Thứ Ba, 23 tháng 5, 2017

- A Lô... A lô, Đồng bào lưu ý, đồng bào lưu ý, nước lụt đang tràn đồng, mọi người thức dậy lo chống lụt, A lô A... lô... A lô...

  Tiếng a lô vang lên từ đường rầy xe lửa phát ra trong sương sớm của người hương quản làng tôi, nhắc nhở mọi người chuẩn bị chống lụt cho mỗi nhà...
  Tôi choàng tỉnh ngủ, khùa chân xuống giường, nước đã ngập chân giường hơn một gang tay người lớn...

     Tiếng gọi nhau ơi ới của mọi người lo thu dọn đồ đạc trong nhà đem đặt lên đám đất cao giữa vườn...
     Mẹ tôi và các cậu tôi đang di dời đàn heo con chín đứa của bà tôi ra giữa sân, chị heo mẹ với hai hàng vú dài chậm rãi theo gót, đàn gà co ro nép vào một xó với mớ lông ướt sũng, anh gà trống bỗng cất cao tiếng gáy như thầm bảo là tuy mưa gió nhưng cũng không quên nhiệm vụ cao cả của mình, xong tiếng gáy nó rè rè làm nhiệm vụ với mấy chị gà mái kế bên nhưng hầu như mấy chị gà không mấy hứng thú với  công việc thường ngày này như mọi bữa, run rẩy nép vào những hốc kẹt của đống ván giữa sân
 
    Cảnh vật nhuốm một màu đùng đục, tiếng a lô xa lần và im bặt.không gian tĩnh lặng và ẩm ướt tang thương.

***

       Ngày đó...Ở làng tôi hễ cần thông báo việc gì cho mọi người trong làng thì dùng cách này, thời gian và sự việc thay đổi theo yêu cầu, tin tức truyền đi khắp làng qua cái ống bằng tôn uốn hình cái bông bí lớn, người thông tin chỉ cần hô to trong miệng ống và địa điểm thường xuất phát từ đường rầy xe lửa là nơi cao nhất làng, chạy dài theo đầu cầu máy qua xóm "Gò bắn " đến giáp xóm " Đàng Gò"là ai trong làng cũng nghe...

       Thường nội dung kêu gọi dân làng đi bầu cử, chống bão, chống lụt, chống cháy... mọi người chỉ lắng nghe và tự lo liệu cho nhà mình, nhưng đặc biệt những tin được ghi nhận và thi hành đúng giờ nhất là những khi các "Phái đoàn vận động bầu cử " đến làng , thường nội dung như sau;

      _ A lô... a lô dân làng lưu ý, đúng 8 giờ sáng nay, đồng bào mỗi hộ đến tập trung tại đình làng Gò Bắn để nhận mỗi hộ 10 ổ bánh mì của liên danh "Con trâu kéo cày "...

        _ A lô... a lô nhớ đi cho đông đủ và bỏ phiếu cho liên danh này... nếu được như vậy lần sau mỗi hộ sẽ được nhận thêm một cái gàu xách nước...

        _A lô... A lô... Với những mẫu tin như thế thì thường dân làng đến rất đông.để nhận quà trước ngày đi bỏ phiếu ở đình làng.

         Tôi thường theo cậu Chín tôi đi lãnh bánh mì do sự phân phát của mấy người đi vận động bầu cử,
         Thường các phẩm vật được ban phát bỡi mấy bà ăn mặc rất sang trọng, quần áo lượt là, môi son má phấn, tôi thỏa thích ngắm nhìn và cứ trầm trồ với cậu tôi:

        - Sao mấy bà nhà giàu ăn cái gì mà nẫu đẹp quá...

        - Thì ăn cao lương mỹ dị mới đẹp, chứ ăn mắm mút giòi như mình sao đẹp được... mơi mốt bay cũng giàu như nẫu thì   bay  cũng đẹp dzẫy...

         lLần lượt từng hộ trình tờ khai gia đình được ban tặng chục ổ bánh mì và một tấm giấy in hình liên danh ":con trâu đi trước cái cày đi sau"     và ghi nhớ là bỏ cho liên danh đó...

        Dân làng tôi rất là đơn giản không cần biết là bỏ phiếu bầu cái gì, cũng không thắc mắc là người sẽ cầm cân nẩy mực là ai ??? Chỉ biết lãnh quà và chờ ngày họ đắc cử trở lại cho thêm cái gàu xách nước như đã hứa.

         Nhưng thường thì không thấy ai trở lại như lời hứa và cái gàu xách nước cũng chỉ "cột cánh chim ''.
..
       Cách vài hôm lại cũng có những liên danh khác lại đến sau ...Họ lại gom dân làng tôi lại ban phát cho mỗi hộ một lon sữa con chim và hứa khi đắc cử lại cho thêm kí đường... Và bọn trẻ chúng tôi lại được nhìn ngắm những người nhà giàu với đầy màu sắc và thơm tho hết sức...

        Tôi lại có dịp ngắm nhìn và mơ mộng... '"Mai mốt mình cũng giàu, mình cũng đẹp như nẫu "...

***
         Đã ba ngày mà nước vẫn chưa rút hết, trong nhà thì đã cạn nước, chỉ còn lại đám bùn non sền sệt, bọn trẻ chúng tôi chạy ra chạy vào tri trét khắp sân, khắp nhà, người lớn lo dọn dẹp phơi phóng lại chiếu giường...
        Ngoài vườn chuối ngã tứ tung, mực nước còn ngang gối, cậu tôi lấy cái sõng treo trên chái bếp xuống chèo đi nhặt mấy buồng chuối ngã gục trong vườn, chúng tôi được leo lên ngồi trong khoang dùng mấy cành cây gãy chèo phụ thật là khoái chí, đôi lúc cái sõng bị vô nước đổ nhào mấy cậu cháu xuống nước... xúm nhau lật ngược lại rồi lại leo lên...

        Chúng tôi thích nhất trò này, ở quê tôi nhà nào cũng có một cái sõng để di chuyển trong mùa nước lụt khi có việc di chuyển từ nhà này đến nhà khác hay đi vớt lúa sót hoặc đi câu cá khi nước rút...

         Bỗng từ xa nghe tiếng thùng thiếc gõ từng hồi phía xóm dưới  mỗi lúc một dồn dập từng hồi
        Thường khi nhà nào có chuyện gì muốn báo tin cho mọi người đến tiếp cứu thì trong nhà đó lấy cái thùng thiếc ra gõ liên hồi thì mọi người sẽ chạy đến tiếp cứu. thường là có người "bị trúng gió", hai vợ chồng đánh lộn có đổ máu, hay có người chết. hay có ăn trộm vào nhà...

        Còn nhớ có một lần, nhà ngoại tôi vào lúc nửa đêm nghe tiếng kêu của con gà mái ấp bị con trăn lớn vào lấy trứng và quấn chết con gà mái, trong nhà chỉ có bà tôi và mấy đứa con nít.

      Bà tôi gọi chúng tôi dậy và mấy bà cháu xúm nhau gõ thùng thiếc vang trời, chỉ độ mười phút sau trai tráng trong làng kéo đến đập chết con trăn to bằng cổ chân người lớn dài hơn thước tây, sáng hôm sau họ xẻ thịt ở giữa sân.
      Lần đầu tiên tôi nhìn thấy lớp da rằn ri bóng mượt của lớp da trăn, thịt của nó được cắt từng cục bỏ vào cái chảo gang lớn, những miếng thịt trắng hếu lăn lộn trên bếp lửa như muốn bò ra ngoài, rất lâu mới chịu nằm yên...
      Sau đó họ lọc ra một thau mỡ Trăn vàng ươm, chia cho mỗi người một chai nhỏ để dành xức ghẻ cho con nít.
      Ở làng tôi đứa con nít nào đầu không có chí và chân không có ghẻ tức là không phải con nít làng này, vì thế mỗi nhà đều lấy một ít đem về dùng từ từ, không biết mỡ Trăn có hiệu nghiệm không, mà sao đám con nít làng tôi vẫn dính liền tuổi thơ với bầy đàn "con ghẻ" quanh năm,

   Nhìn những miếng thịt Trăn nhào lộn trong chảo... tôi không dám nếm thử vì sợ lủng bụng khi nó vào trong mặc dù nhìn mấy người lớn ăn rồi uống với Rượu Bầu Đá, nghe họ khà sao sảng khoái quá chừng...

***
   Nghe tiếng thùng thiếc kêu vang từng hồi khi trời còn tờ mờ đầy sương và cơn mưa còn rỉ rả.
  
   Cậu tôi chạy ra đường hỏi với theo mấy người đi ngược lại về tiếng gọi ở cuối làng ???
_Chiện gì mà xóm dưới gõ rùm beng???

- Ông Hược mới rước dâu hôm qua, nay chết rầu.

- Sao chết ? sao chết ?
- Mới cưới vợ nhỏ mà sao chết ???

- Xuống coi rồi biết, chuyện thắc cười lắm...

      Tôi hăng hái chạy theo cậu tôi xuống nhà ông Hược.để coi cớ sự.
 Mới hôm qua còn thấy người con trai cả của ông đi đón dâu ngang qua nhà Ngoại tôi đây mà sao nay đã chết.

 Ông Hược bị bệnh gì không biết đã từ rất lâu chỉ nằm một chỗ, ngày trước ông rất khỏe mạnh.
 Nhà ông có sáu con trâu cày, đến mùa lúa cha con ông đi cày mướn cho khắp làng, nhà rất khá giả, vợ ông cho vay bạc nóng cho mọi người, đang khỏe mạnh bỗng dưng ngã bệnh, chạy thầy thuốc khắp nơi không hết.Thuốc nam, thuốc Bắc, thầy cúng, thầy thủy ra vào tấp nập cửa nhà ông...

   Một bữa nhân ông thầy bói Mù mời coi quẻ, bà Hược coi thử một quẻ cho chồng; quẻ gieo rằng

    - Gia chủ phải cưới vợ nhỏ cho ông thì ông mới hết bệnh..
.
       Bà vợ cũng không vui nhưng cũng  nhờ người mai mối,để cưới vợ nhỏ "xông hỉ cho chồng ".

       Người trong làng chỉ cho bà đến nhà cuối làng hỏi cưới cô Lượm là con gái nuôi của bà mụ Tám.
       Cô Lượm nay ngoài ba mươi tuổi, giỏi giắn và khỏe mạnh với nước da bánh mật, cặp mắt là răm, vai to, mông núng nính, hai má miếng bầu...
       Cô rất khỏe mạnh và giỏi việc đồng áng, không chồng nhưng cô cũng tự cải thiện cho mình một đứa con gái lên năm.
      Thường ngày cô đi cấy mướn cho khắp làng và đôi lúc nhà ai có cưới hỏi giỗ chạp là cô Lượm tự động đến giúp, dắt theo con Lùn để đứng ở xó cửa chờ mẹ cho miếng thịt, cục xôi.

     Cuộc sống hai mẹ con cô không có gì đảm bảo nên khi được người mai mối nói rõ ý định bà Hược muốn cưới cô cho chồng để "xung hỉ '" theo lời mách bảo của Thầy bói mù , Bà hứa sẽ cho cô hai chỉ vàng làm quà sính lễ và nuôi luôn con gái cô,( lúc ấy cô Lượm chỉ độ ngoài ba mươi mà ông hược đã ngoài năm bó và đã có bảy mặt con, nhưng vì muốn đổi đời nên cô đồng ý...)

      Ngày lành, tháng tốt đã coi xong... hôm đó nước tràn đồng, nằm trên giường trùm mền tận cổ, dưới giường một chậu lửa to nhưng ông vẫn run cầm cập

       Ông hược vạch mền ráng nhìn cái đồng hồ quả lắc treo trên tường ông thấy giờ lành để đón dâu đã tới, ông réo người con trai cả đang lật cái sõng giữa sân. giọng ông run run theo từng cơn ho to nhỏ.

    - Thằng Hai đâu, bay chống sõng đi đón dì mầy chưa ??? gần tối rồi...
    _ Dạ, con đi đây cha...a...nước lụt tràn dồng mà đón dâu...u...

     Tiếng người con trai ông lầu bầu trong miệng nhưng cũng chống sõng đi đón cô dâu về nhà chồng giữa buổi chiều đầy mưa gió nước lụt đầy đồng....

    _  Mới hôm qua đây sao nay sinh cớ sự ??? Mới rước dâu, sao không hưởng phước mà đã chết.???

     Trước sân nhà ông Hược ,một đám người đang khiêng mấy tấm phản gõ giữa nhà ông ra sân để ghép thành sáu tấm để tẩm liệm cho chủ nhân nó.mọi người đang cưa đục rầm trời, tiếng thầm thì thủ thỉ...

     Tôi nép sau lưng cậu tôi , mặt tái mét vì gió lạnh và hãi sợ vì là lần đầu đi coi đám chết...

      Giữa nhà ông đặt một cái giường nhỏ chỉ vừa một người nằm,  một cái xác đang nằm ngay đơ, đắp từ cổ xuống một tấm vải mỏng màu trắng, tôi lén lén nhìn khuôn mặt choắt cheo của ông với bộ râu lởm chởm, nước da tái mét xanh lè, cái miệng há hốc méo xệch...
     Nhìn xuống phía dưới hai cái chân đen thui nứt nẻ, đi dần lên chỗ gần tới bụng tôi thấy một vật lạ nổi cồm cộm dưới làn vải mỏng nhô lên một đoạn dài hơn gang tay người lớn....Không biết là vật gì???

     Tôi nhìn tới ngó lui thấy mấy người tới thăm, ai cũng lấm lét nhìn vào chỗ đó... rồi quay ra  ...ai cũng giấu   nụ cười...chứ không ai mủi lòng khóc theo gia chủ.

       Trong góc nhà , bà chủ nhà ngồi rũ rượi một chỗ , tay quẹt mũi miệng kể lể với vài bà mới đến:

      - Ông ơi là ông ơi, ông chết tức, chết tối vì thằng thầy bói mù nó xúi dại, hu hu... hu hu...
       - Chỉ tai cái con dâm phụ mới dìa nhà này có một ngày mà nó hại chết ông rồi... ông ơi là ông ơi....
       - Ông ơi là ông ơi, nó lấy hai chỉ vàng y trốn biệt rồi, ông ơi là ông ơi.

      Người con trai thứ hai của ông ra ngoài cám ơn mọi người rồi đá vào chân mẹ không cho kể lể nữa...

       -Bà có im đi không, tại má  bày ra chiện này mà, còn kể lể chi nữa

       Mọi người lần lượt ra về, tôi không hiểu tại sao đám chết mà sao mọi người ra về cứ nhìn nhau mỉm cười không nói, tôi thắc mắc quá nên hỏi cậu tôi:

     - Sao ổng chết mà có cái cây gì cắm giữa bụng, chi dzẫy ???

     - Con gái con đứa đừng hỏi chi mấy chuyện đó nghen....

        Rồi cậu tôi cứ chúm chím cười...những người trong làng cũng cứ nhỏ to ,,,cười tủm
      Đi hết thắc mắc này đến tò mò nọ, tôi về nhà kể lại cho dì tôi và hỏi lại câu thắc mắc cũ, dì tôi hình như đã biết chuyện trước nên nạt tôi:

      - Đừng hỏi mấy chuyện dzô dziêng đó nữa....chí nhỏ "ỉa đầy giỏ mang" hỏi chi.

     Tôi đem thắc mắc này vào giấc ngủ , cứ nhắm mắt là  khuôn mắt tái mét, đôi bàn chân khô cứng và vật lạ giữa bụng người chết...với bao nghi vấn mà không người lớn nào giải thích cho đám nhỏ chúng tôi về tình huống này...
      Cái thây ma  xám xịt, miệng méo xệch   và vật lạ... luôn là dấu hỏi to trong trí tôi ngày ấy....

***
       Cho đến một ngày kia... lúc ấy tôi đã học lớp Đệ thất, mỗi ngày khi nghỉ học, lúc vắng khách Mẹ tôi thường đi làm công việc khác cho tôi ngồi bán bánh bèo thay Mẹ...

     Bỗng nhác thấy anh Tư Trà là con trai thứ ba của ông Hược xuống học ở trường Cường Đễ và trọ gần nhà tôi, thỉnh thoảng anh đến chỗ tôi ăn bánh, tôi lấy bánh cho anh và chợt nhớ lại nỗi thắc mắc về cái chết của cha anh mà từ bấy đến giờ chưa ai giải thích cho tôi...
     Đúng đối tượng để tôi hỏi và chắc là sẽ được giải thích tường tận vì là cha anh, lẽ nào anh dấu chi, anh lại có cảm tình với tôi nữa vì cùng quê với nhau mà. Lựa lúc anh đang ăn ngon lành. .

    - Anh Tư nè, sao hồi đó cha anh chết, bị sao mà có cây gì cắm giữa bụng dzậy ???
Anh Tư Trà đang nhai mấy miếng bánh bèo trong miệng, bỗng sặc một cái thiệt mạnh, mấy miếng bánh văng ra khỏi miệng anh đáp vào lỗ mũi tôi với từng ấy miếng hẹ và nước mắm trộn lẫn...

    Tôi lấy tay quẹt ngang không biết chuyện gì đã xảy ra cho anh...
   Anh đứng lên trả tiền, mặt sượng trân như mới bị phát hiện là mình bận quần quên gài cửa sổ...

      Tôi nghĩ bụng chắc anh bị đau bụng hay quên vật quí gì ở nhà sao mà đi mau quá,?  hay tại tôi hỏi về người cha quá cố của anh làm anh buồn,? hay tôi xúc phạm gì anh sao đây ?

     Tự nhiên đang ăn phun vào mặt tôi đủ thứ đồ hôi hám quá mà không nói câu xin lỗi...
      Thật là khó hiểu quá chừng... Sau này cứ mỗi lần ở quê ngoại có nước lụt chúng tôi thường rủ nhau về quê coi nước lụt và tôi cũng nhớ lại những thắc mắc về thây ma ông Hược và nỗi thắc mắc mà chưa ai giải đáp cho tôi.
      Có lần tôi thoáng nghe ai đó nói là có ai đó cũng mới bị "trúng phong" chết, giống hệt ông Hược ngày xưa ... tôi muốn tham gia câu chuyện cho rõ trắng đen, nhưng chợt nhớ lời dì tôi dặn "con gái con đứa không được hỏi mấy chuyện dzô dziêng đó," nên thôi vì lúc đó tôi cũng đã là '' con gái rồi " sao dám hỏi ai thêm...

***
    Những lần kể cho các con nghe những câu chuyện của tuổi thơ... chưa lần nào tôi dám kể câu chuyện này vì sợ chúng hỏi lại...Chỉ kể đến chỗ chống sõng trong vườn ...đã giải thích mệt nghỉ rồi , đưa mấy chuyện phức tạp này chỉ làm rối rắm thêm cho mẹ.

    ,Chuyện về tuổi thơ luôn là đề tài mà chúng thích nhất vì ở đó là nguyên bản của sự mộc mạc là những ước mơ đơn sơ nhất  của mỗi con người ...những chuyện tôi thường kể đi kể lại nhiều lần cho các con và bây giờ cho các cháu tôi, nhưng câu chuyện này thì nay mới kể cho mọi người về những trận lụt quê tôi hàng năm vẫn tràn bờ trên quê mẹ quê cha ...

     Những người dân quê tôi qua bao đời vẫn hứng chịu những thiên tai bão lũ, lụt lội tràn đồng hàng năm, không biết những 'hủ tục" có còn triền miên trong đời sống người dân làng tôi ???

       Tôi vẫn nhớ lắm những ngày tuổi thơ nơi quê Ngọai


           Nguyên Hạ_Lê Nguyễn

      ( Giải 2, Giải Viết ngắn hải Ngọai 2010)

Không có nhận xét nào: