Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2013

CHIẾC LÁ CUỐI THU



     Khi những chiếc lá cuối cùng trên hàng cây chụm ngọn thân quen...bẽ bàng lìa cành rơi tả tơi xuống cội, mùa thu đã giã từ , mùa thu mờ bóng nhạt nhòa tự ngày qua...với niềm đau và nỗi nhớ tiếc đã dày vò tinh thần chàng suốt thời gian qua . Xuân Hạ hay Thu Đông cũng chẳng là gì với một nỗi buồn bất tận.

     Kéo cao cổ áo, ấp bàn tay vào đôi găng da đen để giữ ấm cho đôi bàn tay cóng mỗi sáng ngồi hàng giờ sau tay lái trên con đường quen thuộc đến sở làm...Đây cũng chính là thời gian cho tâm hồn ngược về quá khứ, một quá khứ thật gần mà Tuân tưởng chừng đã thật xa.

      Ngày ấy, Tuân đặt chân đến thành phố này với tâm hồn dạt dào sức sống của một chàng trai tuổi đôi mươi, công việc hàng ngày với những hăm hở , cuồng nhiệt của một thân phận của một đứa con xa luôn nghĩ về quê hương, ở đó có cha mẹ, anh chị em, bạn bè và xóm làng bỏ lại...chàng chỉ mong kiếm thật nhiều tiền để gởi về Việt Nam giúp đỡ gia đình và những người thân yêu đang ngóng chờ ở đó.mỗi ngày hàng cây quen thuộc như vẫn nói cùng chàng những lời thăm hỏi, ấm áp và bình yên.

    Thời gian mới đến Tuân cũng theo học vài lớp ESL. cho quen với những câu chào hỏi thông thường hàng ngày và biết điền đủ mẫu đơn xin việc, khi đã được nhận vào làm ở một hảng sản xuất phụ tùng xe hơi, lương mỗi tháng với những giờ overtimes mỗi ngày cũng đủ trang trải cho đời sống hàng ngày cùng chút ít tiền giúp đỡ gia đình hàng tháng...chàng cứ miệt mài với công việc và mãi quên đi cuộc sống đơn lẻ một mình...
    Thỉnh thoảng bạn bè cùng chỗ làm cũng mời đến nhà họ dự tiệc, cũng giới thiệu cho Tuân một vài cô gái cùng trang lứa...nhưng qua vài lần giao tiếp chàng tư cảm thấy mình không đáng ứng được những yêu cầu của họ, nên chàng từ từ rút lui và giữ khoảng cách vì không muốn bị lụy phiền vì những đòi hỏi mà chàng chưa đáp ứng được cho họ.

   Thời gian sau này, nhiều thanh niên ở Mỹ bắt đầu trở về lấy vợ bên Việt Nam đưa sang , rồi lần lượt nhiều người nữa... cả những cụ già cũng có thể về quê nhà lấy những cô vợ thật trẻ, họ đem những đồng tiền kiếm được bằng mồ hôi nước mắt về phung phí nơi quê nhà để được đổi lấy những phút giây hạnh phúc phù phiếm.
     Ở  hoàn cảnh Tuân thì chàng chưa làm được công việc cao sang ấy vì thu nhập chàng cũng rất ít ỏi cũng chỉ vừa khéo cho các chi tiêu hàng ngày, cọng với bản chất hiền hòa của chàng, công việc và chỗ ngồi này cũng là khá cho cuộc đời chàng lắm rồi so với những ngày cơ cực nơi quê nhà.

     Bạn bè xung quanh thúc hối và cả cha mẹ chàng cũng thường nhắc nhở ,bà con, bạn bè bên Việt Nam cũng nhắn nhe thúc hối chàng, Tuân cũng bắt đầu cảm thấy nhu cầu này cũng hợp lý với mình...vả lại xa quê nhà gần hơn mười lăm năm, mà chàng chưa lần về thăm quê hương, nhìn lại những người xung quanh, nhiều người chỉ mới sang vài ba năm là đã "Áo gấm về làng'...phủ phê và hảnh diện với xóm làng biết bao, còn chàng lầm lũi mỗi ngày sáng tối như nhau với ngập tràn công việc mà cũng chỉ đủ trang trãi cho đời sống độc thân và chút tiền hàng tháng cho cha mẹ và thỉnh thoảng cứu đói cho anh chị em chàng còn ở lại.

    Sau vài năm tằn tiện nữa Tuân mới chuẩn bị cho mình một chuyến về thăm cha mẹ vì bây giờ cha mẹ chàng cũng đã ngoài tám mươi, vẫn ngày đêm trông chờ đứa con xa...

    Trên chặng đường dài ngồi trên máy bay, Tuân ngồi bên một người đàn bà trung niên người miền Nam, qua lời thăm hỏi về gia cảnh nhau, bà ta biết chàng còn độc thân, mặc dù Tuân cũng gần tuổi bốn mươi, bà ta cho địa chỉ và số phone cho chàng vì muốn giới thiệu một đứa cháu gái của bà vừa tròn tuổi  đôi mươi cho Tuân, bà hẹn chàng khi về saigon sẽ đưa cô cháu đến cho chàng coi mắt...Tuân cũng chỉ ậm ừ cho vui câu chuyện.

     Máy bay gần đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất, nhìn xuống vùng đất quê hương qua khung cửa hẹp của thân bay...vùng trời ấy đã chứa bao kỷ niệm một thời tuổi trẻ của chàng, ở đó chàng cũng có vài mối tình học trò nhẹ nhàng và không đậm nét...vì thời cuộc, vì cơm áo thôi thúc, hễ có cơ hội là bất cứ ai cũng muốn ra đi... cơ may đã đến với chàng...nhân một chuyến về Cái Sắn thăm người Bác trong ngày thành hôn của Người con trai lớn người Bác có nhờ Tuân đưa xuống vài người khách mời ở Hốc Môn muốn xuống Kênh B dự tiệc cưới.chuyến đi định mệnh mà Tuân không hay rằng sẽ đưa cuộc đời chàng vào một khúc quanh mới.

    Mãi sau tiệc cưới Tuân mới biết là một đám cưới giả để đưa khách xuống bến ra khơi, Tuân cũng được đi theo mà không phải chi trả vàng cho chủ nhân vì chàng có công đưa đường cho những người đến trạm ra biển lớn, may mắn tiếp nối may mắn, chuyến đi thuận buồm xuôi gió đưa mấy chục con người đến trại đinh cư rồi cũng đưa chàng đến nước thứ ba là một tiểu bang nhỏ Đông Nam của Mỹ.

     Gần hai thập kỷ xa quê hương với những công việc trong hảng xưởng không có gì làm thay đổi hẳn bản chất mộc mạc cố hữu của chàng trai hiền lành nơi xóm đạo ngày xưa cũ.
   
     Ngày trở lại thành phố cũ với biết bao bỡ ngỡ vì những xe cộ và phố xá thay màu áo mới, hào nhoáng, ồn ào và choáng ngợp...Trở về căn nhà cũ của cha mẹ chàng trong khu định cư của người công giáo mãi tận Hốc Môn, vẫn không thay đổi mấy với không gian ngày chàng ra đi...Vẫn tiếng chuông sớm tối, vẫn những cụ già lễ sớm lễ chiều, vẫn những đứa trẻ ê a` những câu kinh nhật tụng...

     Bạn bè xưa cũ của chàng ai cũng yên bề gia thất với những công việc tạm sống qua ngày, cũng không đứa nào có cuộc đời khởi sắc, nếu Tuân còn ở lại thì cũng chung cảnh khó nghèo như họ.

    _ Ê Tuân đó hả, cậu về lần này bao giờ đi? đã có gia đình chưa? được mấy cháu rồi??

    _ Mình vẫn chưa lập gia đình, mình về ba tuần,  thăm gia đình và bạn bè

    _ Bạn bè mình bây giờ tản mạn khắp nơi, để tớ nhắn chúng nó rồi mình họp mặt một buổi cho vui.

   Đức là đứa bạn hàng xóm và chung lớp ngày nào với Tuân, nhìn bạn đen đúa vì nắng gió bỡi Đức theo nghề chạy xe ôm, đắp đổi cơm rau với đàn con năm đứa...cuộc sống bạn bè Tuân đứa nào cũng thảm thương tội nghiệp vì thế Tuân cũng không muốn tổ chức tiệc tùng đình đám chỉ mời vài đứa bạn gần nhà đi ăn uống vài lần cho phải phép rồi trở về nhà cùng bố mẹ.

     Tuần lễ sau bỗng một sáng chàng muốn nhờ Đức đưa về saigon thăm vài người bà con, thì chàng có khách .
     Đó chính là người đàn bà mà chàng đã gặp trên chuyến bay...Bà đem đến biếu cha mẹ chàng nhiều quà cáp rồi mời chàng ghé thăm nhà bà ngay hôm ấy.

      Tuân bị choáng ngợp trong cái không gian đầy màu sắc sang trọng và giàu có dư dả của một giai cấp thượng lưu của Sài gon sau ngày đổi mới...cô cháu gái tên Mai mà bà muốn giới thiệu cho Tuân cũng xinh đẹp và lịch thiệp như cha mẹ nàng, Tuân như một thượng khách của gia đình họ, những bữa ăn ngon, những cuộc đi chơi phù phiếm đã làm chàng như trẻ lại...bây giờ chàng mới biết chỉnh chu lại bộ mặt và trang phục cho phù hợp với cương vị "Việt kiều" và cả với Mai, cô con gái nhà giàu cháu bà Lâm là người đàn bà mà bây giờ Tuân gọi là  cô của vợ.

   Suốt thời gian còn ở lại Saigon Tuân như ngập tràn trong niềm vui bên người con gái xinh đẹp mà chưa bao giờ trong cuộc đời chàng dám mơ mộng là sẽ được quen biết. Gia đình Mai lại muốn gả cô cho Tuân...
    Một đám hỏi sang trọng được tổ chức tại một nhà hàng lớn tại Saigon do nhà gái tự biên tự diễn, Tuân và cha mẹ, anh chị em chàng chỉ bỏ công đến tham dự với niềm vui và hảnh diện, hạnh phúc đến với chàng thật nhanh chóng và tròn trịa, có lúc chàng cũng nghĩ ngợi... lo sợ và đắn đo...nhưng lại cố xua đi màu đen tối của tương lai mà chỉ thấy một màu hồng trước mặt: "ở đó có cặp vợ chồng thương yêu nhau và đám con nhỏ xinh xắn."..

    Sáu tháng sau ...do sự lo toan của bà Lâm , vợ chàng đã sang Mỹ theo diện "Đính hôn"...Căn phòng nhỏ mà mấy năm qua Tuân vẫn "share" trong căn nhà ba phòng của một cặp vợ chồng chung hảng, mai này sẽ đón cô vợ mới xinh đẹp hay sao???

    Đó là câu hỏi mà đêm ngày Tuân lo lắng...mặc dù khi ở Việt Nam Tuân cũng không "nổ " gì với bên họ hàng nhà Mai, chàng chỉ làm theo sự chỉ dẫn của người đàn bà mà nay chàng gọi là "Cô Lâm"làm đạo diễn tất cả, vả lại lần đầu gặp bà Lâm chàng cũng đã nói thật là chàng cũng chỉ là một người đi làm hảng lương tháng ít ỏi, lại thêm gánh nặng gia đình ở Việt nam nên mãi gần bốn mươi tuổi mà chàng cũng chưa nghĩ đến chuyện chia chăn ấm cùng ai cả....

    Bỡi thông cảm cho hoàn cảnh chàng mà mọi việc cho cuộc cưới gả gia đình mai lo hết , ngay cả giấy tờ cho chuyến ra đi cùng vé máy bay cho Mai sang bà Lâm cũng chu toàn , chàng không phải gánh phần nào cả...

    Bây giờ chàng chỉ còn lo tổ ấm cho hai người và những vật dụng cho sinh hoạt mỗi ngày của một cặp vợ chồng son mà chàng cũng không lo nổi ...thì không còn nỗi khổ nào hơn...
    Cuối cùng Tuân cũng vay mượn các thẻ tín dụng một số tiền để thuê một căn hộ một phòng của một chung cư rẻ nhất, sắm sửa mọi vật dụng mới cho một cặp vợ chồngmới cưới, chàng cũng khổ sở lắm với những mối lo khi đối diện người vợ trẻ.

     Hạnh phúc bất tận và choáng ngợp cả tâm hồn Tuân khi nàng sang vào một buổi sáng mùa Xuân nơi đất lạ...
      Những ngày đầu Mai ở nhà cô nàng và sau khi làm giấy hôn thú nàng cũng dọn sang chung cư ở với chàng được vài tháng ...Thời gian sau nàng viện lý do phải sang nhà cô nàng ở để mỗi ngày theo con gái bà Lâm đưa đi học ESl. và Tuân đến thăm nàng vào cuối tuần...

     Bà Lâm khuyên hai người nên nghĩ đến tương lai cho con cái ...Mai phải đi học một nghề để bảo đảm cho tương lai, thế là vợ chàng phải ở lại nhà bà cô đi học, Tuân về nhà một mình tiếp tục công việc thường ngày của mình...Chàng cũng nhận thấy có những cái không bình thường trong cách này và tính cách không mặn mà của "vợ chồng" với nhau...nhưng bản chất hiền lành và cả nể, chàng cũng tạm chấp nhận với cuộc sống mới này.

+++++

     Một buổi sáng thứ bảy...một ngày cuối tuần như mọi lần...chàng hăm hở thức dậy sớm, dọn dẹp nhà cửa, cạo râu, tắm rửa sạch sẽ, diện bộ quần áo sạch sẽ và tươm tất nhất...gọi điện thoại cho Mai trước khi đến nhà bà Lâm đưa Mai đi lễ nhà thờ, sau đó hai người đi ăn trưa và đi chợ hay đi shopping...điện thoại reo mấy lần không thấy nàng bắt máy.

   Tuân chạy xe đến nhà bà Lâm thật hối hả vì lo sợ Mai đau ốm chi không???
   Không thấy ai ra tiếp đón chàng, một lúc lâu mới thấy người con gái lớn của bà Lâm cho biết là gia đình bà và cả "vợ chàng" là Mai cũng đã theo gia đình bà dọn đi tiểu bang khác, căn nhà này chỉ còn lại vợ chồng chị ở lại.

_ Má tôi , các em và cả Mai đều đã dọn sang Texas cho các em  theo học ở những trường lớn ở đó .

_ Đi bao giờ sao không thấy Mai nói với tôi???cả cô Lâm cũng không nói chi cả

_Ủa, vậy sao, tôi cứ tưởng là hai người đã thỏa thuận với nhau trước chứ???sao nó kỳ vậy? hay nó muốn bỏ ông? gọi mà hỏi nó tôi không biết.

_Tôi cũng không biết gì cả, chị cho tôi xin số phone...tôi, tôi sốt ruột lắm.

 _ Anh gọi số của nó, tôi đang bận lắm, từ nay đừng đến đây nữa, tôi không biết gì hết.


   Tuân lầm lũi ra xe như kẻ mất hồn, hụt hẩng và choáng váng như vừa qua một cơn bệnh nặng, môi đắng, mắt hoa, tâm thần bất định...trở về nhà tiếp tục gọi cho Mai nhiều lần cũng chỉ nghe tiếng phone reo và câu nói lập đi lập lại "để lại lời nhắn"...

     Hai năm qua...chàng đã nuôi một hạnh phúc ảo tưởng, khi gần khi xa, chàng không dám nghĩ đến những bất hạnh sẽ xảy ra cho mình, mặc dù Mai không tỏ thái độ mặn mà với chàng nhưng Tuân vẫn cứ cho là tại nàng lo học hành để lo tương lai của hai vợ chồng mai sau...đã là vợ chồng thì phải hy sinh cho nhau, mai sau Mai học xong ra làm nhiều tiền thì cả hai sẽ thảnh thơi hơn.


      Những khoảng tiền gởi về quê nhà chàng cắt hết để lại lo chi tiêu vào những ngày cuối tuần của hai người, ngày mẹ chàng mất, Tuân cũng không có tiền về lo chôn cất, chỉ gởi về chút ít cho bên nhà lo toan...mọi chi phí học hành của Mai chàng cũng tích cực góp công...
     Những nợ nần trong những thẻ Credit card...ngập tràn, biết đến bao giờ chàng trả cho xong???

    Suốt hai ngày cuối tuần chàng nằm liệt giường không màng ăn uống, Tuân để điện thoại bên cạnh để  hòng nghe một tiếng reo vang...nhưng tất cả đều yên ắng.

    Những ngày sau chàng cũng phải lái xe đi làm với tấm thân xanh xao bệ rạc...những người làm chung với Tuân vô cùng ngạc nhiên và ân cần thăm hỏi, nhưng chàng cũng chỉ lắc đầu thiểu não.

    Thời gian sau Tuân dọn về lại căn phòng cũ của vợ chồng người bạn làm chung hảng cho đỡ tốn kém và bớt cô đơn. Tuy không hề hở môi tâm sự cùng bất cứ ai, nhưng bạn bè quen biết cũng thầm suy đoán về nỗi buồn mà Tuân đang nhận chịu.

    _ Tuy ông không nói ra nhưng tụi tôi biết là ông bị vợ bỏ rồi, thôi buồn làm chi ông ơi...mai mốt lấy vợ khác, lấy ai cũng "dzợ mà"

    _ Con nhỏ ấy cũng không gạt của ông được bao nhiêu ...ông đâu có giàu có chi mà gạt, chỉ là mượn ông làm chiếc cầu đưa nó sang mà thôi ông ơi.

    _ Thôi bỏ đi ông ơi, nhiều ông già khác còn bán cả nhà cửa, bỏ cả vợ con đưa nó sang, hai năm sau là bị đá văng long lóc...chết lên chết xuống mấy năm... rồi cũng sống nhăn.

    _ Ông còn được ở với nó hơn hai năm là còn may mắn hơn nhiều người lắm, thôi bỏ đi, lo làm ăn rồi gầy lại cuộc đời.... đàn bà con gái thiếu gì.

      Những lời khuyên hay những lời trách cứ...chàng nghe như chưa nghe...Tuân vẫn buồn...nhất là khoảng thời gian một mình hàng giờ bên tay lái hay những đêm thao thức một mình trong căn phòng nhỏ...

     Trước mặt Tuân bây giờ là khoảng không gian mờ đục của một buổi chiều thu se sắt lạnh...những chiếc lá thẫm màu đang run rẩy lìa cành, cảnh vật buồn ảm đạm với tiết trời ẩm đục...chút nữa đây trở về căn phòng bừa bộn chiếu chăn và những bữa ăn một mình tẻ nhạt...cuộc sống từng ngày qua chậm chạp với những cái rùng mình se sắt thịt da.

    Một chiếc là màu nâu đậm còn sót lại trên cành cây trước nhà rơi đáp trên bàn tay Tuân lạnh giá, chàng cầm lấy chiếc lá cuối thu trong lòng bàn tay chập chùng những đường vân mờ nhạt...

   Chiếc lá làm bầu bạn với chàng trong mảng tối của căn phòng bừa bộn cọng với nỗi buồn đau.

   Chiếc lá  cuối thu và chàng...
                                                 Ai lạnh lẽo hơn...nhau


Atlanta Dẹc. 15th 2013

    Nguyên Hạ_Lê Nguyễn



 _ 

Không có nhận xét nào: