đối ổn , để Đức đi vào thế giới mới của anh., thế giới của người làm bàn giấy chứ không còn ngồi dũa móng tay cho người...

    Ngày xưa lúc còn đi học ở bậc Trung học Đức đã thích văn thơ và hay mộng tưởng những chuyện xa xôi, nhưng chưa có cơ hội phát triển cái khả năng có được. Từ ngày mở văn phòng cho mình, thời gian đầu không có khách, anh ngồi lướt qua các trang mạng của Việt nam, nghiền ngẫm thơ văn, tìm hiểu những áng văn hay , những bài thơ diễm tình và Đức cũng tập làm thơ...
 
    Dần dà thơ văn ăn dần thấm sâu vào máu thịt, anh như bị nhập tâm, Những khách hàng của anh đến mua Bảo hiểm xe, mua vé máy bay về Việt nam, anh đem tặng những tập thơ anh đã in sẵn của mình ra tặng khách, ai cũng cám ơn và đem về nhà , có khi chẳng ai đọc chữ nào và cũng không biết là anh viết gì trong đó, vì thực tế họ có am hiểu gì về thơ văn đâu mà đọc cùng anh.

    Thỉnh thoảng có vài ông già cũng là khách hàng của Đức, họ cũng biết chút ít về văn thơ, ngồi nhà không biết làm gì cũng tập làm Thơ, nhưng không biết đánh máy, cũng tìm đến nhờ Đức đánh máy lại những bài thơ chép tay và nhờ anh gởi đăng ở vài tờ báo quảng cáo của địa phương, những công việc này anh làm một cách tự nguyện và thích thú đồng thời chủ nhân những bài thơ ấy phải ngồi nghe anh thuyết giảng những gì anh muốn nói : Có khi là một bài thơ hay của một tác giả thật xa...có khi là thơ anh lẫn lộn vào đó.
    Có khi là tin một nhà văn học thế giới đã qua đời, không ai biết là anh nói gì và nhà văn hào ấy ở đâu, nhưng vì nhờ anh mà bài họ được gởi đi, hay dở gì các báo Quảng cáo phát không cho khách hàng họ cũng đăng vào một số nào trong tương lai.

    Dần dà như bệnh nghề nghiệp, suốt ngày anh ngồi ở văn phòng tiếp khách, bình thơ văn với những người nào rỗi việc, anh nói huyên thuyên không ngơi nghỉ, về nhà anh cũng đọc thơ ra rả trong phòng tắm, lúc ăn, nhất là vào buổi sáng bên ly cà phê sáng hay bên bình trà thơm không người đối ẩm...anh cũng bình thơ môt mình.

    Đức thường rủ vợ ra nghe anh nói, khổ nỗi Du bận đi làm ngày hơn 10 tiếng lại lo cơm nước và chăm sóc con cái, chợ búa, khi rảnh Du chỉ muốn đi shopping và ngủ để lấy sức đi ":cày" vào ngày kế tiếp, vì thế Du không mấy hứng thú với những gì chồng nói với mình và muốn vợ cùng nghe, Du chỉ ừ hử cho qua chuyện , vì thực ra nàng nào biết ông nào là ông nào, bài thơ nào của họ, bài nào của chồng.

    Có lần trong một bữa tiệc ngoài trời tại nhà một người bạn, Đức nói huyên thuyên không ngơi nghỉ...hết đề tài này sang đề tài khác, nhóm này ngồi nghe chán bỏ đi. anh lại kiếm người khác vào nghe...
  Có người sợ mất thời gian của ngày cuối tuần họ tìm cách rút êm và không quên gởi vào tai Du mấy câu:

   _ Coi chừng ông chồng chị bị mắc bệnh "Ngộ chữ" ổng nói nhiều quá không cho ai nói câu nào hết
   _ Ngộ chữ là sao ? có chữa được không ? đó chính là câu hỏi mà lâu nay Du cũng hay muốn tìm hiểu vì nhận thấy từ ngày Đức ra mở văn phòng, sử dụng chữ nghĩa bên bàn vi tính.Đức nói nhiều hơn xưa và luôn bắt mọi người nghe anh nói, mà kẻ bị "tra tấn" hai lỗ tai nhiều nhất vẫn là Du.
    
      Đôi lúc Du cũng rất bực mình vì chồng, đi đâu cũng giành nói hết, nói nhiều làm ai cũng trố mắt nhìn và lẳng lặn quay đi cùng cái lắc đầu, hoặc khi ở nhà chỉ có hai người với nhau, Du muốn bàn tính với chồng những công việc cần thiết hay nhờ anh cắt cỏ, đón con, hay sửa sang lại vườn tược, mái nhà...
     Đức cũng chỉ ỡm ờ rồi ra rả đọc những bài thơ anh muốn đọc :

     Trong buồn tháng chạp lặng thinh
     Tôi đang nghe chuyển khắp cùng ...ý Xuân
      Bốn phương nắng ấm lên dần
      Một phương khắc khoải muôn trùng quê xa...

   _ Trời ơi, chồng ơi chồng, hơn một tháng rồi nhà chưa hút bụi, sân cỏ chưa cắt...anh làm ơn làm dùm tui mấy chiuyện đó còn hay hơn mấy bài thơ mấy câu chuyện anh kể, chồng ơi chồng.

   _ Em sao hổng biết gì về vũ trụ và nhân sinh cứ ca cẩm mấy bài tục lụy...Em nghe anh đọc bài thơ của Ông Trần Tế Xương ca ngợi vợ và em nên bắt chước vợ ổng:
  
      Quanh năm buôn bán ở mom sông
      Nuôi được năm con với một chồng...
      Lặn lội thân cò khi quãng vắng
      Eo sèo mặt nước buổi đò đông
      Một duyên hai nợ âu đành phận
      Năm nắng mười mưa dám quản công
( Thương vợ của Trần Tế Xương)

  _ Thôi thôi anh ơi, bà vợ ông Xương xẩu gì bạn anh chắc là làm Business gì trúng mánh nên mới nuôi nổi năm con với ông chồng,  còn em chỉ là cô thợ Nail quèn,  nuôi anh và hai con gần muốn hụt hơi, bì sao lại bã.
  _ Trời ơi, em là vợ nhà thơ mà hổng biết ai hết, Trần Tế xương nào phải bạn anh, còn vợ ổng chỉ bán gạo ở ven sông mà thôi, bã đi chân đất, bán buôn nhỏ, chứ không đi xe hơi mang giày như em, mà chồng bã không đậu bằng cấp nào hết mà bã vẫn vui vẻ, còn anh đậu bằng hai năm mà em còn ca cẩm quá....
'
    Du nghe chồng giải thích thấy cũng có lý và thực ra lâu nay Du cũng thầm hảnh diện vì chồng biết cầu tiến bỏ nghề làm thợ dũa móng,  ráng học hành để mở văn phòng làm việc trí óc như ai, đôi lúc nàng cũng mệt nhưng cũng ráng giúp chồng lo mọi việc cho bằng như bà Trần Tế Xương mà Đức vẫn đem ra làm gương cho vợ.
    Lâu dần Du cũng đọc thuộc bài thơ Thương vợ của Trần Tế Xương và thấy mình còn có phước hơn bã, chỉ khổ cho hai lỗ tai Du, năm tháng vẫn luôn bị 'Tra tấn" triền miên bỡi căn bệnh "Ngộ chữ" của chồng mà chưa tìm ra thầy thuốc nào chữa khỏi.
   Vẳng bên tai Du sáng nay vẫn giọng ngâm nga sang sảng của chồng:
    
     Lặn lội thân cò khi quãng vắng
     Eo sèo mặt nước buổi đò đông
     Một duyên hai nợ âu đành phận
     Năm nắng mười mưa dám quản công...

Du lẩm bẩm một mình:" Bà Trần Tế Xương ơi, tui cũng ráng bắt chước bà chứ biết sao."


Atlanta March 25th 11

   Nguyên Hạ_Lê Nguyễn





Không có nhận xét nào: