Thứ Ba, 18 tháng 4, 2017

HY SINH CỦA MẸ



    Hòang hôn xuống dần sau lưng ngôi nhà của chủ, Ngọc bần thần trong tư tưởng sau khi nghe xong cuộc gọi của đứa con trai lớn của nàng từ Việt Nam gọi sang...hàng tuần nàng vẫn gọi về cho các con vào ngày cuối tuần , nhưng nếu có cuộc gọi nào từ bên ấy sang "tức là có chuyện phải lo toan"...
     Ngọc bắt đầu sắp xếp sao cho chu tòan những đòi hỏi của từng đứa con...Có lúc nàng như phát cuồng vì không sao tìm ra giải pháp cho hợp lý...tấm lòng của người mẹ luôn bao dung và không thể nào làm ngơ trước những nhu cầu cần thiết của đàn con bốn đứa nơi quê nhà....
     Làm sao để kiếm ra tiền , thật cấp bách và vô cùng nan giải cho một người đàn bà luống tuổi, không tinh thông ngôn ngữ xứ người ta, không bằng cấp, không cả chốn nương thân giữa xứ người xa lạ...
        Bạn bè bây giờ với ngọc bỗng thật xa,,,hàng ngày nàng cũng chỉ đối diện cùng nỗi buồn và những giọt nước mắt từng đêm ngày làm "bầu bạn"

   ***

    Đã bao năm qua từ ngày rời bỏ quê hương sang định cư tại Hoa Kỳ dưới sự bảo lãnh của người chị ruột, một mình ra đi , bỏ lại bốn đứa con và một đám cháu nhỏ...vì các con Ngọc đã trên 21 tuổi nên không được hưởng tiêu chuẩn này...cũng vì muốn giúp các con nàng có cuộc sống khá hơn trong tương lai , thực bụng nàng cũng không muốn rời xa các con ...tuổi đời Ngọc cũng đã gần sáu mươi, cái tuổi mấp mé về già , thời gian an dưỡng bên con cháu mới thích hợp, nhưng nàng cũng phải một mình ra đi .

    Ngày Ngọc chuẩn bị rời xa quê hương thì có người đến đòi cưới đứa con gái út của nàng vừa tròn 22 tuổi, theo lời khuyên bảo của người thân và ý kiến của các con, thảy đều mong cho các con yên bề gia thất.

     Một đám cưới thật vội vàng cho cô con gái út, tuy gấp rút nhưng cũng rất rình rang , từ số tiền vay mượn của Ngọc để lo cho con thật chu đáo ...Vì dù sao Ngọc cũng sắp là "Việt Kiều Mỹ " nay mai mà.

    Ngồi trên máy bay với biết bao hăm hở, âu lo, tính tóan và sau cùng là nỗi buồn lo...không biết ngày mai nơi xứ người : Ngọc sẽ làm công việc gì để làm ra tiền thật nhiều để gởi về thanh tóan số nợ nần mà nàng đã vay mượn để chi phí cho thời gian chuẩn bị ra đi...

     Yêu cầu của bốn đứa con nàng thì dày đặc, đứa thì cần chiếc xe máy để đi làm, đứa thì cần tu sửa lại ngôi nhà cũ để được khang trang hơn xưa...cô con gái út mới lấy chồng thì cần rất nhiều tiền... mua sắm quà cáp cho phía nhà chồng khi về thăm lần đầu và chi phí cho một chuyến "trăng mật" sau ngày cưới...
     Lại còn tiền đãi tiệc chia tay với bạn bè, bà con và sui gia của các con, số khách mời mỗi ngày một nhân rộng hơn khi tin nàng sắp lên máy bay đi Mỹ "hốt bạc"

     Hàng đống tiền phải chi trả trước ngày ra đi...chỉ mới làm "chuẩn Việt Kiều " mà nợ nần  còn lại tính hơn vài trăm triệu, số tiền này nàng cũng phải vay mượn và chịu phân lời khá cao . Bây giờ ngồi nhẩm tính lại nàng mới giật mình lo toan cho những ngày tháng tới.

***

    Hai chị em Ngọc được người chị cả bảo lãnh đã hơn mười năm giờ mới được ra đi...người chị cùng đi với Ngọc thì rất bình yên vì chị không chồng con, khi ra đi chỉ thu dọn mớ quần áo và tư trang gọn nhẹ ra đi.

   Ngọc đã li dị và mang gánh nặng bốn đứa con hai trai hai gái, chúng đã lập gia đình nhưng tất cả cũng đều vất vả, đứa làm công nhân , đứa dạy học ở nông thôn, đứa con gái lớn thì sống bằng công việc 'ghi số đề", công việc của Ngọc ngày cũ đã truyền lại cho hai cô con gái, đời sống tạm bợ và bấp bênh theo từng ngày.

   Ngày gần ra đi thì có người đến xin cưới cô con gái út, người thanh niên này từ xa đến làm việc tại thành phố này đã từng quen biết cô Út, nhưng chưa tính chuyện cưới xin , nhưng vì biết mẹ của bạn gái sắp đi Mỹ nên cũng vội vàng xin cưới gấp để được làm "rể Việt kiều"

    Bao nhiêu diễn biến  xảy ra trưiớc ngày Ngọc ra đi, tất cả như  một giấc mộng, mẹ con nàng đóng trọn vai trò của một gia đình sắp bước chân vào chốn giàu sang, thay đổi cả cuộc sống, những xôn xao, phù phiếm cho dù là vay mượn nhưng cũng làm cho các con nàng mộng tuởng về một chân trời rộng mở cho đại gia đình nàng trong tương lai, đó là chưa nói đến một ngày nào đó Ngọc sẽ đưa tất cả bốn gia đình các con nàng và đám cháu chắt cùng bay lên bầu trời và cùng định cư tại xứ cờ hoa bậc nhất thế giới.

***

    Máy bay dừng lại trên phi đạo giá rét của một tiểu bang thuộc Bắc Mỹ, thời tiết của tháng mười hai đã ngập ngụa những trận tuyết dày đặc kéo về, những đồ ấm mang từ Việt nam sang không đủ che chắn những giá buốt thê thảm của vùng bắc Mỹ...hai chị em co ro, thu nhỏ lại trong một góc phi trường đợi chờ...

     Người chị cả và chồng chị là một người Mỹ trắng già mập ú, hai chiếc má phúng phính đỏ gay vì gió rét, họ đưa chị em Ngọc đến một căn Apartement nhỏ cũ kĩ , hai phòng ngủ nhỏ cho hai người, căn phòng khách nhỏ ăn thông với nhà bếp, và một phòng tắm, giá mướn là một ngàn Đô la cho mỗi tháng.

      Trong tủ lạnh có một ít hực phẩm mà người chị đã chuẩn bị cho hai người trong ba ngày, đồ dùng cũ do người chị cung cấp, sau khi đưa hai em đến nơi này với những dặn dò cần thiết, chị vội vàng ra xe vì chồng chị vẫn ngồi chờ ở xe, chị hẹn ba ngày sau là ngày cuối tuần chị sẽ đến đưa đi chợ và ngày đầu tuần sẽ đi lo hòan tất thủ tục nhập cư cho hai  người mới đến.

      Khi ngồi trên máy bay ...hai chị em cứ tưởng tượng khung cảnh khi đến Mỹ, hai chị em sẽ được một đòan người đem những bó hoa tươi thắm ra đón hai chị em, tất cả đều trang trọng và ấm nồng...cả hai sẽ chấp chới bay vào cảnh phồn hoa của nước Mỹ...họ sẽ ghi lại bao hình ảnh mới mẻ gởi về cho các con...

      Bây giờ thực tế là thế đó, người chị cả cũng chỉ làm theo thủ tục, không vồn vã như chị em Ngọc tưởng, người chồng chị ta đã viết sẵn một giấy nợ cho mỗi người một bản thật rõ ràng : tiền nợ mua vé máy bay, tiền Deposit mướn căn hộ và số tiền trả tiền thuê nhà tháng đầu tiên...tiền chợ ba ngày thì không tính, nhưng từ lần sau thì phải tự lo liệu...

    Ngọc đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, riêng chị Cúc của Ngọc thì không mấy ngạc nhiên vì ngày xưa chị cũng đã từng làm sở Mỹ, đã từng giao tiếp với người Mỹ nên việc tự lo cho riêng mình là điều đương nhiên, mọi chi phí đều phải "share" là chuyện đương nhiên, họ đã tạo điều kiện cho hai chị em nàng đã là "nhân đạo" lắm rồi, chỉ có mẹ con Ngọc không tìm hiểu về cuộc sống của người Mỹ nên mơ mộng xa vời mà thôi,

     Ba ngày dài như ba thế kỷ, chị Cúc thì vẫn bình yên ngủ nghỉ và dọn dẹp chỗ ở của riêng chị, chỉ có Ngọc là buồn lo tận cùng, bên trong khung cửa mờ đục nhìn ra bên ngòai cánh cửa..tuyết rơi trắng xóa cả vạn vật, không một bóng người qua lại, những cành cây trơ trụi lá phủ đầy tuyết, cảnh vật thật u tịch ...lòng buồn lo và nhớ nhiều về các con cháu còn ở lại, rồi nàng sẽ phải làm gì để kiếm tiền cho nhanh  gởi về trả nợ và chia cho từng đứa con đang mong đợi ...Phải làm gì, ???phải làm gì ???

    Rồi mai này nàng sẽ làm gì ???làm sao kiếm được nhiều tiền gởi về Việt nam trả nợ, làm sao có tiền gởi cho các con, một chũ tiếng Anh nàng không biết, chỉ dùng hai chữ "Yes, No" đối đáp, làm sao để có được việc làm??? đầu óc Ngọc cứ quay cuồng trong dòng tư tưởng rối nùi những âu lo.

   Từ khi Ngọc được gọi phỏng vấn và chuẩn bị thu xếp ra đi, các con nàng tự nhiên được "nâng cấp" đáng kể, những món đồ dùng cũ kỹ được quăng bỏ, những quần áo xập xệ của mấy mẹ con được nâng cấp cho đúng kiểu thời thượng...bạn bè ngày một đông vui hơn, và những đồng tiền vay mượn lại ngày một tăng vọt và tỉ lệ thuận với nỗi âu lo của kẻ sắp ra đi đã mang trên vai món nợ lớn và tiền lời tăng từng ngày không ngừng nghỉ.

***
   Ba ngày đợi chờ cũng qua ..người chị cả đến đưa hai chị em Ngọc đi chợ mua thêm những thứ cần dùng và hẹn hôm sau sẽ đến đưa đi làm giấy tờ cần thiết...tuyệt nhiên không thấy chị đưa hai người đến thăm nhà của chị,
    _ Sao chị không đưa hai em đến nhà chị để thăm các cháu ???

    _Các em đừng lo, chúng đi học xa nhà không có đứa nào ở nhà, Chồng chị bảo khi nào các em thật khỏe thì mới đến chơi... vả lại anh ấy không thích mấy chị em nói tiếng Việt trước mặt ổng, thôi kệ các em đừng quan tâm nhé.

    Một sự xa cách đến phủ phàng..niềm đau vì sự ghẻ lạnh củ người chị ruột, có lẽ chồng chị không thích giao tiếp với chị em Ngọc vì sợ trách nhiệm, vì sợ hai gánh nặng của vợ đổ xuống họ chăng ???

   .Chị Cúc thì chỉ âm thầm liên lạc với một người đàn ông quen biết cũ trước năm 75, hiện tại ông sống một mình ở vùng Nam cali nắng ấm...Hai người liên lạc trước với nhau nên chỉ sau hơn một tháng là chị Cúc ngậm ngùi chia tay Ngọc để sang cali với người tình năm xưa, chị đã hòan thành tâm nguyện khi lìa xa quê nhà...

    Một mình Ngọc ở lại trong căn nhà trống trơn với nỗi lo toan tràn ngập...thời gian ở đây, Ngọc đã làm quen với một vài người Việt nam ở cùng những dãy nhà ..họ làm đủ mọi công việc vất vả , nhưng cũng rất khó khăn, họ giúp Ngọc đến xin việc ở một vài nhà hàng và hảng xưởng nhưng  khi phỏng vấn Ngọc không biết một chút tiếng Anh nào, lại không biết lái xe...nên tất cả đều thất bại...

     Nỗi buồn lo cứ từng ngày đêm kéo về  đem theo những thất vọng không bút mực nào tả hết...nỗi nhớ con, thương các cháu, những người còn ở lại đang ngóng chờ tin mẹ và chờ mong những đồng tiền Đô từ Mỹ gởi về, họ có biết đâu :ở bất kỳ xứ sở nào, không hội đủ những điều kiện "ắt có và đủ là bằng cấp và ngôn ngữ "...làm sao có được việc làm mỹ mãn, những việt Kiều khi về Việt Nam đã từng ;
   "Nổ và tăng tốc về việc làm cũng như đời sống xa hoa xứ người là vì để khoe khoang, thõa mãn tự ái và cốt cho người ở lại sự mừng vui, hảnh diện...Sự thực nhiều hòan cảnh rất đáng thương và đầy bi lụy ."

     ***

    Một số người Việt rủ Ngọc sang Alaska "bắt cua", công việc rất vất vả vì phải ngâm mình trong nuớc.và rất nặng nhọc, công việc chỉ dành cho những người đàn ông khỏe mạnh, riêng đàn bà thì chỉ làm dưới hầm tàu  lạnh giá....nhưng cũng kiếm được chút tiền khá hơn đi làm cho các hảng xưởng..
    Nếu các con nàng nhìn thấy cảnh mẹ chúng lăn lộn giữa giá băng dưới hầm tàu làm những công việc quá nặng nhọc đối với người đàn bà lớn tuổi như mẹ chúng...Thì chúng có dám bảo mẹ 'hãy trở về nhà cho các con nuôi mẹ hay không???

    "Nước mắt luôn chảy xuôi rơi rớt trên bàn tay run  của mẹ...chẳng khi nào chảy ngược ở những kẻ làm con "

   Ngọc thì hạ quyết tâm với mình ; cho dù bất kỳ khổ cực nào hơn nữa, nàng cũng sẽ cố gắng vượt qua "Vì các con"

      Ngọc cũng đánh liều theo họ một chuyến "thử thời vận."..nhưng chỉ vài tuần  nàng cũng đành bỏ cuộc vì không thể suốt tám tiếng ở trong một cái tủ đông đá dưới hầm tàu...nàng tá túc ở nhà một người đồng hương mới quen tại Alaska, và chờ đợi kiếm một công việc khác...Hễ kiếm được đồng nào là vội vã gởi về trả nợ và chia đều cho các con, chẳng mấy khi Ngọc nghĩ cho thân mình, tình mẹ trong nàng luôn thôi thúc từng giây phút cho các con.

      Ngọc được người bạn mới quen cho mượn một tờ báo quảng cáo của người Việt, nơi chỗ cần người giúp việc nhà, có người cần người giữ trẻ và giúp việc nhà, bao ăn, bao ở và trả lương một tháng hơn ngàn Đô...

     Ngọc như được hồi sinh với công việc này, địa chỉ chủ nhà tận một tiểu bang thật xa xôi ở miền Đông Nam nước Mỹ, không còn một con đường nào khác hơn là chấp nhận công việc này,nàng báo tin cho  chị, để hòng có một lời khuyên hay sự giúp đỡ trước lúc ra đi...nhưng cũng chỉ nhận được từ môi chị thân yêu:

     _ Chuyến này mà em không làm được thì hãy trở lại Việt Nam em nhé, tội nghiệp em quá.

     _Em cám ơn chị, em sẽ cố gắng và không làm phiền anh chị nữa.

***

       Bắt đầu ngày bước chân vào căn nhà của chủ ...Ngọc đã được đổi tên thành :"Bà vú", vợ chồng chủ nhà có hai con, đứa lớn ngòai 10 tuổi, và đứa nhỏ tròn sáu tháng tuổi, công việc của nàng là chăm sóc đứa nhỏ cho hai vợ chồng họ đi làm, đứa lớn đi học bằng xe bus và buổi chiều tự về nhà, nàng chỉ lo cho đứa nhỏ, khi nào bé ngủ thì lo công việc nhà và nấu ăn cho bốn người...

   Những ngày đầu chưa quen khi nghe chủ nhà gọi.

   _ " Bà vú , nhớ tắm cho bé trước khi cho bé bú nhé,"

   _ ' Bà vú ơi, chiều nay vợ chồng tôi không ăn cơm nhà, bà cứ ăn và cho bé ngủ nhé"

  Những đêm trường trăn trở, không chợp mắt được vì nỗi buồn triền miên kéo về, ngày mới lớn có bao giờ Ngọc nghĩ sẽ có một ngày nàng làm công việc này :"'công việc của một Vú em thực thụ" ..công việc của một "OSIN" nơi xứ người.

   Khi gọi về cho các con nàng chỉ bảo với chúng là nàng làm "Thư ký cho một hảng thầu của Mỹ".. công việc cũng tạm ổn, Các con đừng lo gì cho mẹ, đó là nàng "lo xa" mà thôi, các con nàng cũng chỉ chờ đợi bấy nhiêu là từng đứa đưa ra những yêu cầu với mẹ ...nếu nàng có thể đáp ứng cho trọn vẹn thì mỗi tháng nàng cũng phải gởi về hàng tỉ bạc...

     Những khi chủ nhà đi du lịch cũng đưa "Bà vú Ngọc"  đi theo để bế con của họ , nàng cũng được chụp những tấm hình hào nhóang ở những khu du lịch sang trọng xứ người, những tấm hính này nàng gởi lên Face book cho bạn bè và các con...

     Các bạn nàng vào xem và cũng trầm trồ khen Ngọc trẻ đẹp hơn xưa, các con nàng cũng đem chúng ra khoe với mọi người trong niềm hảnh diện...Từ đó cứ mội lần sinh nhật từng đứa con đứa cháu là nàng gởi tiền về cho các con tổ chức những lễ tiệc phù phiếm...rồi từng đứa cứ vô tư gọi mẹ gởi về theo từng yêu cầu của chúng..

***
    .Thương con cháu và quên hẳn tấm thân mình và nỗi niềm sâu lắng cho thân phận  hẩm hiu của mình ,
      Ngọc cũng cứ miệt mài trong nỗi buồn riêng và hàng ngày mong cho đến ngày cầm được chút tiền từ chủ , phân chia cho từng đứa con nhưng không bao giờ là đủ với đồng tiền có gới hạn mà yêu cầu và những  bất trắc luôn kéo đến khi các con gặp nạn tai...

     Đứa con gái Út được cưới gấp vì có mẹ "Việt Kiều", nay đã sinh con đầu lòng, gia đình chồng buộc cho vợ chồng phải ra riêng, yêu cầu mẹ vợ cho tiền mua nhà, mở tiệm...chờ mãi mà Ngọc không thể đáp ứng , nên chỉ ít lâu nhà chồng cô Út đuổi mẹ con cô con gái út về quê mang theo đứa con thơ tội nghiệp


      Chiều nay nhận tin con trai lớn phải vào nhập viện và lên ca mổ với gần trăm triệu, lòng muốn bay về lo cho con, với những chi phí ngút trời, đào đâu ra những đồng tiền lớn để gởi về, biết vay mượn ai ???

     Hàng tháng nàng cũng đã mượn trước chủ nhà mấy tháng lương...nay làm sao mượn thêm được nữa..

     Những bạn bè thì cũng chỉ mượn được một đôi lần vì thực ra ở Mỹ người ta ai cũng không có thói quen cho người khác mượn tiền, vì người ta quan niệm rằng "những người đã từng đi mượn tiền của kẻ khác tức là họ không nghĩ đến chuyện phải trả ...mà khi bị đòi thì mất đi tình bạn và thành óan hận kẻ trót làm ơn.

       Vì thế ở Mỹ ai cũng phải có một điểm "Credit" thật cao để khi cần thiết là mượn của các ngân hàng, cứ nghĩ và sống theo cách sống ở quê nhà thì coi như đi ngược lại với đời sống và luôn óan hận tha nhân và luôn bị xa cách với mọi người..

      .Cách tốt nhất là sống theo khả năng của mình "Liệu cơm gắp mắm", lời cổ nhân luôn mãi đúng cho mọi thời gian trong cuộc sống chúng ta.

      Thường những người đàn bà Việt nam không giáo dục cho con cái biết nhìn lại mình, sống thực với từng hòan cảnh, cha mẹ và con cái phải thông hiểu hòan cảnh gia đình mình trong thực tại, đôi khi chỉ biết nhìn lại "quá khứ", những cái đã qua không còn có giá trị với cuộc sống hiện tại, phải biết quay lưng lại với quá khứ và nhìn vào hiện tại và thẳng bước đến tương lai ...

     Khi vấp ngã đừng ngồi yên khổ hận mà phải biết đứng dậy đi tới...Vì chẳng ai thương mình bằng chính mình biết thương mình.

     Nếu chúng ta dạy cho các con biết sống thực với những gì hiện hữu thì sau này chúng biết sống tự lập và không dựa dẫm vào bất kỳ ai ...Không sống ảo mà biết nhận chân giá trị của bản thân .

     Nếu Ngọc đã từng dạy con như thế thì có lẽ nàng không cần phải dấu diếm con cái và tha nhân về công việc làm của mình, vì không có nghề nghiệp nào xấu, chỉ không giữ uy tín và tâm hồn trong sạch mới là điều cần suy gẫm .
 

***





.







     Yêu cầu của từng đứa con nàng  ngày một nhân rộng theo cuộc sống xa hoa để theo kịp mọi người.

     Đôi lúc nàng thầm nghĩ, khi sinh ra chúng, nàng chỉ nhìn hình dáng bên ngòai tòan vẹn là mừng rỡ chan hòa, nhưng không ai biết chúng  cũng "bị khuyết tật"...cái gọi là".. 'lương tâm".

     Có khi nào chúng tự hỏi rằng ; một người không bằng cấp, không có lấy một bám víu nào giữa xứ người...làm sao mẹ chúng bỗng chốc biến thành một thư ký hái ra tiền, hàng tháng liên tục gởi tiền về cho mọi đứa, nước Mỹ sao quá dễ hái ra tiền, cứ hễ bước chân đến là đủ đầy vinh hoa phú quí...

    Những người ở lại đâu thấu hiểu những cay đắng đọan trường của những người mới đến, họ cũng phải vượt qua bao nhiêu đắng cay khổ ải mới có cuộc sống bình yên..

    .Đa số những người già ngòai sáu mươi  khi được bảo lãnh sang  xứ người, đa số cũng chỉ ở nhà giữ cháu, hay đến nhà những người giàu giúp việc,
     Cũng có người nhận các trẻ em Việt Nam giữ tại nhà...

     Những công việc này vẫn bình thường ở xứ người, vì tất cả cũng chỉ là "công việc", nhưng không một ai dám nói rõ công việc ấy cho con cái hay người thân ở quê nhà thông cảm cho cảnh khổ của mình,
 
      Khi trở về quê hương, đa số người nào cũng là Giám đốc, chủ Business, chủ nhà hàng, chủ tiệm Nail, hay ít nhất cũng là Thư Ký...chứ không ai dám nhận là mình là "osin "  cho người.

     Khi ăn miếng ăn ngon từ đồng tiền của mẹ, chưng diện phù phiếm xa hoa,  có khi nào những đứa con của nàng  nghĩ mẹ chúng đang" bưng mâm múc nước hầu hạ người ta" đổi lấy miếng ăn ngon cho con mình ???
     Liệu những đứa con của Ngọc có biết thương mẹ  chút nào không ???

    Tình thương của người mẹ dành cho con không giống bất kỳ điều gì trên thế gian, thương con trẻ, mẹ đã hy sinh tất cả cho con, quên cả bản thân mình, rồi từng đêm rơi bao giọt sầu , chỉ mong đem điều tốt đẹp cho con mình ...mà không cần các con phải biết những việc mà mẹ đã làm chỉ vì các con.

    Ngọc chính là người đàn bà đại biểu cho "người mẹ Việt Nam"

   :

   "Tôi biết tôi mất mẹ...là mất cả bầu trời"



      Atlanta   April 20th 2017

          Nguyên Hạ_Lê Nguyễn

    





    

Không có nhận xét nào: