Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2011

CHỐN CŨ



    Buổi sáng mùa thu thật tinh khôi với những cơn gió mát dịu nhẹ nhàng vờn lên những đám cỏ bị bỏ quên sau những ngày tháng hạ...

    Những cành cây nặng chĩu những chiếc lá vàng, lá cam chấp chới tiễn đưa những bạn bè lìa xa cành cao rơi vãi trên bờ cỏ lao xao cuốn nhau vào khoảng không cuối vườn xao xác lá vàng, lá nâu, lá chết...

   Chút gió heo may cũng đủ thấm lạnh cho người đàn bà đang co ro bên cạnh cái thùng rác to đùng của khu nhà hai tầng, chị ta vẫn ngồi chỗ đó mỗi buổi sáng với cặp mắt xa xăm như ngóng đợi và xen chút âu lo trên khóe mắt.

    Cả tuần nay sáng nào khi rảo bước từ nhà đến trường, ngang qua dãy nhà hai tầng của khu Apartment này, cậu bé cũng nhìn thấy một người đàn bà Châu á mặc rất nhiều áo ấm, khuôn mặt trắng xanh , dáng vẻ rụt rè, ngồi chồm hổm cạnh cái thùng rác to đùng còn vương vãi mấy túi trong túi ngoài nhưng chị vẫn điềm nhiên ngồi yên bất động.

    Nhiều ngày như vậy, cậu cúi đầu chào vì đoán bà ta là một người Việt Nam, vì cách ngồi "chồm hổm", những người sống ở đây lâu, họ không có cách ngồi như vậy và đặc biệt dân bản xứ không có kiểu ngồi "nước lụt" như cách ngồi tán gẩu nhau của người Việt Nam,  tuy không hỏi bà ngồi chờ đợi ai? nhưng cậu bé cũng đoán là bà chờ người quen đến đón đi làm ở một hảng xưởng nào đó quanh khu vực.

     Thường những người Việt mới đến hay giúp nhau chung một chuyến xe, người có xe chở thêm mấy người người trên xe mình , trên cùng vài ba con đường mà họ đi qua và  cùng chung chỗ làm, để nhận vài ba chục tiền công xá gọi là "phụ tiền xăng nhớt"với người có xe..

      .Một tính cách mà người Mỹ ít khi làm vì những phiền phức khi có những sự cố xảy ra khi gặp tai nạn hay những bất trắc không lường mà chủ xe phải gánh khi có sự thưa kiện, người Việt mới đến chưa hiểu nhiều về luật lệ, coi như "điếc không sợ súng " chỉ giúp nhau trước đã , sau kiếm thêm chút đỉnh tiền còm.

    Những người Việt mới đến thường sống đơn giản theo tính cách gia đình và tình cảm giữa người và người với nhau, người đi trước giúp người đi sau, những người mới đến chưa đủ điều kiện để tự lái xe đi làm, nếu không có sự giúp đỡ ấy thì không thể đi làm được ở các hảng xưởng và chợ búa xa chỗ ở.

    ***

     _Sao cô khóc ??? cô có cần cháu giúp gì không ?

    _ Cám ơn cháu, hôm nay cô có giờ đi làm nhưng người chở lại không đi làm vì là ngày nghỉ của chú ấy nên không ai chở cô đi, cô ngồi đây chờ coi có ai đi qua xin đi quá giang...nhưng họ đều là người Mỹ, cô buồn và lo quá nên  khóc vì sợ mất việc.

     _ Được, cô chờ chút, cháu sẽ về nhà gọi ba cháu đến chở cô đi làm, ba cháu đang ở nhà.

     _ cháu ơi, nhà cháu ở đâu? trễ giờ học của cháu mất.

     _ Cháu ở dãy nhà bên kia, cô đợi đấy nhé, nhanh lắm.

      Hình ảnh cậu bé  cắm đầu chạy ngược về dãy nhà ngang của khu nhà hai tầng cùng khu chị ở, làm lòng chị thấy vui và hy vọng,cậu bé mất hút đàng xa và khoảng 10 phút sau thì có chiếc xe màu đen cũ cặp vào mé đường và ngừng lại chỗ người đàn bà đang co ro thấm lạnh và coi đồng hồ tay liên hồi, từ xa người cha đứa bé chỉ thấy một người đàn bà thấp bé thu mình trong chiếc áo lụng thụng.

     _Cô ơi, lên xe ba cháu đưa cô đi, tới trường cháu kia rồi.

      _ Chị ơi, lên xe tôi đưa giúp, mau lên cho cháu còn đến trường kẻo trễ, hôm nay là ngày nghỉ nhưng cháu học thêm về môn Anh văn cho trẻ mới đến, chúng tôi cũng mới đến hơn năm tháng nay.

    _Xin cám ơn ông và cháu. Thật phiền cho ông quá.

     Người đàn bà ngại ngùng bước lên xe của cha con cậu bé, chị ngồi ở băng ghế sau ...với mấy câu cám ơn
cứ lập đi lập lại...cậu bé khuôn mặt sáng rỡ như vừa mới làm được điều tốt đẹp cho người nên vui lắm.

    _Nào chị làm ở hảng nào để tôi đưa giúp, hôm nay thứ bảy tôi nghỉ làm nên mới có cơ hội giúp chị, thường ngày tôi vẫn đi làm chỉ nghỉ hai ngày cuối tuần mà thôi.

    _ Thật phiền cho anh quá, tôi làm ở hảng đồ ăn máy bay gần phi trường, tôi cũng không biết là ở đường gì vì cũng mới vào làm có hai tuần.

    _À, tôi biết chỗ ấy rồi vì thỉnh thoảng có chở dùm mấy người mới đến đi xin việc ở đó, chị yên chí tôi sẽ đưa chị đến tận nơi.


***

     Hương và Ngữ quen nhau qua sự dẫn dắt của cậu bé Nam con trai út của Ngữ, từ đó hàng tuần cứ đến thứ bảy và chủ nhật là Ngữ đến đưa Hương đi làm, Hương gởi tiền xăng nhưng chàng không lấy, vì thế thỉnh thoảng Hương hay sang nhà giúp hai cha con  Ngữ những công việc của người đàn bà trong gia đình.

     Hương giúp cha con họ dọn dẹp nhà cửa, nấu cho họ bữa ăn ngon, kho cho họ nồi thịt kho, làm sẵn cho Ngữ hũ dưa, pha sẵn chai nước mắm ớt, chăm sóc cho bé Nam chiếc áo đứt nút, khâu cho Ngữ mãng áo sờn vai....

    Họ thường đi chợ với nhau vì Hương không biết lái xe, sẻ chia nhau những tâm tư lúc ngồi chung xe, hay bên bữa cơm chung hay ngoài cửa tiệm bên tô phở bốc khói, chia nhau từng cọng rau thơm.

    Thỉnh thoảng Ngữ đưa Hương đi Mall mua sắm quần áo và nàng cũng bắt đầu chăm chút lại vóc dáng bề ngoài mà bao năm tháng nàng đã quên đi là phải làm những công việc ấy, nhìn mình trong gương nàng cũng thấy lạ lẫm với cô gái duyên dáng trong gương khác xưa .

     Riêng phần Ngữ cũng mong đợi cho mau đến cuối tuần, chàng đi cắt tóc hàng tháng và nhuộm lại cho đen bóng và chăm chút lại bộ dáng cho trẻ trung hơn vì so về tuổi tác chàng hơn nàng ngoài con giáp.

    Họ như một cặp vợ chồng có đứa con trai nhỏ líu lovà chan hòa  hạnh phúc ...kể từ ngày cậu bé về gọi cha đưa đón người đàn bà cô độc không người giúp đỡ khi mới đến.


***

    Nhẩm tính lại thì họ cũng quen biết nhau gần hơn sáu tháng...thời gian này Ngữ như được hồi sinh, tuy thỉnh thoảng chàng cũng không quên nhín bớt chút tiền lương ít ỏi của công việc hàng tháng của  một người quét dọn trường học gởi về cho vợ và hai con gái còn kẹt lại nơi quê nhà., Khi ra đi, chàng chỉ dắt theo đứa con trai nhỏ vì gom góp hết tư trang của hai vợ chồng cũng chỉ đủ cho Ngữ và bé Nam đi theo  chuyến vượt biên đó mà thôi.

    Vân và hai con gái ở lại để Ngữ ra đi với hy vọng anh sang xứ người làm nên một cuộc đời mới cho cả nhà trong tương lai, còn nếu ở lại vợ chồng anh cũng chỉ loanh quanh chạy chợ kiếm sống vất vưởng qua ngày...tình trạng chung của những người còn ở lại miền Nam sau năm 75, mặc dù Ngữ cũng chỉ là một công chức bình thường của chế độ cũ, nhưng công việc cũng không mở cửa cho anh trong cuộc sống.

     Tuy cha con  chàng rất tằn tiện và vất vả nhưng Ngữ cũng không hề than van cùng vợ con và những công việc mà chàng làm hàng ngày bên này là những công việc gì, chỉ đại khái là đi làm ở trường học .

       

    Ngày còn ở quê nhà, Hương là một giáo viên thuộc một tỉnh miền  T rung , được bổ dụng giảng dạy ở một vùng ven biển, cứ mỗi tháng nàng về thăm nhà một lần, nàng đã dạy ở đấy hơn một năm...

     Bỗng một ngày kia thấy chủ nhà nàng trọ , đưa một số người lạ mặt đến ở tại nhà bảo là "ăn đám giỗ", nhưng nàng không thấy có giỗ quải gì cả và ...cái đêm định mệnh ấy họ lôi cả Hương xuống ghe...Vì nếu ở lại nàng sẽ bị liên lụy vì chủ nhà bỏ trốn sao nàng lại ở lại...và những người từ xa đến liên hệ với nàng như thế nào??? định mệnh đã đưa đẩy cho Hương bỏ nước ra đi.

    Ngoài ba mươi tuổi...coi như cô giáo "ế chồng"...lại sống buồn thảm bên đám học trò cháy khét vì nắng gió, được "vượt biên "không tốn kém, may ra qua bên kia còn kiếm được tấm chồng...điều mà nàng vẫn mơ ước, mong một ngày có chiếc đũa thần của một đấng quyền phép...làm thay đổi cuộc đời nàng.. và cơ hội ấy đã đến với nàng trong chốc lát

    Không buồn và cũng không vui quá khi tàu cập bến Hong kong sau hơn năm ngày lênh đênh trên biển cả cùng những người xa lạ và những cuộc đời không định hướng.nàng theo đám người mới quen bước vào một khoảng đời không định hướng.

   Nhờ có người cha là hạ sĩ quan của chế độ cũ, Hương được định cư sang Mỹ sau 8 tháng tại đảo.

    Khi đến thành phố xa lạ này, nàng không có lấy một người thân, được hội sắp xếp ghép chung phòng với một người như nàng và xin cho việc làm...

    Cho đến ngày nàng gặp cha con Ngữ...Tình cảm bắt đầu gắn bó giữa hai người kể từ hôm nàng bị bệnh bất thình lình.

    Vào một sáng mùa đông nàng thức dậy chuẩn bị đi làm , bỗng Hương đau ở thắt lưng trái từng chặp không thể cựa quậy nổi, người đàn bà chung nhà với nàng chạy sang gọi Ngữ là người quen gần nhất của nàng, Ngữ gọi 911 và xin nghỉ mấy ngày chăm sóc cho nàng, sau khi ở bệnh viện về...chàng đưa nàng về hẳn nhà chàng để tiện việc đi lại và chăm sóc...Họ gắn kết ân tình với nhau từ đó.

     Đôi lúc Hương cũng nghĩ đến chuyện vợ con Ngữ còn lại ở Việt Nam...nhưng rồi tình cảm giữa hai người với những mới mẻ trong tình ái đã làm họ quên đi tất cả...Tuy tuổi đời Ngữ hơn hẳn Hương ngoài con giáp nhưng nàng cũng không quan tâm vì những ân tình mà cha con họ đã dành cho nàng...

     Đối với bé Nam, Hương thật tình thương mến và chăm sóc cậu bé  như con đẻ nên cậu bé cũng thương yêu nàng như mẹ ruột, người ngoài nhìn vào cứ nghĩ rằng họ chính là một gia đình hạnh phúc gồm hai vợ chồng và một đứa con ngoan.

     Sau năm năm định cư tại Mỹ, Ngữ thi vô quốc tịch  Mỹ và chuẩn bị để làm hồ sơ bảo lãnh cho vợ và hai con gái lớn ở Việt Nam , Vợ Ngữ hối thúc mỗi ngày vì những người ở lại Việt Nam mong chờ ngày lên máy bay từng giây từng phút.

      Vợ con Ngữ cứ nghĩ rằng chàng sang Mỹ chắc làm trường học là dạy học, làm hiệu trưởng hay ít ra cũng là thư ký...hay một chức vụ gì cũng kha khá, bà cũng không ngờ chồng bà chỉ là một người lao công quét dọn ở trường học với tiền lương ít ỏi....Ngữ cũng không nói sự thật cho vợ con hay bất cứ ai bên nhà về công việc mà chàng đang làm.

      Nếu không có sự thu vén và đóng góp của Hương trong hàng bao năm qua Ngữ cũng không thể chu toàn bổn phận làm chồng, vợ con Ngữ chỉ yêu cầu chồng gởi tiền về và còn nhiều bà con anh em khác cứ nhắn tin xin tiền trong những lần Tết đến hay gia đình họ bị tai nạn hay cưới gả, ốm đau.

      Những người ở quê nhà không hề biết rằng một người làm tạp dịch như Ngữ với số lương tối thiểu mà phải nuôi một đứa con và  phải bảo bọc cho một gia đình thường xuyên mỗi tháng tiêu xài thoải mái và những người ở lại không làm gì cả ,chỉ chờ đợi lên máy bay sang đoàn tụ với chồng.cọng thêm những món tiền giúp cha mẹ hai bên, anh em, bà con...Những con số làm điên đầu Ngữ nếu không có sự phụ giúp của Hương.
       Cuộc sống bên Mỹ cũng thật khó khăn với một người cưu mang một đứa con nhỏ, không thời gian để đi học và cũng không có một bằng cấp nào lận lưng, làm sao có một chỗ đứng nào khả dĩ có thể nuôi hai người và một gánh nặng ở tại quê nhà, nhưng nếu kể cho người ở Việt Nam nghe thì không ai tin, vì tất cả đều nghĩ rằng "xứ Mỹ hái ra tiền".


      Từ ngày quen biết cha con Ngữ và chia chung gánh nặng với họ, Hương phải đi làm thêm vào hai ngày nghỉ của nàng để chia bớt gánh nặng của các" Bill " hàng tháng mà một gia đình phải trả, cọng hai đồng lương với nhau cũng vẫn mướt mồ hôi..

        Nếu  ngày mới đến họ không gặp nhau, một mình Ngữ chắc cũng sẽ  khó khăn vô cùng,  họ đã nương tựa nhau để sống từ ngày ấy, từ ngày Ngữ theo bước chân đứa con trai đến giúp Hương những bước đầu tiên...và cũng chính là những ngày hạnh phúc của cô giáo  lỡ thời chưa một lần yêu đương nơi đất mẹ, vì thế có được tình yêu tạm bợ với Ngữ nàng cũng thấy tràn ngập hạnh phúc, vì thế nàng không so đo khi phải ghé vai gánh vát cùng chàng.

      Cuộc sống của những người đã từng sống ở Mỹ đều như nhau và những món nợ không biết đến bao giờ mới trả dứt, nhưng chỉ những người trong cuộc thì mới tường, ngay cả những người thân bên Việt nam như vợ Ngữ cũng không hiểu nổi những khó khăn mà chồng phải gánh chịu và những đồng tiền gởi về thường xuyên cho mẹ con nàng là có sự đóng góp của một người đàn bà khác cùng với chồng bà.

      Trước ngày vợ Ngữ qua, Hương còn chạy vạy mua sắm cho cha con Ngữ bao tiện nghi tối thiểu để chàng đón vợ con sang,  và nhờ một người bà con đứng tên bảo trợ cho gia đình Ngữ vì nếu một mình Ngữ sẽ không đủ tiền trong ngân hàng để bảo lãnh cho ba đầu người khi trình ngân khoản để bảo lãnh lúc sắp lên máy bay.

      Ngữ vô cùng đau đớn và thương Hương đã vì chàng mà phải khổ và hiểu hết những hy sinh mà Hương đã làm  cho chàng....Nhưng cũng chỉ biết ngậm câm thương cảm và không biết xử sao cho vẹn nghĩa tình mà Hương đã dành cho chàng...

      Nhiều đêm nằm bên người tình mà hồn như chết lặng trong cảnh khó xử sắp xảy ra, cả hai chỉ biết ngậm bồ hòn làm ngọt...phải làm sao cho vẹn nghĩa vẹn tình....Hương đã khóc thầm thương cho số phận hẩm hiu của mình với cuộc tình tạm bợ.


***

     _ Tuần sau con và Ba đi đón mẹ và hai chị của cháu sang ? cô có đi cùng không ?

     Bé Nam ngày nào...bây giờ đã là một cậu thiếu niên 15 ...đang ái ngại hỏi Hương.

    _Không đâu con, ngày mai cô về Việt Nam thăm nhà.

    _ Khi qua cô có còn ở đây không cô ?

    _Chắc không đâu con, sau khi ở Việt Nam sang cô sẽ đi một tiểu Bang khác con ạ.

    _Sao cô không về chỗ ở cũ ngày mình mới đến hở cô? để mỗi tuần con và ba ghé thăm cô.

    _Cám ơn con, cô có người bạn ở bang khác rủ cô sang chỗ họ làm ăn khá hơn ở chỗ này. sau khi về Việt Nam , cô sẽ sang chỗ họ .

      _ Cô đi con sẽ nhớ cô nhiều

      _Biết vậy là cô vui rồi, con ở lại ráng học hành cho giỏi nghen con.

      _ Dạ, con biết rồi, con cám ơn cô


***

      Hương rời thành phố cũ cũng vào một sáng mùa Thu, khi những chiếc lá vàng . lá cam bắt đầu lìa cành cao, vương vãi trên bờ cỏ úa  ...trong cái se lạnh dịu êm của đất trời, trong nỗi buồn đắng chát, ngày mai nàng sẽ trở về thăm quê nhà, trở lại mái trường xưa nơi nàng quày quã ra đi không nói lời từ biệt, khi ra đi nàng mong ước sẽ làm nên kỳ tích cho cuộc đời mình....nàng hy vọng sẽ gặp được người chồng tốt, sẽ có những đứa con ngoan và một gia đình hạnh phúc... Và nàng sẽ trở về chốn cũ cùng với  gia đình bé nhỏ của mình, một hạnh phúc đơn sơ biết bao.

      Nàng rời thành phố đã cưu mang nàng và một cuộc tình với những ân tình đã trả ... với chút tình thâm bỏ lại, trở về thăm quê nhà với tâm tình trĩu nặng và một tâm hồn lãng đãng những ưu tư

     .Thành phố cũ nơi nàng ra đi không một câu giã biệt vẫn lặng thầm đón nàng trở lại... cũng bình yên và lặng thầm chào đón kẻ quay lui...Có hạt bụi nào cay mờ tròng con mắt của kẻ trở về thăm lại chốn xưa, ngôi trường cũ và những lớp học hoang vắng, lạnh tanh, những trò cũ ngày xưa không còn gặp lại.

        Những bước chân lặng thầm ra bến ghe xưa, chỗ mà ngày xưa nàng ra đi giờ hoang lạnh trống trơn, những đợt sóng xô mạnh làm ướt mắt môi , mặn đắng môi khô, tê cóng bàn tay nàng giữa buổi chiều thu một mình về chốn cũ...Nàng đã ra đi từ chỗ này và nay nàng lại trở về chốn cũ với nỗi sầu khó phai.

      Ra      đi  ...    hay ...     trở     về      chốn     cũ... nào     có       nghĩa        gì       đâu...



             Atlanta  Nov.4th  11

                   Nguyên Hạ_Lê Nguyễn

Không có nhận xét nào: