Thứ Năm, 14 tháng 3, 2013

ĐỔI ĐỜI


( Những chuyện tác giả sẽ kể cho các bạn nghe chơi rồi bỏ, không ám chỉ một ai cả...chỉ là ráp nối
  những mẫu chuyện hàng ngày xảy ra tại hải ngoại...ai thích thì đọc chơi, không thích thì nhắp chuột.)








      Đang cắm cúi lựa từng đọt rau mồng tơi cho vào túi nylon trong khu chợ Việt Nam, bỗng một bàn tay vỗ mạnh vào vai Chi thật mạnh.

   _ Ê bà Chi ơi, tui có chuyện này muốn nói bà nghe nghen.

   _ Chuyện gì nói nghe coi,  bộ mới kiếm được ông nào hả??? thi bằng lái đậu rồi hả bà?


   _ Chưa thi, có ai chở đi đâu nà, sao bữa nay bà không rủ tui đi chợ?tui đi nhờ xe vợ chồng ông Sáu Lý trước nhà, bà Sáu cứ nhìn tui lom lom bắt ớn xương sống, chút nữa bà cho tui quá giang về với.

   Bà Năm, người bạn hàng xóm mới từ Việt Nam sang gần năm nay, lâu nay vẫn ở nhà giữ cháu ngoại, thỉnh thoảng Chi vẫn chở dùm đi đó đây, thời gian gần đây không thấy gọi nhờ Chi nữa.vì nghe đâu có ông nào hay ghé qua giúp bà mỗi khi cần

  _ Bà có muốn thi hoa hậu phu nhân chơi không?
  _ Trời đất , bà có nói lộn Không ? ai thi hoa hậu? coi chừng người ta nghe họ cười cho thúi đầu, bà có biết tui bao nhiêu tuổi rồi o ??/
 Mấy cọng rau mồng tơi Chi làm rơi xuống đất tơi tả.khi nghe chị Năm nói ra cái ý tưởng ngộ nghĩnh này

 _ Bà nghe tui nói đây, tui giữ cháu cho bà TiNa chủ quán Cà Phê Trăng Vàng  bã bảo trợ cuộc thi  Hoa Hậu Phu Nhân cho Cộng đồng 2 , chuẩn bị xong xuôi hết, tuần sau là thi trong buổi hội chợ Tết cuối năm , mà đến nay chưa có ai ghi tên hết, tui rủ bà và một chị nữa tui mới quen, bã chịu rồi.

_ Cộng đồng hai là của ai, chỗ mình ở có một nhúm người Việt mà sao nhiều cộng đồng vậy sao? sao mới đó mà bà rành dữ vậy? mà ra dự thi có được gì o ? Có bận áo tắm lượn qua lượn lại không? trời ơi sao bà gan quá .

_Tui hỏi bà , nếu không làm cho mọi người chú ý đến mình thì không ai biết mình là ai hết, như bà đó, ở đây gần hai mươi năm mà cũng chưa kiếm được tấm chồng, cứ đi làm về nhà coi phim bộ rồi ngủ, mai thức dậy đi làm nữa...bà biết không :Có nhiều người muốn nổi tiếng còn thuê người khác viết văn, làm thơ, sáng tác nhạc, vẽ tranh V.V...rồi gởi đăng tứ lung tung cho mọi người biết đến mình đó có sao đâu.

_ Mấy cái bài văn bà chép tay đem từ bên VN. sang chắc bà cũng mướn luôn hả, bà hay ghê.

_Không phải mướn mà tui nhờ một ông bạn già ở bển văn hay chữ tốt viết cho tui, khi nào tui thi hoa hậu xong, ổng gởi thêm qua tui sẽ cho xuất bản và ra mắt sách ở đây.phải làm vậy người ta mới biết đến mình, ai như bà...

Chi thật bất ngờ và vô cùng thán phục cho" lòng can đảm và ý chị đổi đời" của bạn.

  _Thôi thôi tui chưa bao giờ dám nghĩ tới mấy chuyện đó, tụi mình gần sáu bó hết rùi, ai người ta cho, vả lại tui với bà đều không có "phu quân " làm sao gọi mình là "phu nhân "được hở bà, thôi bỏ đi, coi chừng thiên hạ cười chết, thôi tui chỉ đứng nhìn bà làm cũng được, đi đâu tui chở dùm thôi.

_ Hổng sao hết, bà Ti Na nói là sẽ bảo Em Xi không giới thiệu tuổi tác gì cả, cũng không có sơ kết, bán kết chi hết, nếu tụi mình đồng ý thì chỉ có chung kết cho ba người mà thôi, sẽ có giải hoa hậu, Và hai Á hậu mà thôi, bà đi với tui cho vui, chỉ tui và bà kia cũng buồn mà, chắc hổng sao đâu.

_Chuyện gì thì tui giúp bà chứ chuyện này thì tui xin đầu hàng hai tay, bà có biết là phải trang điểm, đi giữa sân khấu cho người ta chấm điểm, mấy người hàng xóm cười mình chết, thôi thôi bà có gan thì làm một mình đi, ủa còn bà kia là ai vậy?

_ Bà này tui mới biết qua bà Ti Na, hình như là vợ một ông Mỹ đen mới về Việt Nam cưới qua, ít tuổi hơn tụi mình nhưng mập hơn tui, lại không "tài năng" bằng tui, nên mình hy vọng hơn.

Chi nghe bà Năm nói xong, bỗng cứ bần thần và cứ ngắm đi ngắm lại người đàn bà này mấy bận mặc dù Chi cũng không lạ lẫm gì với người láng giềng xưa cũ, không ngờ nay lại "quá là can đảm quá chừng"

Ngày trước khi còn ở Việt Nam nhà Chi và nhà chị Năm chung một giáo xứ, cái giáo xứ Nhơn Hòa nhỏ bé gồm hơn 60 hộ giáo dân, sống bằng nghề dệt chiếu , cuộc sống cũng vất vả nhưng người nào cũng có việc làm đắp đổi qua ngày, chỉ những nhà nào buôn bán thêm thì mới khá hơn còn không cũng chỉ nhì nhằng như nhau, khi còn ở quê nhà Chi cũng chỉ sống bằng nghề dệt chiếu.

Hàng ngày vào buổi sáng,  chị Năm ngồi bán trên cái thớt thịt dựa sát mé hiên nhà của khu chợ chồm hổm, bán vài tiếng đồng hồ vào buổi sáng, sau đó chị về nhà tiếp tục dệt chiếu như ai.
 Người trong họ đạo vẫn gọi chị là "chị Năm lòng Heo" vì chị thường bán thau lòng heo và thau huyết tươi cho người ta đánh tiết canh, cả khu vực toàn người Bắc di cư, chị không chồng nhưng cũng có hai con, một trai và một gái.chúng cũng được học hành hẳn hoi.
Cuộc sống mấy mẹ con cũng bình yên nhờ vào thau lòng heo của chị, cả ba mẹ con đều béo tốt và phủ phê nhờ vào sự buôn bán của chị, chị là.một người mẹ đảm.

 Khi gia đình Chi được người anh cả di tản năm 75 bảo lãnh cho cả gia đình sang định cư ở tiểu bang lạnh giá này, Chi được xin làm cho hảng đồ hộp và dừng chân ở đó mười mấy năm trời, đến nay Chi đã ngoài 50 mà vẫn chưa gặp người để nâng khăn sửa túi, mặc dù thiên hạ ở Việt Nam vẫn mộng tưởng rằng :"đàn bà ở Mỹ có giá lắm thay", những ngày mới đến Mỹ cũng có vài người theo Chi, nhưng Chi còn kén cá chọn canh...dần dà rồi trôi luôn.những người đàn ông ấy cũng lìa xa nàng theo năm tháng.

  Mấy năm gần đây, ông nào vợ chết hay vợ bỏ, thảy đều về Việt Nam cưới vợ trẻ nhỏ hơn hai ba chục tuổi , họ không màng đến những phụ nữ luống tuổi ...Nhưng hầu như tất cả mọi phụ nữ ở xứ ta vẫn cho là "đàn bà vẫn còn cao giá trời Tây." Chi bỗng thấy tủi thân vô hạn


+++

Cậu em út của Chi là Tùng khi rời Việt Nam mới 17 tuổi và học chung lớp với cô con gái chị Năm, năm năm sau Tùng về Việt Nam cưới Quyên đưa sang, khi Tùng và Quyên có được hai con thì Quyên bảo lãnh cho mẹ sang, mục đích là để giữ con cho hai vợ chồng đi làm nail.

Ngày bà Năm sang Mỹ, Chi rất ngạc nhiên vì sắc vóc chị khác hẳn xưa, mũi cao, mắt sâu, thân hình thon thả hơn xưa, ăn diện hơn cả Chi là người đã ở Mỹ gần 20 năm .Chi cứ tấm tắc khen về khoa phẩu thuật thẩm mỹ ngày nay.nhưng tuy biết vậy nhưng Chi không bao giờ dám nghĩ là mình sẽ có gan đưa da thịt mình cho người ta cắt xén.

Bà Năm khoe với Chi là bán được nhà đất ở cái giáo xứ nghèo nàn sống bằng nghề dệt chiếu ngày xưa nay "đổi đời" nhờ nhà đất lên giá, những khoảnh đất ngày xưa hoang hóa, vườn tược khô cứng, nay bán cho các công ty nước ngoài đơn vị tính bằng "bạc tỉ"...đó là nguyên do vì sao "Chị Năm lòng heo" nay thay hình đổi dạng và sang trọng hơn người, thỉnh thoảng bà lại đọc cho Chi nghe những bài văn được chép tay, những mẫu chuyện kể nghe cũng rất là lâm ly bi đát lắm, ký tên là Thanh Xuân.

Đôi lần Chi tò mò hỏi chị Năm về cái tên Thanh Xuân thì chị xác nhận là chính chị...Đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, nhưng Chi không dám hỏi thêm nhưng thực tâm Chi cũng thầm thán phục cho "sự can đảm"của chị Năm, quả là một phụ nữ có cá tính vươn xa.

Ngày chị Năm Lòng heo lên sân khấu, cả xóm tò mò kéo đến hội chợ Tết tham dự, mục đích để coi "Bà Năm má con Quyên thi hoa hậu phu nhân"

Người giới thiệu chương trình giới thiệu quan khách gồm nhiều tước vị quan trọng trong cộng đồng 2, người nào cũng chỉnh chu trong những bộ đồ vét thẳng nếp, lần lượt trịnh trọng đứng lên với những chức tước lon lá ngày xưa được đi kèm với những chức vụ mới như chủ tịch hội đoàn này , chủ tịch cộng đồng nọ....sau là các nhà văn, nhà thơ của tiểu bang người nào cũng trang trọng đứng lên nhận những tràng vỗ tay rôm rả.

Chi chỉ muốn cho mau nhìn thấy "Hoa hậu phu nhân" của màn chung kết.

Kia rồi

Hai người đẹp xuất hiện trong áo dài truyền thống, cũng lượt là, phấn son, cúi chào khán giả và lui bước vào ra với áo dạ hội tự chọn...nhìn từ xa coi cũng đầy sắc màu hoa lá, phấn son, lụa là cũng làm che mắt được nhân gian.

Bao nhiêu tiếng xầm xì to nhỏ:

_Bà Năm má con Quyên chứ ai

_Bà Năm là Thanh Xuân

_ Bà Năm lòng heo là hoa hậu phu nhân Thanh Xuân...

_ Bà Ngọc vợ ông Mỹ đen là á hậu....

Những tiếng cười râm ran , to to , nhỏ nhỏ...xen lẫn những tiếng vỗ tay rời rạc

Hai chiếc vương miện lóng lánh trên đầu hai người đàn bà với hai nụ cười mãn nguyện trên môi như những cánh hoa đủ màu trên tay họ cũng đã làm cho nhiều người có thêm những trận cười khi vui câu chuyện kể.

Từ ngày sau cuộc thi hoa hậu, bà Năm bỗng trở nên quan trọng và bà bắt  đầu quen biết những người đàn ông lão thành của cái thành phố bé xíu này, có cuộc sinh hoạt nào của hai cộng đồng "hoa hậu phu nhân Thanh Xuân"  đều có tham dự...và luôn đeo cứng cái vương miện trên đầu khi đi đến những nơi ấy, những lời xầm xì vì sự lạm dụng quá nhiều vào cái hư danh ấy, nhưng bà năm vẫn bỏ ngoài tai...

   Năm sau hình như một trong hai cộng đồng cũng có nêu tiết mục này nhưng không có "phu nhân " nào dám làm cái công việc vĩ đại ấy, các bà chỉ lo làm và lo việc nhà và có lẽ các ông chồng cũng không muốn để cho vợ mình làm cái công việc kệch cỡm ấy chăng.

Hơn hai năm sau ngày lãnh giải vẫn thấy bà năm đội vương miện khi đến đám đông, có lần Chi góp ý với hoa hậu Thanh Xuân:

   _ Bà đeo hoài cái vương miện ấy không sợ nó hư sao? sao hổng cất ở nhà cho rồi.
   _ Tui mua tới mấy cái thay đổi nên không sao đâu bà đừng lo...rồi bà nói sang chuyện khác

Sau đó bà còn mướn hội trường ra mắt sách, những câu chuyện được nắn nót chép tay đem từ quê nhà sang,bây giờ đã được in thành sách, lúc nào trước đám đông bà cũng để nguyên cái vương miện mà bà TiNa ban tặng giữa đỉnh  đầu đôi khi mái tóc ngắn không giữ nổi cái vương miện cứ chực chờ rơi xuống đất.

Có lẽ đó là thời trang của các "Hoa hậu phu nhân" không cần biết năm tháng nào, tuổi thời gian nào...họ vẫn tự tin và giống nhau như hệt.nhân một lần nhìn thấy một hoa hậu khác ở Cali cũng mang vương miện đi khắp chợ.để quảng cáo cho các thương hiệu, với nụ cười mãn nguyện trên môi

Hai chữ "đổi đời", Chi vẫn  thường nhìn thấy ở Việt Nam sau những cơn sốt đất đai, còn ở hải ngoại thường thấy khi "Việt kiều hồi hương" người ta thường dùng từ 'áo gấm về làng" ...

 Nhưng với câu chuyện của "Bà Năm lòng heo trở thành hoa hậu phu nhân"cũng là một cái "mốt thời thượng" của các bà muốn đổi đời, thực chất chị cũng là một phụ nữ có cá tính.

Chi cũng từng biết cũng có nhiều người khác thì tự quảng cáo cho mình bằng cách "thổi phồng những bằng cấp không tưởng của mình" như có người đã từng bảo rằng đã từng :" có hơn ba bốn chục phát minh cho nước Mỹ, đem lại bạc tỉ cho Hoa Kỳ...nhưng vẫn không được trọng dụng..."???

 Những khoa trương hay tự đánh bóng cho cá nhân của mỗi người cũng chỉ mưu cầu" một chút danh cho mình", trong cái tự do của nước Mỹ,lẽ ra phải vô  cùng  biết ơn họ đã giúp cho người lưu vong tự tô son trét phấn cho nhau trong niềm tự hào  của mỗi người...

 Bên cạnh những hư danh mà các  người luống tuổi tự tạo cho mình thì bù lại cũng có rất nhiều giới trẻ, hậu duệ của các bậc làm cha mẹ sản sinh ra, cũng có rất nhiều nhân tài ...họ có những bằng cấp cao và một số phát minh của giới trẻ Việt Nam được công nhận và tưởng thưởng rất xứng đáng.

Bên đường chiều nay những bông hoa bạc trắng trên các cành cây hai bên đường như mái
 đầu chớm bạc của Chi và nỗi buồn của một thân phận cô đơn giữa buổi chiều tháng ba với trăm nghìn trăn trở.

Những bông hoa trắng tinh đặc quánh trên cành thì thào to nhỏ bên nhau...

  Sao chỉ mỗi mình Chi với những nỗi quạnh hiu cố hữu.



Tháng ba năm 2012

Nguyên Hạ_Lê Nguyễn








Không có nhận xét nào: