Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2011

BAY BỔNG

      Ông Hậu ngồi ngã người vào thành ghế của chiếc ghế gần cửa sổ trong chuyến bay Korea Airline.
       Từ một hàng ghế áp cuối của thân bay, ông đưa mắt nhìn tìm thử có ai quen biết?  sau khi bỏ các túi xách lên ngăn tủ, ông ngã người vào lưng ghế trầm ngâm, ông là một trong những hành khách đáp chuyến bay khởi hành từ một
thành phố thuộc một tiểu bang  Đông Nam Hoa Kỳ bay thẳng về Việt Nam và chỉ ghé lại phi trường Seoul vài tiếng đồng hồ.
       Cuộc hành trình trở về thăm quê hương lần này là lần thứ ba và lại là lần ông được thong dong một mình, cái cảm giác thật là thỏai mái, không còn nghe tiếng "cẳ n nhẳn, cằn nhằn" của bà vợ   ông, mặc dù rất vụng về và không biết một cái gì của nhân gian và xã hôi nhưng lúc nào cũng muốn điều khiển ông và đám con ba đứa trong nhà, ông thở phào sảng khoái.
 
      Đang thả hồn vào giấc mộng phiêu diêu của lần "Áo gấm về làng "...Bỗng một khuôn mặt diễm kiều như pho tượng bạch ngọc...
     Một khuôn mặt thanh tú, nước da sao mà trắng như trứng gà bóc, chiếc mũi thanh thanh,  con mắt đen như hai hột nhãn, chiếc miệng bé xíu xinh quá là xinh đậu trên khuôn mặt trái soan và chiếc cổ cò diệu vợi, ông hé mắt nhìn và di dời xuống chỗ trũng của hàng khuy áo...cái ảo giác hư hư thực thực, ông cứ nhắm mắt giả vờ mệt mỏi để cho cảm giác hư hư thực thực đi vào lòng với trực giác phiêu diêu...

    Mấy lần người đẹp Hàn Quốc nhắc nhở khóa chốt an toàn nhưng ông cũng vẫn chưa làm, chỉ mong cô tiếp viên xinh đẹp tận tay làm để được hít hít cái mùi nước hoa Hàn Quốc thoang thoảng bên cánh mũi ông như những lần trước...Chờ hoài không thấy sự chăm sóc ân cần ấy.

        Ông Hậu hé mắt nhìn, nhưng cái ót trắng ngần và thân hình mảnh dẻ của người đẹp đã biến mất vào dãy phòng trước mặt..
      .Lại thêm mấy cô tiên "mặt hoa da phấn" chao lượn săn sóc tận tình cho đám hành khách trong thân bay trong đó có ông....

      Lần ra đi này ông thật  thoải mái và phấn chấn nhất là lần đi này không có "cái đuôi đi theo cằn nhắn và lại cằn nhằn"...thật là mỹ mãn.
     Chẳng là vợ ông giới thiệu cho cháu gái của bà một người bạn của ông từ một tiểu bang khác, bạn ông chết vợ và cháu gái bà cũng ngoài gần bốn mươi cái Xuận, đã bị ế chồng.Lần này ông về dự đám cưới bạn và là người "mai mối, se duyên"

      Cơ hội tới với Hiền khi hai vợ chồng bà gặp lại Bá một người bạn của Hậu của những ngày xa xưa, Bá chết vợ đã lâu, hai đứa con lại ra riêng , nghe tin sốt dẻo này vợ ông đã mai mối cho cháu gái, tuy biết Bá hơn Hiền cả hai thập kỷ thời gian..
 
      .Nhưng chuyện thường tình ngày nay "các Việt Kiều về quê lấy vợ nhỏ hơn vài ba chục tuổi là thường thôi".

      .Ngày trở về đã định, nhưng tính tới tính lui bà sợ mất mối giữ năm đứa con nít trong nhà và lo tốn kém nhiều, nên cho ông đi đại diện, chỉ tốn vé máy bay và vài ba ngàn dằn túi. Vậy là xong, bà thầm tính rằng : Với số tiền ít ỏi ấy, ông chồng bà cũng không làm nổi chuyện gì ở cái buổi vật giá leo thang chóng mặt ở Viêt Nam, thế là ông được chắp cánh bay bổng, được thả tầm mắt phiêu diêu mà không có sự kiểm soát của vợ nhà. Một dịp may hi hữu cho cuộc đời ông.

      Ông Hậu định tâm và nhắm mắt lơ mơ...Khi nào có mấy cô tiên Hàn xuất hiện ông lại hé mắt nhìn...Ông lẩm bẩm "Chỉ nhìn thôi không ăn uống gì ở họ cũng thấy đáng đồng tiền mua vé máy bay"...Một tháng cày bừa trong Hảng Rau chứ ít sao.

       Chợt nhớ đến công việc hàng ngày của mình, ông Hậu miên man trong vùng tư tưởng trở về cuộc đời mình bỗng chốc...Cái mốc từ sau năm 75.

        Tốt nghiệp trường Bộ Binh Thủ Đức ông ra trường giữa lúc đất nước đang trong cơn "dầu sôi lửa bỏng"
Chiến sự bùng lên khắp đất nước, ông được phân về vùng hai chiến thuật, chiếc quai chảo cũng thay đổi theo thời gian và từng giai đoạn của cuộc đời binh nghiệp, thân trai giữa bao lằn tên mũi đạn, chết hụt bao lần, đạn lớn đạn nhỏ, miểng bom nhỏ lớn thảy đều đã viếng thăm thân xác của chàng trai ba mươi dày dạn...Nhưng nhờ phước nhà ông vẫn giữ được cái mạng đem về.

         Những chuyến về thăm thành phố, những lần nghỉ dưỡng quân...thời gian như những phút giây quí giá, ông chỉ còn biết theo đám bạn bè vào các nơi dung tục, phá phách chơi đùa cho thỏa chí nam nhi, đôi khi cũng theo bạn bè vào các nhà có các em nữ sinh tán gẩu qua những lần về phép nhưng ộng cũng chưa có một "cuộc tình lớn nào vắt vai " khi trở ra chiến tuyến.

     Những cuộc kiếm tìm tạm bợ vì thời điểm đó chàng trai trẻ mang tên Hậu chưa dám nghĩ đến chuyện yêu thương và lập gia đình vì cuộc đời lính trận rày đây mai đó lại không biết chết sống ngày nào, vì thế Hậu và các bạn chỉ tìm vui bên các quán xá và những cuộc tình sòng phẳng cho qua ngày đoạn tháng mà thôi

       Sau khi theo đoàn công voa chạy về thành phố rồi tan hàng trong tức tối, trong hoảng loạn, rồi bị bắt vào trại gian  với thời gian ba năm dài gian khổ không người bới xách vì cha mẹ già yếu lại không vượt sông suối theo hết những trại giam mà Hậu đã đi qua, hầu như thời gian ba năm ấy ông là người tù "mồ côi" bên những đồng đội cùng cảnh ngộ.

     Cầm cái "Lệnh tha" trong tay, hai chữ in bằng mực đen, là chữ Việt, nhưng đọc hoài không đủ nghĩa...chỉ man mán hiểu là người bị ghép là có tội đang bị giam cầm và nay được tha ra ...còn những chữ nghĩa có trong tự điển hay bất cứ âm từ đen bóng gì cũng phải chào thua trong thời điểm bấy giờ, ngôn từ bị lật sấp lật ngửa, đảo lộn một cách vô thưởng vô phạt nhưng ai cũng bắt chước rập khuôn, lắc đầu và yên lặng .

     Có được cái "Lệnh tha"...nhưng nào phải tha đâu, bên dưới còn chua thêm một hàng chữ nhỏ "Quản chế ba năm tại địa phương" một cái còng nhỏ hơn nhưng rất nhiêu khê và vô hình.
    Những công tác của địa phương, những đắp đê, đắp đập, những mắt nhìn hóc búa, những dòm ngó của chính quyền theo chừng bước chân, những lao động "xây dựng vùng kinh tế mới" Vân vân và vân vân....

    Cha mẹ già hợp cùng bà con kiếm cho Hậu một người con gái để đâu lưng đấu cật, lúc này tâm tư Hậu như bị đóng băng, như biến thành đá tản, phải lập gia đình sinh con nối giõi, phải có vợ có con thì mới an cư, và phải lấy người có việc làm nhà nước thì mới được yên thân ở lại thành phố...

    Một đám cưới diễn ra sau vài lần Hậu nhìn thấy cô dâu tương lai của cha mẹ Hậu, một thiếu nữ "lỡ thời" làm nghề chích dạo và có làm công tác y tế cho phường khóm...Một chỗ dựa không vững chắc, nhưng cũng cho Hậu cái danh vị là chồng của một "cán bộ phường khóm", cũng có chút hảnh diện cho những người như Hậu khi trở về.

     Một quen biết rất lạ trong những ngày làm vợ chồng với một người xa lạ, cảm giác thật lơ mơ và không rõ nét, hệt như con gà trống ra sân là xáp trận, thử sức với chị mái tơ, thử xem núi rừng đã lấy hết sinh lực của chàng trai trẻ ngày nào ...Vẫn còn chút hương hoa và giải tỏa những bức bối cuộc đời...Một đời sống vợ chồng bình thường trong cuộc đời thường.
  
     Trai gái xáp vào nhau là sinh con đẻ cái...Ít lâu sau Hậu lại được chính quyền địa phương thu gom lại và cho  đi "học tập cải tạo lần thứ hai" có lẽ vì cảm thấy các sĩ quan của chế độ cũ chưa thấm nhuần tư tưởng...    lại phá rừng xẻ đá, lại đói khát rách rưới thêm ba cuốn lịch Tây.
   
    Thời gian này chính là lúc Lan làm công việc của người vợ hiền vượt rừng lội suối đi thăm nuôi chồng, những viên thuốc mang theo , những kí đường , hũ mắm, những bới xách cho chồng vẫn là chuyện bình thường, nhưng với vợ Hậu đây chính là một bài trường ca dài bất tận trong cuộc sống vợ chồng.

    Mỗi khi bực mình chuyện gì hay muốn răn đe giữ chồng, người vợ lại tỉ tê giằng xéo:

   _ Ông làm sao thì làm cho xứng với những ngày tôi thắt lưng buột bụng, nhịn ăn, nhịn mặc đi thăm nuôi ông...

   _ Ông còn nhớ những kí đường, lon sữa, hũ mắm viên thuốc tôi vay mượn bới xách cho ông hồi đó??

   _ Ông còn nhớ khi ông bị sốt rét gần chết nhắn về ...tôi đã đem thuốc kí ninh, thuốc bổ, thuốc bao tử...cho ông, không có những thuốc ấy ông còn sống đến bây giờ hông ông ???

   _ Ừ ...sao hồi ấy bà không đem cho tôi một gói thuốc chuột, hay o đem gì hết là xong, bây giờ thì bà đâu được ở Mỹ., đâu được mỗi ngày chưởi mắng tôi...đâu có người con gái tên Lan phải "Lỡ thời"...
     Rồi ông bỏ đi trong ngao ngán.... Nhưng cái điệp khúc này vẫn bên tai ông mỗi ngày như một bài kinh nhật tụng của vợ ông.
 
        Đó là những lần gan góc lắm, bức bối lắm ông mới dám thốt những lời chua chát như vậy, thực tâm ông rất hiền hòa và chỉ mong sự yên ấm trong nhà, những lần xô bàn xô ghế cũng là từ bà vợ già quá quắt , suốt ngày ca cẩm vì lo sợ " mất chồng'.

    Mỗi lần nghe những người đến gởi con chỗ bà kể lể những ông A về Việt Nam bị người này người nọ rù quyến về ly dị vợ, cho đến chuyện ông B đi Viêt nam có vợ bên cạnh mà chỉ cần vào Rest room mấy phút cũng có em nhét giấy vào tay hẹn hò ...người ấy cũng về bỏ vợ trở lại Việt Nam với lương hưu ít ỏi mà họ cũng ra đi.
   Hay thậm chí có ông chỉ cần " Chat " trên mạng cũng mê đắm về bỏ vợ ra đi vì đã gặp ngừơi tri kỷ...

    Nghe qua những chuyện này bà Hậu tuyệt đối cấm cản không cho chồng ngồi vào máy vi tính, mặc dù ông năn nỉ chỉ được ngồi vào máy đểchỉ đánh cờ tướng mà thôi, nhưng cũng chưa được xét duyệt, cho đến một ngày quá buồn não ông phải la thật to:

    _Trời ơi, sao tôi giống bị ở tù quá nè trời, cái gì cũng không cho...Tối ngày chỉ cào xới trong hảng Rau , về nhà thì cấm cản hết mọi thứ, tôi còn được sống nữa sao??? Tôi không muốn bị ở tù.
   _ Trời ơi tôi bị cọng sản nhốt sáu bảy năm trời....Nay lại bị cùm bao nhiêu năm nữa ???

    Sau nhiều lần đám con thuyết phục mãi bà mới cho ông mỗi ngày "đánh cờ tướng "vài giờ trên máy mà thôi...Mỗi lần ông ngồi vào máy bà cứ lom lom nhìn thử xem con cờ hay con gì hiện ra ở trỏng mà sao ông say mê đến vậy??? Kèm theo những lời "cẳn nhẳn, cằn nhằn"...



    Sau lần đổi chuyến bay tại Seoul, dạo mua vài chai rượu miễn thuế và mấy cây thuốc để phì phà cùng bạn bè cũ khi gặp mặt trong mấy tuần tự do tại quê nhà, ông Hậu cũng bắt đầu tính toán với số tiền ít ỏi mà vợ may vào túi quần...Rồi bỗng lắc đầu chán ngán.

    Đang trầm tư thả hồn vào cõi hư vô không có sự kiểm soát chặc chẽ của vợ nhà...chiếc ghế bên cạnh trống trơn, một tiếng nói thật nhẹ bên tai ông:

    _Xin lỗi, tôi có thể ngồi được chỗ này không?
    _Được mà, xin mời cô.

Sau khi người đàn bà đã định vị vào chỗ ngồi và lấy chai nước nhỏ ra uống. Ông Hậu hơi hé mắt nhìn người mới đến.
    Một người đàn bà trung niên, nước da trắng ngần, khổ người đầy đặn, khuôn mặt thật ưa nhìn, tuy tuổi cũng ngoài năm mươi...

       Là một phụ nữ đẹp.

  Ông kết luận như vậy khi mắt ông bỗng đậu trên nước da trắng hồng tình tự, ông bỗng nhớ một câu thơ của Nguyên Sa và chỉ một câu ấy đủ để diễn tả hết sự ngưỡng mộ đầy lãng mạn của ông lúc này, ông cố lục tìm trong ký ức về mấy câu thơ của ngày xưa mà ông đã đọc...nhưng cũng chỉ cần nhớ một câu là đủ nghĩa:

                    Da em trắng anh chẳng cần ánh sáng...

       Sau một vài câu chuyện qua lại, được biết người đàn bà vừa mới xuống từ một tiểu bang khác và sẽ cùng ông trên chuyến bay của Việt nam Air line đáp xuống Phi trường tân Sơn Nhất...
      Lòng ông như chắp cánh , bay bổng như cánh diều nhỏ của ngày xưa trên cánh đồng trơ gốc rạ, ông như muốn rú lên thảng thốt khi biết người đàn bà ấy cũng về cùng thành phố mà ông sẽ đến để dự tiệc cưới đứa cháu vợ và bạn cũ của ông.dịp may đã đến, niềm vui như òa vỡ trong lòng ông, cảm giác như đứa trẻ sắp được đi xem một ngày hội lớn.

   Những cái may và niềm vui đến thật bất ngờ...trong vô thức nào dẫn đưa,  bỗng ông tháo nhẹ nhàng chiếc nhẫn vàng y hai chỉ đeo chểm chệ một cách quá ư nặng nề trên ngón tay áp út, ngón tay ông nhẹ tênh như mới được tháo cùm trong thời gian trong lao lý ngày nào.

    Ông cẩn thận cất chiếc nhẫn vào một ngăn ví đề phòng khi trở về trình diện vợ nhà, nếu không còn qua con truông ấy là ông quẳng vào một góc nào đó cho ông được bay bổng bên người đẹp mới quen.

    Hai vé máy bay đổi bên nhau như một cặp vợ chồng về thăm quê nhà, hai chỗ ngồi gắn kết, hai nụ cười rạng rỡ bên nhau suốt hơn bốn tiếng đồng hồ chao lượn trên không với biết bao chuyện kể , thăm hỏi nhau.

     Được biết người đàn bà ấy tên là Hải Vi, một tên gọi ấm nồng truyền thuyết, một cuộc sống sao quá thân thương với ông là cô ta vẫn độc thân , sau chuyến vượt biên và người chồng bỏ mình tên biển Đông...
     Tội nghiệp thay nàng góa phụ vẫn sống một mình bên đứa con trai nay cũng đã ngoài ba mươi và đã có gia đình, nàng sống một mình và vẫn còn làm việc cho văn phòng của Tiểu bang nàng đang định cư.

     Ôi còn cảnh đời nào tội nghiệp và hạnh phúc nào xuôi ông gặp gỡ...
     Ông chỉ mong sao bốn giờ bay kéo dài bất tận cho ông được phiêu diêu trong bể hạnh phúc, ông hầu như quên mất chuyện của mình, chuyện bà vợ nhà căn dặn, chuyện phải làm những gì khi trở lại quê xưa....
   
     Ông chỉ mong thời gian thân bay đáp xuống mãi thật lâu, ông muốn khi xếp hàng họ làm khó cả hai để hai người được đứng bên nhau như một cặp vợ chồng hay hai kẻ yêu nhau..
    .Lâu lâu ông lại liếc nhìn Hải Vi và quay đi chỗ khác nhắm mắt lại mộng tưởng phiêu diêu...
 
          Da em trắng anh chẳng cần ánh sáng...
   
    Điện đường, điện sân bay ...bóng nhỏ bóng lớn gì hãy tắt hết đi, kể từ giây phút này ông không cần thứ ánh sáng nào vì bên cạnh ông đã có rồi và chỉ mong thời gian hãy ngừng trôi...cho ông trẻ lại , cho ông theo ánh sáng của người đàn bà mới quen mãi mãi.

   Rồi phút chia tay cũng đến, sau khi hoàn tất thủ tục,  họ chia tay nhau trong cái bắt tay thật lâu, ông không muốn buông ra, thời gian như muốn đóng băng, còn lại trong tay mảnh giấy ghi địa chỉ của người đẹp, nàng  hẹn ông ba ngày sau tại nhà của cha mẹ người ấy, thuộc một vùng ngoại ô thành phố cũ mà ông cùng đến.

   Cả một đời người từ ngày cha sanh mẹ đẻ ông mới có một cuộc hẹn đầy lãng mạn như hôm nay...
   Ông ngẩn ngơ như người mất vía, hạnh phúc lâng lâng, tầm nhìn bay bổng...
   Một chuyến đi đầy thi vị và hạnh phúc vô biên, sao mà ông vui quá, niềm vui òa vỡ như chưa một lần xảy ra trong cuộc đời ông.

    Rồi những ngày gặp gỡ nhau bên ly cà phê sáng trong vườn nhà cũ của Hải Vi, rồi những lần bên nhau của những đêm trăng sáng, rồi những buổi hẹn hò trên biển vắng cát xô, họ trở về những ngày mộng mơ của tuổi trăng tròn, quên hết thời gian và quên đi bối cảnh cuộc đời...

    Chuyện đời, đàng sau bỏ lại...

    Bao nhiêu năm trường lãng quên hết những ngôn từ hoa mỹ bên thực tế cuộc đời , bên những lời "cằn nhằn, cẳn nhẳn" của bà vợ quá đổi bình dân...
   Bây giờ Hậu của tuổi mới lớn, của thơ văn và của những mắt nhìn chan chứa, của hẹn hò quên cả nhân gian, quên cả lối đi về...Quên hết những ngày cày bừa bên những vật thải của Hảng rau dưới sự giá rét của nhiệt độ trên dưới 30 độ mà ông phải chịu qua bao nhiêu năm dài trên đất cờ hoa.
 
    Họ đã sống những ngày thần tiên nơi biển cát, nhắc chuyện ngày xưa ...Dù thời gian đó họ không hề có nhau, chưa hiện diện trong nhau nhưng  chỉ kể cho nhau... vẫn nghe vui và bất tận không chán không rời...

    Ba tuần lễ trôi nhanh như một giấc mộng , thật ngắn và đầy ắp hạnh phúc, Hải Vi còn một tuần nữa mới đến ngày trở lại Mỹ nhưng cũng về Saigon sớm một tuần để tiễn đưa Hậu, và cuối cùng ông cũng liều thân đổi vé ở lại cho đến ngày cùng đi với nàng, khi mở ví để đưa thêm tiền bù vé mới hay số tiền bà vợ may vào túi quần mới chỉ vợi đi phân nửa cho ba tuần lễ tại Việt nam...

   Thời gian này hai người chỉ rong ruổi trên biển cát, trên cánh đồng, trên vườn hoa bờ cỏ, không một cuộc du lịch nào, không một bữa thù tạc ồn ào bia bọt, thì tiền bạc làm sao hao tốn bao nhiêu.

   Một tuần lễ bên nhau trên đất Saigon , họ đã sống trọn vẹn cho nhau như một cặp vợ chồng mới cưới, thời gian và tuổi tác, địa vị và không gian không còn có nghĩa gì đối với hai người.Họ đã yêu và đã được yêu.

   Hậu trở lại cái cảm giác của một chàng trai sĩ quan ba mươi lịch lãm và nàng là người yêu bé nhỏ trong biển lớn tình ái ngút trời, lãng quên nhân gian, lãng quên đời trong tình yêu ngút cháy, hạnh phúc tuyệt vời trong họ và không hẹn ước gì cho nhau...Lãng mạn và bốc cháy.

   Chia tay trong hai chuyến bay khác nhau vào một buổi sáng chao đảo buồn phiền...trở về cuộc sống hiện thực.Mỗi người trở về chỗ của họ trong luyến lưu cháy bỏng.
    Ông hậu ngã mình trong lòng ghế chiếc sô pha cũ giữa nhà, mắt lạc thần nhìn vào khoảng không trước mặt, bà vợ chạy lại lật bàn tay trái của ông.

   _ Trời ơi, ông già , con đĩ nào lột mất chiếc nhẫn hai chỉ của tôi rồi?
   _   Ông cho con nào...ao o...? Trời ơi ...là  trời.i i...

Ông thẫn thờ móc bóp đưa cho bà vợ, bà lục lọi và bỗng nhìn thấy số tiền dày cộm cỡ hơn một ngàn còn lại trong ví, bà trố mắt nhìn và tất tả đem cất vào chỗ của bà, bà kéo lê vali quần áo của ông, nhón tay nhặt từng cái bỏ vào máy giặt, cử chỉ sợ sệt những bệnh tật mà ông đem từ Việt nam về...

    Ông Hậu thẩn thờ đi ra vườn với bước chân xiêu vẹo, miệng ngâm nga, con mắt lạc thần, nhìn vào cõi mông lung, tay muốn mở điện thoại với con mắt nhìn lấm lét...

    Vẳng bên tai tiếng cẳn nhẳn...cằn nhằn...

    Ông buông câu não nuột :

               "  Da em trắng anh chẳng cần ánh sáng..."

  
   Atlanta july 21st  11
 
    Nguyên Hạ_Lê nguyễn

   ( Riêng tặng một người và tất cả bạn bè tôi)
  

  

  



   

Không có nhận xét nào: